24/10/2019 07:35 GMT+7

Giáo viên âm nhạc bị tai nạn phải cắt bỏ cánh tay: 'Không còn tay, tôi lấy gì đi dạy'

TRẦN THẢO NHI
TRẦN THẢO NHI

TTO - Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, thấy không còn tay, tôi hốt hoảng hỏi chồng và đồng nghiệp 'Tay tôi đâu rồi? Không còn tay, tôi lấy gì đi dạy?' khiến mọi người khóc nghẹn...

Giáo viên âm nhạc bị tai nạn phải cắt bỏ cánh tay: Không còn tay, tôi lấy gì đi dạy - Ảnh 1.

Cô Tiền và cánh tay đã bị cắt bỏ sau tai nạn trên đường đến với học trò, với trường lớp - Ảnh: VY VY

Ngày 23-10, cô Trần Thị Bá Tiền (35 tuổi) - giáo viên dạy âm nhạc, người bị tai nạn phải cắt bỏ cánh tay khi đang trên đường vượt 130km đi dạy học - đã nhận được quyết định điều chuyển công tác về dạy tại một trường học gần nhà, Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. 

Cô Tiền rất vui mừng vì kể từ nay, hằng ngày cô có điều kiện, thời gian để chăm sóc mẹ già 80 tuổi và hai con nhỏ.

Trước đó vào sáng 9-9, cô Tiền từ nhà tại thôn 3, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang vượt 130km để đến trường dạy học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa. Khi cách trường khoảng 10km, cô Tiền bị xe tải chở sắn tông vào, buộc phải cắt bỏ cánh tay trái.

"Hôm đó sáng thứ hai, trời mưa, không chào cờ nên tôi xuất phát lúc 4h sáng, thay vì 3h như các tuần khác. Đường nhỏ, chiếc xe tải chiếm hết cả lòng đường, tôi chủ động dừng xe từ xa để tấp vào bên đường nhưng do đường trơn, chiếc xe máy và người bị ngã. Theo phản xạ, tôi lấy tay chống xuống đường thì bị bánh xe tải chèn qua", cô Tiền nhớ lại.

"Sau khi bị xe cán qua cánh tay, tôi vẫn tỉnh và nhìn thấy cánh tay bị giập nát, không còn cảm giác, lúc đó rất đau và sự sợ hãi chiếm hết tâm trí của tôi. 

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Điều đầu tiên tôi làm là nhìn xuống cánh tay và thấy không còn, theo phản xạ, tôi chỉ biết hốt hoảng hỏi chồng và đồng nghiệp 'cánh tay tôi đâu rồi? không còn tay, tôi lấy gì đi dạy?', khiến mọi người khóc nghẹn, quay mặt đi chỗ khác" - cô Tiền nhớ lại thời khắc ám ảnh.

Từ năm 2014, khi được nhận vào Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông, cứ sáng thứ hai cô Tiền dậy sớm đi xe máy đến trường và thứ sáu đi xe về nhà. 

"Vợ tôi thường dậy trước 3h sáng để đi dạy, nhiều người khuyên nên tranh thủ chiều chủ nhật đến trường để khỏi phải đi trong đêm rất nguy hiểm, nhưng vợ chỉ cười và nói đi dạy cả tuần nên ở nhà với con được giờ nào hay giờ đó" - chồng cô Tiền chia sẻ. 

Tuy vậy, ước mơ trở thành cô giáo luôn thôi thúc cô lên đường từ năm 2014, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Dù quá xa nhà nhưng cô Tiền tâm sự "có việc làm là quý lắm rồi!"...

Thầy Đỗ Thiện Úy - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông - cho biết gia đình cô Tiền có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng cô nghề nghiệp không ổn định, có hai con nhỏ và phải chăm sóc mẹ già nên sau khi xảy ra tai nạn, nhà trường đã có thư kêu gọi lãnh đạo Phòng GD-ĐT, giáo viên, học sinh trong ngành GD-ĐT huyện Đăk Đoa cùng những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cô Tiền. 

Từ khi cô Tiền nằm viện, các giáo viên được phân công thay nhau ra túc trực ở bệnh viện, mỗi ca có 2 cô. "Các cô cứ mong sớm đến lượt mình để được ra với cô Tiền nhưng ngặt một nỗi, muốn ra viện thăm không thể về trong ngày vì đường quá xa thì lấy ai đứng lớp" - thầy Úy chia sẻ.

Rơi nước mắt cô giáo lấy bệnh viện làm nhà vẫn lo cho trò Rơi nước mắt cô giáo lấy bệnh viện làm nhà vẫn lo cho trò

TTO - Được khuyến cáo không tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cô Hồ Thị Lý vẫn lặn lội vượt hơn 50km đi dạy vì 'để hiểu được từng học sinh, từng hoàn cảnh các em như thế nào không phải chuyện đơn giản, mình phải chịu khó'.

TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên