Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: TR.N. |
Bà Thế Thanh, nguyên phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, cho PV Tuổi Trẻ biết giáo sư Trần Văn Khê nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch bởi ngoài việc tuổi cao ông còn bị các bệnh mãn tính như tim, phổi và tiểu đường.
Từ khi về nước (năm 2006), sống trong căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh), bên cạnh giáo sư luôn có người chăm sóc. Khi trở bệnh nặng, nhập viện, ông dặn người thân rằng mình sẽ tự lực bằng số tiền dành dụm mà ông có vì không muốn phiền đến ai. Nhưng giáo sư cả đời nghiên cứu và dạy học, cũng không có nhiều tiền. Khi nhập viện, riêng chiếc máy trợ tim lắp cho ông đã trị giá 140 triệu đồng. Ông cũng đang phải dùng máy thở trong phòng cách ly.
Con trai trưởng của ông là giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải cùng gia đình vừa về nước tối 9-6, con gái Trần Thị Thủy Ngọc cũng đã ở bên giáo sư, gia đình chị Thủy Tiên từ Mỹ cũng đang xin visa để trở về VN.
Theo bà Thế Thanh, một người như giáo sư Trần Văn Khê xứng đáng để nhà nước chăm lo cho sức khỏe, và hơn lúc nào hết, đây là lúc cần nhất để chứng minh sự trọng thị của nhà nước đối với một người có ảnh hưởng lớn đến văn hóa dân tộc Việt không chỉ ở VN mà còn với thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. Lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941 thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết. Ông sang Pháp năm 1949, học tại trường Đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958. Năm 1949 Học tại Viện Khoa học Chính trị Paris. 1951 Tốt nghiệp Khoa học Chính trị, Khoa Giao dịch Quốc tế. Từ 1954 đến 1958 học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học. 1958 ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học Đề tài luận án: ”La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam). Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, hiện tại ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP.HCM), nơi này sẽ là bảo tàng lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của Giáo sư khi ông đi xa. Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, năm 1975 Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada). Năm 1981 Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc. Năm 1991 Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng. Năm 1995 Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật). Năm 1999 Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận