Taxi xếp hàng đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 19-8 - Ảnh: T.T.D.
Ông Tiến nói:
- Sân bay Tân Sơn Nhất có đặc thù nằm trong lòng TP.HCM, chỉ có một cửa ra vào trên đường Trường Sơn, trong khi nhu cầu đi lại ngày một tăng. Sân bay đang phục vụ khoảng 110.000 khách/ngày, trong đó 26.000 lượt khách quốc tế, còn lại khách quốc nội.
Taxi không thể vào sân bay do đường ùn tắc!
* Sân bay rất lớn nhưng khách không đủ phương tiện để rời sân bay, ông nói gì về việc thiếu xe, ùn tắc ở đây?
- Do nhu cầu đi lại tăng cao, cầu vượt cung nên mới dẫn đến tình trạng thiếu xe. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra vào một số khung giờ cao điểm chứ không phải lúc nào cũng thiếu.
Trong 5 hãng taxi ở TP.HCM có đến 4 hãng tham gia chở khách ở sân bay. Hãng còn lại không đủ tiêu chuẩn do đầu xe rất ít.
Từ tháng 4 năm nay, chúng tôi còn mời các hãng điều xe từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về sân bay nhưng không đủ.
Chưa kể đã thiếu lại càng thiếu thêm khi tuyến đường quanh sân bay ùn tắc. Vì vậy taxi, xe công nghệ không thể vào sân bay, khách phải chờ lâu hơn.
* Hành khách than phiền rất nhiều về tình trạng "chặt chém", chèo kéo khi đi xe ở sân bay. Chuyện này vì sao chưa được xử lý triệt để?
- Đối với người mời chào, chèo kéo khách trong sân bay, chúng tôi xử lý rất nghiêm. Qua theo dõi, cảng phát hiện hơn 300 trường hợp có hiện tượng chèo kéo khách và chúng tôi đều lập biên bản giao cho Công an quận Tân Bình xử lý.
Cảng đã dán đường dây nóng khắp nơi trong sân bay, yêu cầu dán trên cả trong và ngoài xe.
Đối với các doanh nghiệp vận tải vi phạm, chúng tôi có quy chế nếu vi phạm sẽ tạm ngưng hoạt động và xem xét không được phép hoạt động ở sân bay.
Còn với taxi, khách lên xe tại sân bay thì bình thường. Xe vừa chạy ra khỏi sân bay, đi giữa đường, lại vòi thêm tiền hoặc thỏa thuận tắt đồng hồ. Tức là chuyện này xảy ra ngoài cảng nhưng cái gì cũng bảo trách nhiệm của cảng.
Ông Nguyễn Nam Tiến
Vì sao không tạo điều kiện cho xe buýt vào sân bay?
* Sân bay Tân Sơn Nhất từng bị trang web quốc tế đánh giá chất lượng dịch vụ nằm trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á.
- Năm 2021, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) đã đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất có chất lượng tốt nhất trong nhóm sân bay có năng lực phục vụ 20 - 25 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, do lượng khách tăng trưởng vượt dự báo, đặc biệt là đường bay quốc nội trong giai đoạn cao điểm hè nên cơ sở hạ tầng dù đã cải thiện rất nhiều nhưng chưa thể đáp ứng được.
Về lâu dài, sân bay Tân Sơn Nhất phải chờ nhà ga T3 và sân bay Long Thành hoàn thành để "chia lửa". Với nhà ga T3, Chính phủ đã yêu cầu là phải khởi công vào tháng 9-2022 và tháng 9-2024 phải xong.
* Báo cáo mới nhất của Sở Giao thông vận tải cho rằng cảng không tạo điều kiện cho xe buýt vị trí thuận lợi để đón khách nên hoạt động không hiệu quả?
- Chúng tôi đã điều chuyển xe buýt từ ga quốc tế sang ga quốc nội nhưng lượng khách đi xe buýt còn rất ít. Để phát huy hiệu quả, cảng có đề xuất là xe buýt chạy sân bay phải có thiết kế khác so với xe buýt thông thường.
Đó là phải có chỗ để hành lý hợp lý và gầm thấp cho khách lên xuống. Đồng thời, xe phải có người hỗ trợ đưa hành lý lên xuống, đặc biệt là đối với khách là người già, phụ nữ có thai và có con nhỏ.
* Các chuyên gia nói rằng phương án dùng xe trung chuyển giảm tải cho sân bay là một phương án khả thi, vì sao chưa triển khai?
- Mấy năm trước từng có đề xuất xe trung chuyển khách ra công viên Hoàng Văn Thụ hoặc có đơn vị cũng đề xuất làm cáp treo ra hai công viên Hoàng Văn Thụ và Gia Định. Tuy nhiên, đến nay các ý tưởng này chưa được triển khai thực tế.
Việc tổ chức xe trung chuyển khách từ sân bay ra ngoài để kết nối với mạng lưới giao thông TP là điều mà lãnh đạo cảng luôn mong muốn.
Đây là giải pháp tốt để giải tỏa khách cho sân bay và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại. Chẳng hạn xe trung chuyển có thể chạy từ sân bay ra công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định, bến xe Miền Đông hoặc vào khu vực trung tâm...
* Ý tưởng hay nhưng không làm, mà chỉ nằm trên giấy. Cảng và các bên đã thảo luận phương án triển khai?
- Tại buổi làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã giao Vụ Vận tải, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Cục Hàng không Việt Nam, cảng và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp để bàn về các vấn đề bãi đệm, bãi lót và phương án trung chuyển.
Các phương án giải quyết ùn tắc cho sân bay đang bắt đầu chuyển động. Phương án giải tỏa khách ra các khu vực lân cận bằng xe trung chuyển là phương án tối ưu và theo thông lệ quốc tế.
* Theo ông, việc đầu tư, quản lý các xe trung chuyển sao cho hợp lý?
- Tôi đề nghị Sở Giao thông vận tải đứng ra tổ chức, quản lý xe trung chuyển. Vì hiện nay xe buýt được trợ giá hơn 1.000 tỉ đồng/năm, TP có thể trích ra một phần cho xe trung chuyển khách ở sân bay.
Chỉ cần vài ba chục xe trung chuyển là giải tỏa lượng khách rất lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp hàng không cũng có thể đứng ra làm. Ai làm tốt, ai tạo điều thuận lợi cho hành khách, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất.
Các tuyến đường vào sân bay thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Vì vậy để xe trung chuyển hoạt động hiệu quả, cần phải nghiên cứu mở làn đường ưu tiên. Xe trung chuyển chạy suốt, không nhận khách dọc đường. Cứ 10 phút một chuyến, khách thấy thoải mái, họ sẽ lên xe đi ngay.
Rất khó tìm được xe buýt trong sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.
"Chưa có ý kiến" về việc TP.HCM và cảng cùng quản lý sân bay
* Cảng có lo ngại giảm doanh thu thu phí vào sân bay khi tổ chức xe trung chuyển, xe buýt?
- Chúng tôi khẳng định là quan điểm của cảng luôn coi mục đích công cộng là nhiệm vụ ưu tiên. Chúng tôi chỉ mong làm sao cho hành khách được hài lòng, thoải mái, không còn cảnh bị chèo kéo, ép giá.
* Trường hợp giao thông sân bay tiếp tục bát nháo, Sở Giao thông vận tải sẽ đề xuất quản lý theo cơ chế đặc thù của TP.HCM. Các chuyên gia nói rằng TP.HCM cần được giao quản lý sân bay song trùng với ngành hàng không để chủ động tổ chức giao thông. Cảng có ý kiến gì về đề xuất này?
- Việc này nên để Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải cùng đơn vị liên quan xem xét, đánh giá và quyết định. Chúng tôi chưa có ý kiến về vấn đề này.
Hành khách đi chuyến buýt số 152 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho dự án nhà ga T3
Theo nghị quyết số 93, Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,5ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP quản lý để xây dựng nhà ga T3 (khoảng 16ha) và đường nối Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn (11,8ha).
Để đảm bảo tiến độ, Sở Tài nguyên và môi trường kiến nghị UBND TP chỉ đạo quận Tân Bình khẩn trương ký hợp đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án nhà ga T3 với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư).
Đồng thời xây dựng kế hoạch, thông báo thu hồi đất gửi Sở Tài nguyên và môi trường phê duyệt, trình UBND TP... Thời gian thực hiện trước ngày 15-9 để làm cơ sở cho Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai xây dựng.
Đối với dự án đường nối, sở kiến nghị UBND TP giao Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP phối hợp với quận Tân Bình khẩn trương thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Mảnh đất 3.500m2 để không nhiều năm
Theo ông Nguyễn Nam Tiến - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cạnh sân bay có một mảnh đất rộng 3.500m2 phía trước đường Hồng Hà đang bỏ trống nhiều năm qua. Theo ông Tiến, đây là vị trí thuận lợi nhất để có thể làm bãi đệm cho xe buýt, taxi, xe trung chuyển vào sân bay rước khách. Phía cảng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa quyết định.
Đề xuất cùng quản lý chứ không phải xin - cho
Theo các chuyên gia, đã đến lúc Bộ Giao thông vận tải cần phải xây dựng quy chế, trong đó có sự tham gia quản lý của địa phương về vấn đề giao thông, áp dụng chung cho các địa phương có sân bay quốc tế chứ không riêng gì sân bay Tân Sơn Nhất.
Đã thiếu xe lại còn rối
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thời gian qua lượng khách đi lại ở sân bay tăng đột biến, cùng với đó các đơn vị vận tải thiếu người, thiếu xe. Chẳng hạn như các hãng taxi lớn tại TP hiện chỉ hoạt động bằng 1/3 so với trước đây.
"Trong khi taxi đã thiếu nhưng cảng hàng không lại tổ chức giao thông chưa hợp lý dẫn đến đã thiếu lại càng rối thêm. Thêm vào đó, có thời điểm xe công nghệ phải đón khách ở trên tầng dẫn đến chuyện người dân phản ứng", vị này nói.
Để giải quyết bài toán nêu trên, theo vị này, cảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt, taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ được đỗ, đón trả khách thuận lợi, quay vòng nhanh. Còn chuyện cò mồi, chèo kéo gây mất an ninh trật tự trong sân bay, cảng phải xử lý nghiêm, tránh chuyện bát nháo như thời gian qua.
Ngày 15-8, cảng ban hành quy định mới về tổ chức, quản lý hoạt động khai thác, vận tải hành khách bằng ôtô tại sân bay. Điều này cho thấy phía sân bay đang có chuyển động để xử lý quyết liệt.
Cũng theo vị này, xe buýt có vai trò hỗ trợ một phần cho taxi, xe công nghệ trong bối cảnh thiếu xe. Sở đã điều chỉnh tăng chuyến, tăng tuần suất, điều chỉnh xe buýt vào giải tỏa khách. Tổ chức khôi phục xe buýt 103 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành) vào ngày 19-8. Các giải pháp về xe trung chuyển, xe buýt vòng vào sân bay cũng đang được khảo sát, nghiên cứu.
Do đó cảng phải sắp xếp, bố trí ưu tiên cho người dân đi xe buýt được tiện lợi. Cảng phải phối hợp và thống nhất khi Sở Giao thông vận tải đề xuất, chứ không phải cảng muốn cho chỗ này, cho chỗ kia. Phát triển xe buýt là giải pháp dần hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải công cộng mà TP.HCM đang triển khai, cũng như theo yêu cầu của Chính phủ.
"Giải pháp đang được các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ. Trường hợp tình hình không được cải thiện, sân bay Tân Sơn Nhất cần phải được đề xuất phương án quản lý phù hợp theo xu thế phát triển và cơ chế đặc thù về quản lý đô thị đặc biệt tại TP.HCM", vị này khuyến cáo.
Đón được taxi là điều cực hình với nhiều hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tránh chuyện xin - cho
Tham gia diễn đàn của Tuổi Trẻ góp ý cho sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua, nhiều chuyên gia cho hay dù sân bay ở địa phương nhưng muốn kết nối giao thông hay đưa xe buýt vào sân bay cũng phải xin ý kiến của phía cảng và được cảng thống nhất mới được làm. Đây là việc rất vô lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng cần phải có sự quản lý song song giữa Sở Giao thông vận tải và cơ quan quản lý hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay nằm tại TP nên phải gắn trách nhiệm của địa phương. "Việc cùng tham gia quản lý này sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp quản lý sân bay thiên về lợi ích hoặc lợi nhuận cho đơn vị mà xem nhẹ lợi ích của giao thông công cộng nếu có", ông Quyền nói.
Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, cũng cho rằng theo Luật hàng không dân dụng, sân bay thuộc thẩm quyền quản lý của cảng hàng không. Nhưng Tân Sơn Nhất có đặc thù là sân bay quốc tế, do đó nhất thiết phải có sự quản lý của Sở Giao thông vận tải và cảng hàng không. Bộ Giao thông vận tải cần phải xây dựng quy chế, áp dụng chung cho các địa phương có sân bay quốc tế.
Cũng theo ông Tính, thông tư 29 của Bộ Giao thông vận tải cho phép cảng hàng không được quyền lựa chọn các đơn vị vận tải bằng ôtô để ký hợp đồng được hoạt động tại sân bay. Do vậy, để tổ chức tốt giao thông khu vực này, cần phải tổ chức bãi đậu xe sân bay Tân Sơn Nhất thành bãi phục vụ công cộng của TP, chứ không chỉ là bãi riêng của phía sân bay.
"Chuyện này sẽ hạn chế được việc sắp vị trí ưu tiên hay ưu ái cho doanh nghiệp ký hợp đồng hay đăng ký (nếu có), mà sân bay phải ưu tiên nhất là dành cho xe công cộng. Đã là nơi công cộng, cả TP.HCM nói chung và quận Tân Bình, sở, ngành TP nói riêng phải chăm lo cho sân bay chứ không chỉ ngành hàng không", ông Tính nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng phải có sự quản lý song song giữa Sở Giao thông vận tải TP.HCM và cơ quan quản lý hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm giải quyết tình trạng bát nháo giao thông tại khu vực này.
Theo quy định của Luật hàng không dân dụng, khu vực bên trong sân bay Tân Sơn Nhất thuộc thẩm quyền quản lý của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam.
Cảng chịu trách nhiệm khi để xảy ra mất an toàn trật tự trong khu vực cảng. Bên ngoài cảng, các lực lượng của TP sẽ giải quyết ùn tắc, tránh kẹt xe, đảm bảo lưu thông...
ĐỨC PHÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận