Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ làm nếu đảm bảo tiến độ sẽ mở ra vận hội mới để liên kết vùng TP.HCM và Đông Nam Bộ, phát triển trong năm mới 2024. Nhưng cần làm những gì?
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh:
Sẵn sàng kết nối liên vùng
HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Khi dự án này hoàn thành, cùng với vành đai 3 và 4 đang triển khai, Bình Dương sẽ có những tuyến cao tốc đầu tiên kết nối với khu vực.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đang phối hợp cùng UBND TP.HCM và các tỉnh lân cận nghiên cứu thêm các loại hình giao thông kết nối khác như kéo dài metro, xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt trên sông Sài Gòn sẽ hình thành tuyến đường thủy quan trọng khi TP.HCM đã có kế hoạch xây dựng mới cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1. Qua đó sẽ tạo điều kiện lưu thông cho các cảng phía thượng nguồn, trong đó Bình Dương đang quy hoạch cảng An Tây quy mô lớn...
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức:
Chớp cơ hội để nâng tầm giao thông
Thời gian qua chúng ta dễ dàng nhìn thấy được sự chuyển mình rầm rộ của hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM như nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa..., nhất là các tuyến ở khu vực cửa ngõ.
Đó là tin vui cho ngành giao thông bởi hạ tầng giao thông là xương sống, quyết định sự phát triển cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Thời gian tới TP.HCM hoàn thành 40 công trình lớn, thêm những dự án kết nối giao thông đi xa hơn giúp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, nhu cầu đi lại của người dân.
Các dự án mang tính chất liên vùng như vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành... giúp hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ từ TP.HCM đi các tỉnh thành (và ngược lại).
Để giải quyết căn cơ, bền vững hơn nữa thì TP.HCM nhất định phải có 220km đường sắt đô thị và mạng lưới giao thông công cộng kết nối.
Đến năm 2030 cũng phải mở rộng mạng lưới xe buýt từ 130 tuyến lên hơn 200 tuyến, kết hợp tái cấu trúc thu hút người dân sử dụng.
Nghị quyết 98 đã mở ra những cơ hội rất lớn cho TP.HCM hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đô và kết nối các địa phương mà TP.HCM cần chớp lấy cơ hội này.
Ông Võ Tấn Đức - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Tập trung giải phóng mặt bằng
Đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án, có mặt bằng cho chủ đầu tư thi công nhiều hạng mục sân bay.
Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chưa đảm bảo tỉ lệ. Ngoài nguyên nhân chủ quan cũng có nguyên nhân khách quan cùng lúc triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 TP.HCM, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... ảnh hưởng đến nguồn vật liệu cung ứng cho các dự án, chưa đảm bảo nhân sự để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Sự thay đổi về chính sách dẫn đến lúng túng trong việc phê duyệt đơn giá bồi thường...
Trong năm 2024 để các công trình hạ tầng giao thông, dự án trọng điểm được thuận lợi, tỉnh tập trung tối đa cho vấn đề giải phóng mặt bằng. Muốn giải phóng mặt bằng nhanh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tính toán quỹ đất tái định cư để khi thực hiện các dự án sẽ có chỗ ở cho dân.
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông):
Tăng tốc để bứt phá về hạ tầng
Ngành giao thông TP.HCM rất phấn khởi với những điểm sáng giao thông năm 2023, đặt ra những mục tiêu lớn từ năm 2024.
Nhìn lại năm 2023, vành đai 3 TP.HCM khởi công và nghị quyết 98 được Quốc hội bấm nút thông qua chính là hai điểm sáng, mở ra một giai đoạn mới cho hạ tầng giao thông TP.HCM.
Ngày 29-12 vừa qua, ban cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức lễ phát động 365 ngày xuyên lễ, Tết bắt tay đẩy nhanh tiến độ cho 40 công trình trọng điểm ở TP.HCM.
Ngay từ những ngày đầu năm, toàn TP.HCM bắt tay vào triển khai, nỗ lực bứt phá đạt mục tiêu giải ngân trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tóm lại nếu như năm 2023 chúng ta gieo hạt mầm xuống khu vườn, từ 2024 trở đi sẽ bắt đầu có trái ngọt, diện mạo giao thông TP.HCM và liên vùng kinh tế trọng điểm đổi thay rõ rệt nhất từ năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận