Thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam
Dư luận xôn xao với thông tin ứng dụng Baemin sa thải nhân sự quy mô lớn trước thềm rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi liên hệ với nhãn hàng, Tuổi Trẻ Online nhận được thông tin xác nhận việc rút gọn bộ máy nhân sự nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động tinh gọn, hiệu quả trong thị trường cạnh tranh, cộng với tình hình kinh tế đang chững lại hiện nay.
Ghi nhận trên app Baemin ngày 18-10, ứng dụng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Khách hàng, tài xế hay nhà hàng vẫn có thể truy cập sử dụng dịch vụ của hãng.
Nhìn lại những năm gần đây, câu chuyện cắt giảm nhân sự của các ứng dụng công nghệ đời sống không phải là điều xa lạ.
Grab (sở hữu GrabFood) đã cắt giảm nhân sự trên toàn khu vực nhiều đợt từ năm 2020 đến lần gần nhất là tháng 6 năm nay, trong đó có Việt Nam.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với "gã khổng lồ" Shopee (sở hữu ShopeeFood) vào năm 2022, khi cắt giảm ồ ạt nhân viên khắp ASEAN như Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam.
Cùng năm, GoTo (sở hữu Gojek) cũng sa thải hàng loạt nhân sự vào tháng 11.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của các hãng gắn bó thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn. Ví dụ như bà Nguyễn Thái Hải Vân điều hành Grab chỉ trong hơn 2 năm, ông Song Jinwoo điều hành Baemin chỉ gần 2 năm, hay bà Lê Diệp Kiều Trang điều hành Go-Việt (nay là Gojek) vỏn vẹn 5 tháng.
Lý giải vì sao mô hình công nghệ giao thức ăn thiếu tính bền vững cho nhân lực Việt, khi thị trường nhu cầu tăng vào đại dịch COVID-19, các hãng lũ lượt tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu cao kỷ lục từ thị trường.
Vì vậy, sau khi thị trường về lại mức bình ổn và thậm chí có phần chững lại, nhiều người thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu ăn uống hơn, các hãng lần lượt cắt giảm nhân sự để thích nghi với hoàn cảnh và tập trung hơn vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Qua thời vung khuyến mãi làm mồi nhử ngắn hạn
Ở phương diện toàn cầu, cả 2 cái tên kỳ cựu như Foodpanda, Uber Eats cũng vừa sa thải nhân viên nhiều khu vực với quy mô chưa từng có trong thời gian vừa qua.
Áp lực to lớn cho thị trường giao thức ăn tới từ nhà đầu tư trước sức ép sinh lời cho các doanh nghiệp công nghệ, khi mà khách hàng đã quen phụ thuộc vào khuyến mãi.
Tại các thị trường phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc, hiện những ứng dụng dẫn đầu thị trường như Doordash hay Baemin đều có lịch sử hoạt động kéo dài hơn 10 năm, khi họ đóng vai trò định hình định nghĩa giao đồ ăn, cũng như thay đổi thói quen người tiêu dùng.
Chỉ ở những thị trường đã rất lâu đời này, các ứng dụng giao đồ ăn mới gần như nói không với việc sử dụng khuyến mãi làm mồi nhử ngắn hạn.
Những ứng dụng này hoạt động theo mô hình tập trung phát triển và đổi mới công nghệ đột phá, và xây dựng tệp sản phẩm gói đăng ký (subscription) vững chắc hơn, tạo nguồn doanh thu ổn định và thật sự đưa ứng dụng trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống của khách hàng.
Nhìn lại thị trường đặc thù như Việt Nam, việc tiếp cận quán xá vô cùng tiện lợi dựa trên đặc điểm địa hình hay đặc tính sử dụng xe máy rộng rãi.
Thị trường giao thức ăn nhờ đó chắc chắn hỗ trợ ít nhiều cho đời sống người dân, nhưng để nói dư địa phát triển rất lớn thì cần phải xem được đặc tính ưu việt mà các ứng dụng này có thể mang lại.
Trong mảng ẩm thực, thay vì chỉ giao đồ ăn, các ứng dụng này cần phải trở thành một phần trọng yếu trong đời sống ẩm thực của người dùng Việt. Đó có thể là hướng dẫn nấu ăn, tour khám phá ẩm thực, gói đăng ký, các mô hình thực dưỡng cho các nhu cầu sức khỏe khác nhau…
Khi đó cùng với sản phẩm công nghệ chất lượng, câu chuyện phát triển của các mô hình giao thức ăn mới có thể đạt triển vọng bền vững và dài hạn.
Tuy chưa chắc chắn số phận các ứng dụng giao thức ăn hay công nghệ nói chung sẽ chuyển biến thế nào, nhưng có thể thấy viễn cảnh không mấy tươi sáng ngay trước mắt là một phần không thể tránh khỏi ở thị trường Việt Nam.
Để phù hợp với đặc điểm địa phương, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các công ty công nghệ cần đột phá hơn trong tư duy kinh doanh và sản phẩm dài hạn, hướng đến tăng trưởng bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận