01/03/2022 10:09 GMT+7

Giao thương với Nga - Ukraine: Bộ Công thương lên tiếng khuyến cáo

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các doanh nghiệp Việt khi giao thương với Nga, Ukraine cần theo dõi sát diễn biến các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đưa ra để lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

Giao thương với Nga - Ukraine: Bộ Công thương lên tiếng khuyến cáo - Ảnh 1.

Bộ Công thương cảnh báo doanh nghiệp lưu ý về rủi ro khâu thanh toán trong thương mại với Nga - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới thương mại, đầu tư của hai nước này với Việt Nam.

Nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị này sẽ là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thị trường của một số mặt hàng như khí đốt, dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô...

Dẫn chứng, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô/ngày (chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu về dầu mỏ) và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ (chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu với các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt). 

Với mặt hàng nhôm và nickel, Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới; còn với sản phẩm lúa mì, Nga và Uraine chiếm tới 1/4 nguồn xuất khẩu lúa mì thế giới.

Đánh giá tác động dài hạn, đại diện Bộ Công thương cho rằng những lệnh trừng phạt dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, trái phiếu chính phủ, xuất khẩu công nghệ, năng lượng... 

Nó có thể khiến việc hợp tác về thương mại và đầu tư với Nga gặp khó khăn. Đặc biệt, trường hợp áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương Việt - Nga mà chủ yếu ở khâu thanh toán các hợp đồng sử dụng đồng tiền thanh toán là Euro.

Đồng tình, ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế - thương mại quốc tế, phân tích thêm: Cuộc chiến này sẽ làm đảo lộn mọi dự báo kinh tế thế giới bởi những tác động lớn đưa lại. Theo đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị kéo dài và ảnh hưởng tới phục hồi sản xuất.

Đồng thời, ông Sơn cho rằng việc giá dầu tăng và lạm phát sẽ tác động đến tăng trưởng và phục hồi của nhiều nền kinh tế, ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương mại của Việt Nam.

Thận trọng chọn phương thức thanh toán

Với những tác động trên, đại diện Bộ Công thương cho hay đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và doanh nghiệp lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).

Bộ này khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. 

Đơn cử, cần sử dụng các phương thức an toàn như thư tín dụng không hủy ngang, xem xét thấu đáo về khả năng thanh toán của các ngân hàng trước khi giao kết hợp đồng...

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến liên quan trừng phạt với Nga (và khả năng là với cả Belarus).

Theo Bộ Công thương, với đơn hàng trị giá nhỏ, doanh nghiệp có thể thanh toán qua kênh thanh toán KFT do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng. Qua 5 năm triển khai, hệ thống KFT đã hoạt động ổn định, có khả năng phục vụ tốt hoạt động thanh toán song phương giữa hai nước.

Với các doanh nghiệp đang làm ăn tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ.

Thương mại với Nga và Ukraine đều đang tăng

Theo Bộ Công thương, trong những năm gần đây hai nước Nga và Ukraine đều có quan hệ thương mại tích cực với Việt Nam, mặc dù tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với hai nước đều đang ở mức khiêm tốn.

Đơn cử, năm 2021 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ukraine đạt 720,5 triệu USD (tăng 50,6% so với năm 2020).

Đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong tháng 1-2022 với tổng kim ngạch đạt 37,9 triệu USD, tăng 14,7%, Việt Nam duy trì mức xuất siêu 27,1 triệu USD. Với Nga, năm 2021 tổng kim ngạch đạt 7,14 tỉ USD, tăng 25,9%...

Xung đột Nga - Ukraine và nỗi lo về khủng hoảng năng lượng Xung đột Nga - Ukraine và nỗi lo về khủng hoảng năng lượng

TTO - "Thứ rõ nhất khiến người Mỹ cảm nhận được cái giá của cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chính là giá năng lượng, đặc biệt giá xăng tại các cây xăng" - trang Axios viết.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên