10/08/2024 07:40 GMT+7

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá

Với tinh thần 'vượt nắng, thắng mưa', 'ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương', 'thi công 3 ca, 4 kíp', 'chỉ bàn làm, không bàn lùi' theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bức tranh kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ đang dần thành hình.

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 1.

Đường vành đai 3 ngang quốc lộ 13 và Mỹ Phước - Tân Vạn ở Bình Dương đang thành hình - Ảnh: CHÂU TUẤN

Không chỉ là những dự án đang tăng tốc đảm bảo tiến độ, có những gói thầu, nhà thầu đang từng ngày nỗ lực vượt qua các khó khăn chung về nguồn vật liệu để đưa công trình về đích trước hẹn.

Thi công ngày đêm kết nối vùng Đông Nam Bộ

Đầu tiên phải kể đến dự án cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công hiện đã đạt hơn 80%. Công trình này gồm hai gói thầu, gói CW1 (cầu Nhơn Trạch) và gói CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) đang được các nhà thầu tăng tốc thi công. Nhà thầu quyết tâm sẽ thi công hoàn thành sớm hơn so với hợp đồng đã ký kết bốn tháng, tức dự kiến hoàn thành dịp 30-4-2025.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), nói rằng thời gian qua dự án gặp một số khó khăn như khan hiếm vật liệu, vướng mắc mặt bằng. Tuy nhiên chủ đầu tư cùng với nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục các khó khăn gặp phải, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ" để sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.

"Đến nay gói thầu CW1 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng. Còn gói thầu đường dẫn CW2 theo hợp đồng hoàn thành vào tháng 9-2025. Chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà thầu tập trung thi công để rút ngắn tiến độ", ông Thi nói.

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 2.

Công nhân tại công trường đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Còn tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư cũng đạt được những kết quả nổi bật. Đáng chú ý Tập đoàn Sơn Hải (công ty đứng đầu trong liên danh, thi công 14,2km đường) cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 30-4-2025. Nếu cam kết đúng hẹn thì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ về đích trước năm tháng so với cam kết trong hợp đồng và trước tám tháng so với nghị quyết của Chính phủ.

Sau nhiều năm đình trệ, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối mạch miền Đông và miền Tây cũng đang tất bật thi công, có những đoạn tuyến sẽ thông xe trong vài tháng tới đây. Chẳng hạn như ở đoạn tuyến phía Tây dài 27,7km sẽ thông xe trước một đoạn từ quốc lộ 1 đến đoạn giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đoạn phía Đông dài 25,3km sẽ hoàn thành cuối năm 2024 và trong tháng 11-2024, đoạn 7,5km nối huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch cũng được thông xe.

Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết toàn dự án nhà ga T3 đã hoàn thành hơn 70%. Phần việc còn lại không chiếm nhiều thời gian, bởi chủ yếu lắp đặt thêm các thiết bị, kiến trúc. Riêng về phần xây thô đã xong 100%, đây là một bước ngoặt quan trọng của dự án. Bởi theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải đưa vào sử dụng đúng dịp 30-4-2025.

"Hiện nay trên công trường huy động hơn 2.000 công nhân và kỹ sư, hàng trăm máy móc thiết bị thi công, thi công ngày đêm 3 ca 4 kíp", đại diện chủ đầu tư cho hay.

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 3.

Các dự án trọng điểm ngàn tỉ giúp TP.HCM kết nối các tỉnh Đông Nam bộ Dữ liệu: CHÂU TUẤN - Đồ họa: T.ĐẠT

15 gói thầu, dự án ở TP.HCM liên tiếp về đích

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết từ nay đến cuối năm hạ tầng giao thông TP.HCM đón nhận nhiều tin vui. Chẳng hạn hôm nay 10-8, gói thầu hầm Phan Thúc Duyện và đoạn đầu tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa) được thông xe, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch.

Và từ nay đến cuối 2024 sẽ có khoảng 15 gói thầu, dự án hoàn thành như các cầu: Phước Long, Rạch Đỉa, Bà Hom, Nam Lý, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, Bà Dạt và các tuyến đường như Tên Lửa, Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ Tân Quý... 

Ngoài ra TP.HCM cũng đang chuẩn bị khởi công các dự án như cầu đường Nguyễn Khoái, đường vành đai 2 (đoạn 1, đoạn 2), cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và chuẩn bị trình chủ trương đầu tư năm dự án BOT, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4...

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nói rằng TP.HCM đang có nhiều cơ hội, điều kiện để hoàn thành bộ khung cơ bản của quy hoạch giao thông. 

Đó là hoàn thiện các tuyến vành đai, mở rộng các tuyến quốc lộ cửa ngõ, các đường cao tốc, sân bay, các cây cầu có quy mô lớn. Bên cạnh đó là các dự án mang tầm chiến lược như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, siêu đề án đường sắt đô thị xây dựng đồng loạt sáu tuyến...

Cũng theo ông Phúc, nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng đang chuẩn bị triển khai loạt dự án lớn. Chẳng hạn, hiện có năm địa phương đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư đường vành đai 4 dài hơn 207km. Dự kiến trong quý 4-2024, các địa phương sẽ trình dự án và kiến nghị các cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai đầu tư.

Các tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang triển khai thủ tục đầu tư. TP.HCM cũng đang rà soát cân đối nguồn vốn để chuẩn bị vốn đầu tư đường dẫn, đường kết nối và các nút giao hoàn chỉnh, đảm bảo lối ra vào cao tốc được thông thoáng.

Mới đây, theo ông Phúc, việc Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mộc Bài - TP.HCM là một tin vui cho TP.HCM, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Dự án này là trục kết nối giao thông trong quy hoạch hành lang xuyên Á, kết nối tuyến cao tốc Bavet - Phnom Penh (thuộc nước Campuchia và Lào). Dự kiến năm 2025 sẽ được khởi công và phấn đấu đưa vào khai thác năm 2027 để đồng bộ với cao tốc Bavet - Phnom Penh.

"Từ những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ việc làm dự án đường vành đai 3, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan sẽ có nhiều cách làm mới cho những dự án sắp tới. Bên cạnh đó, nhờ vận dụng nghị quyết 98, chúng tôi có thể làm khác đi, nhanh hơn, quyết liệt hơn và tạo ra sự thay đổi", ông Phúc nhấn mạnh.

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 4.

Đoạn cuối đường trục chính Đông Tây kết nối với xa lộ Hà Nội và bến xe Miền Đông TP.HCM (gần 50m) còn vướng một số mặt bằng chưa thể thông suốt (ảnh chụp ngày 9-8) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vẫn còn chậm vì vướng mặt bằng, vật liệu xây dựng

Các dự án cao tốc đã và đang triển khai tại Đông Nam Bộ sẽ góp phần vào việc hoàn thiện nhiệm vụ chung là đến năm 2025 cả nước đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc. Tuy nhiên hiện tại một số dự án đang triển khai vẫn đang còn vướng mắc.

Chẳng hạn để dự án đường vành đai 3 đảm bảo hoàn thành phần cao tốc vào cuối tháng 12-2025 thì các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh hơn thủ tục khai thác cát từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... Ngoài ra đối với dự án thành phần 3 đường vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai tiến độ vẫn còn chậm vì vướng mặt bằng...

Trong khi đó, dự án thành phần 1 và 2 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai đang thiếu vật liệu đất đắp và mặt bằng. Vì vậy các nhà thầu chưa đủ điều kiện để nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt.

Ông Nguyễn Tất Nam, giám đốc điều hành dự án gói thầu số 9 thuộc dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho biết dự án đã khởi công tháng 6-2023. Tuy nhiên đến nay gần một nửa thời gian trôi qua nhưng mới thực hiện được khoảng 20% giá trị gói thầu. Khó khăn lớn nhất của gói thầu là thiếu vật liệu đất đắp.

Theo ông Nam, trong hồ sơ lấy đất ở mỏ Tân Cang, tuy nhiên qua khảo sát mỏ này không đủ trữ lượng, chất lượng không đảm bảo. Do đó các cơ quan liên quan đã đề xuất lấy đất từ khu vực 187ha quy hoạch ga T3 sân bay Long Thành (giai đoạn 2). Thủ tục đã được triển khai làm từ lâu nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thống nhất dù cho các cấp bộ ngành, trung ương đã có nhiều ý kiến chỉ đạo.

Ông Nam cho biết riêng gói thầu số 9 cần 1,6 triệu khối đất đắp và cần 10 tháng thi công mới đảm bảo tiến độ. Nhà thầu đã đảm bảo nhân lực, máy móc thi công, sẵn sàng "vượt nắng, thắng mưa", thi công xuyên ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Tuy vậy việc giải quyết thủ tục để có đất đắp mất quá nhiều thời gian khiến các nhà thầu rất lúng túng, chờ có sự đột phá thủ tục để bắt tay làm nhanh.

Thủ tướng duyệt chủ trương điều chỉnh, metro số 1 được gỡ vướng

Dự án metro số 1 cũng vừa đón tin vui khi Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương hoàn thành dự án vào quý 4-2024. Việc có quyết định phê duyệt điều chỉnh là cơ sở pháp lý để nhà thầu thi công và dự án đảm bảo kế hoạch giải ngân.

Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), đến nay vướng mắc về sử dụng trang thiết bị của các nhà thầu cho công tác đào tạo thực hành có những bước tháo gỡ tích cực.

Cách đây vài hôm, nhà thầu Hitachi đã bắt đầu bàn giao toàn bộ hệ thống cơ điện của gói thầu CP3 cho liên danh Tư vấn chung NJPT. Đây là một điểm mốc quan trọng của dự án khi các nhân viên metro số 1 sẽ trực tiếp thực hành trên các trang thiết bị sau thời gian dài học tập lý thuyết.

Nhà thầu tận dụng mặt bằng đã bàn giao nỗ lực triển khai thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Nhà thầu tận dụng mặt bằng đã bàn giao nỗ lực triển khai thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

* Ông Võ Tấn Đức (quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai):

Kiến nghị hỗ trợ một phần kinh phí

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 6.

Đồng Nai đã rất nỗ lực trong việc giải phóng, bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đây là các dự án liên quan hạ tầng, đời sống dân sinh, do đó cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm thực hiện. Các dự án khi hoàn thành sớm sẽ kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh, người dân đi lại cũng thuận tiện hơn.

Ngoài ra do ngân sách còn nhiều khó khăn nên còn các dự án hạ tầng giao thông qua Đồng Nai chưa triển khai như đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ TP.HCM đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), dự án đường vành đai 4 - TP.HCM...

Sắp tới Đồng Nai sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư từ nguồn vốn tiết kiệm làm dự án thu hồi đất sân bay Long Thành và kinh phí đầu tư dự án đường vành đai 4, quốc lộ 51 để thực hiện.

Riêng dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái chúng tôi sẽ kiến nghị TP.HCM cùng xây cầu nhằm khai thác cùng với dự án sân bay Long Thành.

* Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):

Không đầu tư thêm đường vành đai 3 nối Bình Dương, nguy cơ ùn tắc là chắc chắn

Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ: Khơi thông nhưng vẫn chờ đột phá- Ảnh 7.

Dự án đường vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương có 15,3km trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn từ nút giao Tân Vạn đến nút giao Bình Chuẩn) đã đưa vào sử dụng. Vì vậy các dự án thành phần của đường vành đai 3 qua Bình Dương hiện nay chưa đầu tư đoạn 15,3km đi trùng này, hiện trạng là sáu làn xe của đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Theo định hướng quy hoạch, đoạn 15,3km đường vành đai 3 đi trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ đón lượng xe không chỉ từ đường vành đai 3 khi hoàn thành, mà còn "gánh" thêm nhiều dự án giao thông khác đi trùng đoạn đường này như dự án nối dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về thành phố mới Bình Dương, hay một phần của dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Do vậy nếu không đầu tư mở rộng đồng bộ đoạn 15,3km đường vành đai 3 này thì nguy cơ ùn tắc giao thông kết nối giữa TP.HCM - Bình Dương và cả vùng Đông Nam Bộ là chắc chắn.

UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải về đoạn 15,3km này theo phương án đầu tư giai đoạn 1 là giải phóng mặt bằng một bên và xây dựng cầu cao tốc 4 làn xe trên cao. Phương án kiến nghị là theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng.

Phấn đấu khởi công 3 cao tốc vùng Đông Nam Bộ vào đầu năm 2025Phấn đấu khởi công 3 cao tốc vùng Đông Nam Bộ vào đầu năm 2025

Tại cuộc làm việc ở TP.HCM sáng 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phấn đấu khởi công 3 cao tốc vùng Đông Nam Bộ vào đầu năm 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên