Giáo sư Nguyễn Ngọc Tú được biết đến nhiều trong cộng đồng nghiên cứu lượng tử thế giới, hiện là trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc phòng thí nghiệm NextCNS tại Đại học Kennesaw State University (Mỹ).
Ông vừa được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch quỹ học bổng dành cho sinh viên của hội thảo IEEE International Conference on Quantum Computing and Engineering (QCE), một trong những hội thảo quốc tế có quy mô nhất trong lĩnh vực lượng tử.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Tú cùng các thành viên hội đồng sẽ trực tiếp điều phối việc tiếp nhận hồ sơ, đánh giá, và phân bổ học bổng dành cho sinh viên tham dự hội thảo được tổ chức vào tháng 9-2024 tại Montréal, Canada.
Hệ thống đăng ký học bổng sẽ được thông báo rộng rãi vào hè 2024 tại các kênh và website https://qce.quantum.ieee.org/
Hiện nay, giáo sư Nguyễn Ngọc Tú cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu và thiết kế các thuật toán và mô hình nhằm tăng tốc độ tính toán của hệ thống máy tính, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Ông đã công bố trên 120 công trình nghiên cứu khoa học tại các tạp chí và hội thảo quốc tế, đồng thời chủ trì nhiều đề tài khoa học được tài trợ bởi quỹ nghiên cứu khoa học Mỹ và Bộ Năng lượng Mỹ.
Ông nằm trong danh sách top 2% những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới tính theo trích dẫn khoa học, do Đại học Stanford công bố (2022). Ông là thành viên hội đồng biên tập của rất nhiều tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI thuộc những nhà xuất bản có uy tín như IEEE, Elsevier, Wiley và Springer.
Những năm qua, nhóm nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Ngọc Tú có nhiều hoạt động nghiên cứu và hợp tác khoa học với Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội... Hằng năm, ông trao nhiều học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt tham gia nhóm nghiên cứu tại Mỹ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 23-3, ông cho biết công nghệ lượng tử hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho hệ thống tính toán, cảm biến, mã hóa và an toàn an ninh mạng.
"Các kỹ thuật lượng tử hiện nay ứng dụng những tính chất từ cơ học lượng tử, đặc biệt là tính chất vướng víu lượng tử của các hạt ở cấp độ nguyên tử ứng dụng vào thực tế để phát triển máy tính lượng tử, cảm biến, mạng lượng tử, mã hóa lượng tử, hướng tới tăng tốc độ tính toán của hệ thống số hóa, tăng độ chính xác cho công nghệ cảm biến, đảm bảo an toàn an ninh mạng", ông Tú nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận