Thầy Khánh Bảo - Trường Marie Curie - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhớ lại.
Không có chuyên ngành nào đào tạo, huấn nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm ở các trường sư phạm. Và khi ra nghề, giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ là công việc kiêm nhiệm bên cạnh nhiệm vụ chính là dạy học. Nhưng thực tế đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải là các nhà giáo dục có hiểu biết, ứng xử sáng tạo, linh hoạt, bao dung, thấu hiểu...
"Cô sẽ chờ em"
H.A. là một học sinh có tư chất thông minh, đặc biệt học tốt tiếng Anh nhưng đã không vào được lớp 10 trường công lập. Khi vào một ngôi trường "không danh tiếng", H.A. càng chán nản, lười học, trốn tiết và phản ứng lại thầy cô bằng sự lầm lì, không muốn cố gắng.
"Nếu không hiểu, tôi sẽ nghĩ như thông thường rằng mọi sai trái đều do H.A. không biết nghĩ, không thương bố mẹ. Nhưng sau khi tôi tìm hiểu thì khác hẳn. Bố H.A. không tin cậu là con ruột của mình. Vì vậy H.A. là đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn" - cô Lương Thiện nói.
"Tôi đã cố làm bạn với H.A. vì tôi hiểu nỗi buồn lớn của cậu. Với những học sinh như H.A., nếu không thấu hiểu sẽ khó khiến các bạn ấy mở lòng" - cô Thiện kể về hành trình chinh phục trái tim học trò của một cô giáo chủ nhiệm.
Năm lớp 12, H.A. tìm thấy sự đồng cảm với một cô bạn gái có cảnh ngộ đặc biệt là M., mồ côi bố, gia cảnh khó khăn.
"Tôi biết và chia sẻ với tình bạn đặc biệt đó của H.A.. Từ đó H.A. vui hơn, đi học đều, tiến bộ rõ rệt" - cô Thiện nhớ lại.
Nhưng đột ngột M. định nghỉ học vì gia đình không đủ tiền cho con đi học. H.A. đã cầu cứu bố mẹ giúp đỡ M. nhưng cậu đã bị từ chối. M. vì chuyện này cũng quyết định chia tay H.A.. Một lần nữa H.A. lại rơi vào khủng hoảng nên bỏ học luôn, đóng cửa không gặp ai.
Cô Lương Thiện kể: "Tôi đến nhà nhưng H.A. không muốn gặp tôi, cũng không muốn gặp ai. Đều đặn hằng ngày tôi nhờ những bạn thân của H.A. mang tài liệu, đề cương ôn tập tới nhà cho cậu. Tôi nhờ giáo viên bộ môn hướng dẫn, rồi dặn dò cả trong đó những gì H.A. cần ghi nhớ.
Cả ngày tôi chỉ thắc thỏm chờ tin nhắn của H.A. nhưng vô vọng. Tôi đã nghĩ cậu sẽ bỏ tất cả. Nhưng sát ngày thi, mẹ cậu điện thoại cho tôi báo: "Nó thay đồ, gọi cho cậu bạn thân đón rồi ra khỏi nhà". Tôi và mẹ H.A. cùng hồi hộp chờ đợi".
"Sau này tôi biết những tin nhắn, tập tài liệu, đề cương mình kiên nhẫn gửi đến đã không vô ích. Ở trong căn phòng đóng kín cửa, H.A. vẫn đọc và cậu ấy đã vượt qua được kỳ thi. Giờ H.A. đang học ở một trường cao đẳng. Kinh nghiệm với H.A. cho tôi biết rằng đừng bao giờ buông tay khi học sinh cần đến mình".
Cô Nguyễn Lương Thiện trong tiết dạy GDCD - Ảnh: P.CHINH
Kinh nghiệm với H.A. cho tôi biết rằng đừng bao giờ buông tay khi học sinh cần đến mình
Cô giáo chủ nhiệm NGUYỄN LƯƠNG THIỆN
"Cứ nhắn tin cho thầy"
"Gần 10 năm làm công tác chủ nhiệm, gặp nhiều học sinh với những tính cách khác nhau nhưng tôi không bao giờ quên em L.V.H.V., học sinh lớp 12B7 năm học 2010-2011. Em không quậy phá, không vô lễ mà trái lại rất ngoan, thầy cô có la mắng em cũng im lặng, không bao giờ cãi lại. Em chỉ có một cái tật: cứ vô lớp là ngủ.
Em ngủ rất ngon, ngủ triền miên. Nếu giáo viên kêu em cũng dậy đấy, nhưng năm phút sau lại gục xuống bàn ngủ tiếp. Có giáo viên giận quá đuổi ra khỏi lớp thì em nói lời xin lỗi rất lễ phép..." - thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo, giáo viên môn toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), kể lại.
Tất cả học sinh trong lớp 12B7 hồi ấy đều gọi V. bằng anh vì V. hơn các bạn cùng lớp đến ba tuổi.
Tìm hiểu, thầy Bảo biết được do V. lưu ban một năm cộng với việc gia đình cho V. đi du học ở nước ngoài hai năm khi còn học ở bậc THCS. Sau hai năm thấy không ổn nên em trở về Việt Nam và phải học lại chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam trong hai năm ấy.
Với hoàn cảnh như vậy nên V. sống cách biệt, không hòa đồng với các bạn. Từ khi du học trở về, đêm nào V. cũng đi bar đến 2h-3h sáng. Trao đổi với cha mẹ V., thầy Bảo nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm: "Chúng tôi đã hết cách rồi".
Ban ngày vào lớp thì ngủ, tối lại đi quán bar, V. thường xuyên nhận điểm 1, 2 ở tất cả các môn học. Dù rất sốt ruột nhưng thầy Bảo vẫn tỏ ra đồng cảm với học trò. Thầy không ngăn cản việc V. đi bar, chỉ yêu cầu: "Khi nào em về đến nhà thì nhắn tin cho thầy".
V. nói: "Em về trễ lắm". Thầy Bảo trả lời: "Không sao, em cứ nhắn "em đã về nhà" để thầy yên tâm".
Thời gian ấy, người thầy mới 26 tuổi, ban đêm lúc nào cũng phải kè kè điện thoại bên cạnh để khi thấy tin nhắn của học trò là ngay lập tức nhắn lại ngay: "Ok, em ngủ ngon nha".
Từ đó, V. bắt đầu áy náy với việc mình đi chơi mà có người phải thức theo. Em đề nghị: "Thầy lo cho bạn khác đi! Em không đậu tốt nghiệp (THPT) được đâu". "Thế em có muốn thi đậu không?". "Dạ, có. Nhưng em không thể thi đậu". "Thầy hứa với em là sẽ đậu nếu em hợp tác với thầy và nghe lời thầy".
Thế là hằng ngày từ 21h-23h, V. đến nhà thầy chủ nhiệm để được thầy dạy kèm miễn phí, không chỉ riêng môn toán mà thầy còn giúp V. dò bài, chuẩn bị bài cho buổi học ngày hôm sau.
Khi còn hai tháng nữa là thi tốt nghiệp THPT, V. quên hẳn quán bar, miệt mài đèn sách với một niềm tin vững chắc của người thầy truyền qua là "mình sẽ thi đậu". Rồi V. đậu thật, đậu loại khá hẳn hoi.
Thầy Khánh Bảo và học sinh của mình - Ảnh: N.HÙNG
Cậu học trò đau khổ
Do tóc H.A. hơi xoăn còn tóc bố lại thẳng, vì vậy bố nghĩ không phải là con ruột của mình. Sự nghi ngờ làm cho hạnh phúc gia đình rạn vỡ. Điều đó ngấm ngầm tác động vào H.A. khiến em cảm thấy mình "không nên sinh ra".
Cô đơn, hoang mang, H.A. trượt dài dẫn tới hậu quả từ một học sinh học tốt ở THCS, em thi không đạt vào trường công lập. Đã vậy, H.A. chỉ muốn mình trôi xuống dốc. Nhất là khi cậu phát hiện bố có người tình khác ngoài mẹ nhưng thương mẹ, H.A. cố giấu điều bí mật đó.
Càng giấu, nỗi bức bối, đau khổ càng lớn trong lòng em.
Kỳ tới: Bảo vệ bí mật của học trò
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận