Màn bắn pháo hoa tại khu vực cảng gần nhà hát Opera Sydney, thành phố Sydney, Úc - Ảnh: Reuters
Nhưng cuộc chia tay lần này thật lạ: hàng triệu người ở hàng chục quốc gia chia tay năm cũ trong cảnh phong tỏa, lệnh giới nghiêm cùng nhiều biện pháp hạn chế vì đại dịch COVID-19.
Cảnh đón năm 2020 tưng bừng, tự do, thoải mái bao nhiêu thì cảnh đón năm 2021 hạn chế, thấp thỏm lo âu bấy nhiêu. Người dân tại nhiều nơi đeo khẩu trang nơi đông người, có nơi trình diễn pháo hoa, nhưng cũng có nơi phải hủy các sự kiện vốn là điều thường lệ của những năm trước.
Và đặc biệt, khắp nơi trên thế giới đón giao thừa trong tâm trạng lo lắng, cảnh giác vì "bóng ma" COVID-19 luôn rình rập.
Người dân thành phố Vũ Hán, Trung Quốc tạo dáng chụp hình, chờ đón giao thừa sang năm mới 2021 - Ảnh: AFP
Năm 2020 của nhân loại như một ác mộng dài với lắm thứ ập đến: từ kẻ thù nhỏ bé nhưng sức tàn phá kinh hoàng như con virus corona gây bệnh COVID-19 tới những trận bão tố cuồng phong, khung cảnh cháy rừng như ngày tận thế, lũ lụt nhấn chìm mọi thứ đi qua hay "bão châu chấu" phủ kín bầu trời.
Những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất năm 2020 được trang U.S. News & World Report (Mỹ) liệt ra đã cho thấy phần nào ác mộng đó: lũ quét khiến 66 người chết ở Indonesia vào tháng 1-2020, cháy rừng ở Úc khiến ít nhất 478 người thiệt mạng từ tháng 1 tới tháng 3, bão Eta khiến ít nhất 150 người chết ở Trung Mỹ tháng 11, 39 người chết do núi lửa phun trào vào tháng 1 và 42 người chết do bão vào tháng 11 ở Philippines, động đất cùng sóng thần khiến 117 người chết ở Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11...
Một vũ công biểu diễn trong đêm giao thừa tại Thái Lan đeo mặt nạ tránh COVID-19 - Ảnh: Reuters
Báo Washington Post (Mỹ) đã hỏi độc giả mô tả năm 2020 trong một từ và top 3 từ được chọn là: exhausting (mệt mỏi), lost (mất mát) và chaotic (hỗn loạn). Ba từ đó không chỉ miêu tả đúng những gì đã diễn ra trên đất Mỹ mà còn khắp nơi trên thế giới trong một năm qua.
Ác mộng năm 2020 bao trùm từ đông sang tây, từ bắc chí nam, không biết ranh giới và không phân biệt một ai. Nhưng có lẽ cú sốc lớn nhất với loài người vẫn là đại dịch COVID-19.
Giao thừa năm 2019 là ngày cuối cùng của một năm gắn với Brexit, cuộc nội chiến Syria, khủng hoảng tị nạn... ảnh hưởng tới một số khu vực nhất định, nhưng giao thừa 2020 là ngày cuối cùng của một năm gắn với đại dịch ảnh hưởng toàn cầu, với những biến cố chưa từng xảy ra.
Người dân Hà Lan mừng ngày cuối cùng của năm 2020 bằng hoạt động đốt lửa truyền thống - Ảnh: AFP
Ngày 31-12-2019, văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Trung Quốc nhận thông báo về các ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở thành phố Vũ Hán, và đến ngày 3-1-2020 có tổng cộng 44 ca bệnh như vậy.
Đến ngày 31-12-2020, ít nhất 220 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ca bệnh COVID-19, với tổng cộng hơn 83 triệu ca nhiễm và hơn 1,8 triệu ca tử vong.
Cuối năm 2020, ánh sáng cuối đường hầm đã xuất hiện khi vắcxin ngừa COVID-19 được phát triển trong thời gian kỷ lục. Vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford... đang nối gót nhau gieo hi vọng cứu cánh cho nhân loại.
Pháo hoa tại tháp Sky Tower, thành phố Auckland, New Zealand đêm giao thừa. New Zealand là quốc gia đầu tiên bắn pháo hoa mừng năm mới 2021 - Ảnh: Sky News
Có lẽ khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc người ta thực hiện quyền ước mơ nhiều nhất, là lúc để gửi lại những nỗi buồn và gửi gắm những kỳ vọng cho một quãng đường phía trước. Và lần này có lẽ người dân khắp thế giới có một điều ước chung nhiều nhất: đẩy lùi COVID-19 và cuộc sống quay lại bình thường, thế giới bình an.
Báo Washington Post dẫn lại câu trả lời đơn giản mà hết sức ý nghĩa của độc giả Irene Green (30 tuổi) ở Washington D.C khi được hỏi về mong muốn trong năm 2021: "Được tiêm vắcxin. Được gặp mặt gia đình. Được ôm mọi người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận