Thầy Tuấn Ngọc - Ảnh: H.HƯƠNG
Thấu hiểu học sinh là điều đầu tiên tôi phải làm. Đó là bài học mà tôi nhận được từ các em
Cô giáo NGUYỄN LƯƠNG THIỆN
Thầy xin hứa...
"Năm 1993, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 12 chuyên toán. Trong lớp có em T. học toán rất giỏi và đạt được nhiều danh hiệu trong những cuộc thi học sinh giỏi toán thời ấy. Ngồi kế bên T. là N. - học cũng giỏi nhưng không bằng T." - thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, giáo viên môn toán Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết.
Thầy Ngọc kể: "Hồi ấy, tôi mới đi dạy được vài năm nên có nhiều sai lầm lắm. Vì là học trò lớp chuyên nên các em ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, tác phong chỉn chu, học lực thì giỏi rồi, không phải bàn cãi gì nữa. Thế nên tôi chẳng có chút mảy may lo lắng và quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của các em. Nhưng rồi tôi phát hiện ra cuộc sống không như những gì mình tưởng tượng.
Đầu tiên là N.. Trong khi nhiều học sinh khác trong trường có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng không muốn và không đóng một số khoản phí thì em đóng đầy đủ tất cả các khoản tiền do nhà trường quy định.
Chỉ đến khi N. bị đau ruột thừa, vào bệnh viện cấp cứu tôi mới biết mẹ em chỉ là người đi thu mua ve chai. Hôm đó, giữa lúc con trai nguy cấp, bà đã đếm tất cả tiền bạc mình đang có cũng chỉ được mấy chục ngàn đồng.
Nhưng đây chưa phải là kinh nghiệm sâu sắc nhất trong quá trình làm công tác chủ nhiệm của tôi.5th5fgrhb
Một lần, tôi cho cả lớp làm thử đề thi tuyển sinh vào ĐH. Đề rất khó, cả lớp chỉ có hai em là T. và N. đạt điểm 10, còn lại các em khác điểm thấp hơn, hầu hết từ 8 điểm trở xuống.
Cho rằng N. đã nhìn bài của T. nên bữa phát bài kiểm tra, tôi nói nhỏ với N.: "Lần sau con đừng làm như vậy. Hãy tự lực cánh sinh, đừng dựa vào người khác". N. không cãi lại, chỉ cúi đầu lặng im.
Năm tháng trôi qua, tôi cũng quên mất chuyện này. Vả lại, tôi la mắng thế thôi chứ không để bụng, N. ngoan và học giỏi rồi, đâu có gì phải băn khoăn nữa.
Cuối năm đó, N. đậu ĐH Ngoại thương. Nhưng ông trời thật bất công, đến cuối năm thứ tư ĐH, N. bị ung thư. Khi em sắp rời xa cõi đời, tôi biết tin và chạy qua thăm.
Hôm ấy, giữa vòng tay của rất đông bạn bè, N. nắm lấy tay tôi, cố dồn hết sức mình để nói thều thào mấy câu: "Thầy ơi, con muốn nói với thầy một chuyện. Cái bữa kiểm tra toán ngày xưa ấy, T. nó đã chép bài của con".
Trời ơi, chỉ vì một phút chủ quan mà tôi đã vội vàng nghi oan cho học trò của mình. Bao nhiêu năm mà nỗi oan ấy không giải được. Tôi thầm nói với N.: "N. ơi, sao con không phân bua, giải thích, sao con không cãi lại thầy? N. ơi, thầy ngàn lần xin lỗi con.
Thầy hứa với con: trong suốt những tháng ngày còn lại trong cuộc đời đi dạy của thầy, thầy sẽ không bao giờ vội vàng kết luận một điều gì mà chưa tìm hiểu kỹ về học trò của mình. Hãy tin thầy nha N.. Thầy xin hứa...".
Cô Trần Thị Thuần trong tiết dạy văn - Ảnh: P.CHINH
Sai lầm của cô
Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, kể về một sai lầm của mình: "Có một học sinh của tôi phạm lỗi. Khi ấy, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm như bây giờ nên việc đầu tiên, tôi yêu cầu em giải trình và nói em phải mời bố mẹ đến gặp cô giáo chủ nhiệm".
"Nếu em không mời bố mẹ đến thì tôi không cho em vào lớp" - tôi dứt khoát. Nhưng cậu học sinh trả lời: "Bố em không đến đâu, em bảo chị em đến có được không ạ?".
Nghe học sinh nói thế, tôi thấy bực nhưng vẫn kiên nhẫn giải thích: "Không được, chị em chưa đủ trách nhiệm giải quyết việc này". Cậu học sinh liền nói: "Thế thì thôi ạ".
Thái độ, lời nói của em học sinh đó khiến tôi cho rằng em cố tình chống lại yêu cầu của giáo viên. Và tôi bảo em rằng tôi sẽ tới nhà gặp bố mẹ em. Lặng đi hồi lâu, em mới nói với tôi: "Thưa cô, bố em không nói được".
Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác bối rối, hối hận lúc đó. Em học sinh đó không ở cùng mẹ, còn bố em là một người khuyết tật.
Em học sinh ấy đã không muốn giải thích cho tôi ngay từ đầu vì em không muốn ai biết cảnh ngộ của mình. Em muốn giấu đi điều đó như nỗi mặc cảm cần chôn sâu. Còn tôi, tôi đã hoài nghi, đã đánh giá tiêu cực về học sinh mà không hiểu gì về hoàn cảnh của em.
Bài học từ học sinh
Cô Trần Thị Thuần, dạy chung trường với cô Thiện, cũng chia sẻ một kinh nghiệm. "Tôi may mắn được nhiều học sinh quý và ủng hộ. Nhưng tôi không biết rằng có nhiều em dù quý tôi nhưng vẫn giữ khoảng cách vì các em không tin tôi có thể thấu hiểu và chia sẻ được.
Khi mới về trường này, tôi luôn phải cố tỏ ra lạnh lùng, nghiêm khắc để có "uy" với học sinh. Vì tôi nghĩ phải có "uy" thì học sinh mới sợ, mới giữ nề nếp.
Sau này, tôi mới thân thiện hơn với các em. Nhưng khi gần gũi rồi, tôi lại tỏ ra sốt ruột, hay khuyên các em làm cái này cái kia. Dường như việc khuyên bảo học sinh là một bệnh nghề nghiệp của nhiều giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Tôi cũng nằm trong số đó.
Một lần, trong giờ giải lao, tôi vô tình nghe hai em nữ nói: "Nhìn cô có vẻ gia đình yên ổn, hạnh phúc. Cô như thế nên cô không thể hiểu được hoàn cảnh, suy nghĩ của chúng mình đâu".
Tôi đứng lặng đi. Không phải tôi buồn vì học sinh "nói xấu" tôi mà tôi chợt hiểu các em cố giữ khoảng cách với tôi. Mà điều đó là do tôi.
Sau này, có một số học sinh đã ra trường quay lại thăm tôi đã nói thẳng thắn: "Em rất yêu quý cô nhưng em nói thật, cô chả hiểu gì chúng em cả". Sự thẳng thắn này khiến tôi nhận ra các em cần một người thấu hiểu, lắng nghe các em, chứ không cần những lời khuyên bảo.
Đó thực sự là một bài học cho giáo viên chủ nhiệm mà chính các học sinh đã mang đến cho tôi" - cô Trần Thị Thuần chia sẻ.
Điểm hay của học sinh
"Những em bất cần đời, không chịu học hành, quậy phá và buông xuôi mọi thứ thường là những em có hoàn cảnh đặc biệt: cha mẹ ly hôn, sống thiếu thốn tình cảm gia đình, không được các đấng sinh thành quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ đúng cách...
Dù có quậy phá đến đâu, bướng bỉnh như thế nào thì ít nhất các em cũng có một điểm hay nào đó. Quan trọng là giáo viên chủ nhiệm có tìm ra điểm hay ấy để đồng cảm và tiếp cận với học trò hay không mà thôi".
Cô NGUYỄN THỊ NGỌC GIANG
(Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)
_________
Kỳ tới: Chủ nhiệm thời @
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận