Giáo viên Trường Lý Tự Trọng chia sẻ với các nhà báo về nguyện vọng muốn giữ lại trường - Ảnh: H.HG. |
Tranh thủ trao đổi trong giờ giải lao, cô giáo Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ, rất sốc với quyết định giải thể Trường Lý Tự Trọng. Một ngôi trường đã tồn tại 16 năm với hơn 60 giáo viên cơ hữu, hơn 1.500 học sinh mà xóa sổ một cách phũ phàng như thế sao? Còn cuộc sống của giáo viên, học sinh thì sao?”.
Đi đâu về đâu?
"Quyết định giải thể là phù hợp với sự phát triển chung vì nếu cứ để hai trường song song sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trường CĐ" Ông Văn Công Sang |
Trong quá trình trao đổi, nhiều giáo viên không kiềm chế được đã bật khóc.
Cô Phạm Thị Hà, giáo viên môn văn, nói trong nước mắt: “Tôi nghỉ hộ sản ở nhà, không hề biết đến việc này. Nhà tôi rất neo người, chỉ có hai mẹ con ở nhà, chồng tôi là bộ đội đang công tác ở Vùng 2 hải quân, vắng nhà suốt. Tôi là giáo viên dạy môn văn cho học sinh khối lớp 10. Năm học tới, nhà trường không tuyển sinh học sinh lớp 10 thì tôi sẽ đi đâu về đâu?"
Cô Hà nói: "Mặc dù còn đang trong thời gian nghỉ hộ sản nhưng hôm nay nghe có buổi làm việc với Sở GD-ĐT, tôi cố gắng đến dự để trình bày ý kiến của mình. Giáo viên chúng tôi có nguyện vọng giữ lại ngôi trường Lý Tự Trọng, nếu không nằm trong khuôn viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng thì có thể tách ra địa điểm khác...”.
Hỏi chuyện các học sinh lớp 12, các em không giấu tâm trạng hoang mang của mình, nhất là lại diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng của thời học sinh.
“Chúng em rất hoang mang trước thông tin giải thể trường. Các thầy cô vẫn lên lớp dạy, chúng em vẫn học nhưng tinh thần thì không được như trước, tất cả đều rất lo lắng cho số phận trường mình” - Nguyễn Thị Phụng Hằng, học sinh lớp 12A3, tâm sự.
Huỳnh Lý Mỹ Duyên, học sinh lớp 12A1, còn thông tin: “Giai đoạn ôn thi mà các bạn bị phân tâm rất nhiều về việc giải thể trường. Chủ đề bàn tán nhiều nhất trên Facebook vẫn là trường chúng mình có bị giải thể không? Các thầy cô vẫn động viên chúng em phải cố gắng học để vượt qua kỳ thi sắp tới nhưng thật sự thấy các thầy cô buồn, chúng em cũng buồn theo. Chưa kể cô giáo của em còn bị suy nhược và mất ngủ vì chuyện này. Tụi em chỉ còn hơn một tháng nữa là ra trường, còn khối 10, 11 ở lại có thể bình tâm mà học tiếp trong bối cảnh như thế này không...”.
Giải thể hay “ra riêng”?
Nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, sau buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đã chủ trì cuộc họp báo chớp nhoáng: “Năm 1998 do thiếu chỗ học THPT, UBND TP đã có quyết định thành lập Phân hiệu THPT bán công Lý Tự Trọng trong Trường trung học Kỹ thuật Lý Tự Trọng.
Sau đó, khi trường này chuyển thành Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng thì phân hiệu ấy cũng chuyển thành Trường THPT Lý Tự Trọng như bây giờ.
Đến nay, địa bàn Q.Tân Bình, Q.Tân Phú đã xây dựng mới nhiều trường THPT, đủ sức đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Chưa kể, Trường THPT Lý Tự Trọng không có sự độc lập về cơ sở vật chất cũng như một số yếu tố khác như đất đai, phòng học nằm chung khuôn viên của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, trường này cũng phải cử một phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Lý Tự Trọng. Về mặt pháp lý, như thế là không ổn.
Do vậy, ngày 12-4 UBND TP.HCM đã có thông báo chấp nhận chủ trương của Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ về việc giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng, giao Sở GD-ĐT chỉ đạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng xây dựng đề án giải thể trường với lộ trình cụ thể từ năm 2014-2017”.
Ông Hiếu khẳng định: “Việc giải thể mới dừng ở mức chủ trương. Hiện mới có quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng mà thôi”.
Tại sao mới ở mức chủ trương mà ngày 25-4, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký văn bản gửi 24 quận huyện về việc ngưng tuyển sinh lớp 10 từ năm 2014 của Trường THPT Lý Tự Trọng (trong khi trước đó, trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015, sở vẫn công bố Trường THPT Lý Tự Trọng tuyển 540 học sinh)?
Ông Hiếu cho rằng: “Trong buổi làm việc sáng nay, Sở GD-ĐT đã nhất trí là cho Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng xây dựng đề án giải thể, dự kiến tuần sau nộp cho sở. Nếu nhà trường đề xuất tuyển sinh, sở sẽ nghiên cứu lại đề án và có thể cho tuyển sinh”.
Trong khi đó, với câu hỏi của PV Tuổi Trẻ: “Cá nhân ông có muốn Trường THPT Lý Tự Trọng tiếp tục tuyển sinh lớp 10 trong năm nay không?”, ông Văn Công Sang - hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng - nói: “Theo tôi là không nên. Bởi đã thông báo giải thể trường thì có tiếp tục tuyển sinh, phụ huynh cũng không đăng ký cho con em thi vào. Nếu sở có cho tuyển sinh thì cũng không thuận lợi đối với trường. Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến cá nhân, việc có tuyển sinh hay không phụ thuộc vào ban chỉ đạo đề án giải thể trường”.
“Ngại nhất là làm lại từ đầu” Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định sở sẽ hỗ trợ tối đa trong việc thuyên chuyển giáo viên sang trường khác. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết họ vẫn mong mỏi được đứng lớp dưới ngôi trường Lý Tự Trọng bởi trường đã gắn bó với họ hơn 10 năm nay. Chuyển sang trường khác tức làm đảo lộn cuộc sống của họ. Ông Văn Công Sang cũng thừa nhận: “Điều ngại nhất là khi chuyển sang trường mới, giáo viên phải làm lại từ đầu trong khi ở Trường Lý Tự Trọng, họ đã có một quá trình phấn đấu, cống hiến lâu dài, nhiều người trong số đó đã lên tổ trưởng chuyên môn”. |
Sau 16 năm phát triển, Trường THPT Lý Tự Trọng hiện có hơn 1.600 học sinh, hiệu quả đào tạo ở cả hai hệ phổ thông và bổ túc đều tiến bộ theo từng năm (tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần từ 78,74% năm học 2008-2009 lên 98,85% năm 2012-2013). Trường cũng đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ bộ, sở... Đến nay đã có chủ trương giải thể Trường Lý Tự Trọng. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP, năm nay số học sinh lớp 9 của Q.Tân Bình là 5.354 em, trong khi bốn trường công lập tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn quận là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Bình và Trung tâm GDTX Tân Bình chỉ tuyển khoảng 2.855 chỉ tiêu, tức hơn 50%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận