Theo dõi hình ảnh những dòng người tiễn biệt ông càng cảm nhận hết lòng tiếc thương của bao người trước một nhân cách lớn: lãnh đạo trung ương và địa phương, nhà khoa học và nhà giáo, bà con nông dân khắp nơi trong vùng...
Cảm xúc dâng trào khi thấy trong dòng người tiễn đưa có những gương mặt thành kính của các em sinh viên - thế hệ sau này sẽ trở thành những chủ nhân đất chín rồng.
Trong những ngày gần đây đã có nhiều bài viết chia sẻ tình cảm, sự kính trọng với GS.TS Võ Tòng Xuân - một người cả đời cống hiến cho nông nghiệp. Là người con của đồng bằng và có thời gian công tác ở một vùng quê bao đời sống bên cây lúa nên tôi có tình cảm đặc biệt với Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân.
Tôi có cơ duyên biết đến thầy Xuân khi ông là phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, chỉ biết thôi chứ không có nhiều dịp gặp gỡ cho đến khi tham dự một vài diễn đàn. Vậy là tôi được dịp mời giáo sư về giúp địa phương với tư cách thành viên trong nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế - xã hội cho Đồng Tháp.
Là lãnh đạo địa phương, tôi hiểu được sự giới hạn về tư duy, tầm nhìn trong bộ máy, do đó luôn mong muốn được kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp khắp mọi miền đất nước. Người trong bàn cờ dễ rối rắm từng nước đi, người bên ngoài thường sáng nước hơn.
Vậy là GS Võ Tòng Xuân đến với Đồng Tháp không chỉ một lần mà rất nhiều lần, cùng về làng xuống ruộng, cùng chia sẻ với đội ngũ cán bộ các cấp. Với kiến thức uyên thâm, ông đã khơi gợi cho địa phương nhiều cách nhìn khác hơn, cách tiếp cận khác hơn.
Ông thường kể câu chuyện về những lão nông tri điền Đồng Tháp Mười nghĩ ra cách ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt trong hành trình khai hoang phục hóa vùng đất hoang sơ và bình luận rằng: "Nông dân mình giỏi lắm đó nghen!". Nhờ đó tôi thấm thía hơn khi khoa học đi ra từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho con người.
Những chuyến lặn lội khắp vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau... ông đã có dịp tìm hiểu sâu hơn những điểm nghẽn trong nông nghiệp, những khó khăn của nông dân.
Đó là cách GS Võ Tòng Xuân đưa hơi thở của cuộc sống vào tư duy về chặng đường phía trước của vùng đồng bằng sông nước.
GS Võ Tòng Xuân luôn trăn trở qua nhiều câu hỏi: Vì sao mọi người thường mặc định làm nông thì nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn? Vì sao ở nhiều đất nước, nông nghiệp vẫn thịnh vượng, nông dân vẫn khá giả? Làm sao để xã hội không quay lưng với nông nghiệp, người trồng lúa không bỏ ruộng hoang?... Mỗi câu hỏi là một nỗi niềm, là tìm kiếm sự kiến giải. Đồng Tháp được Chính phủ cho phép thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cũng từ những kiến giải đó.
Không chỉ tư vấn lý thuyết, ông còn cùng bà con nông dân triển khai những mô hình cụ thể và thường nhắc nhở bà con mình không thích lý thuyết lắm đâu, chỉ cần "mắt thấy, tai nghe" là làm theo.
Từ những cách làm nông khoa học, được diễn giải thật dễ hiểu, ông còn truyền lửa, khơi gợi thêm tình yêu nông nghiệp, nông dân, giúp lãnh đạo địa phương tự tin hơn, nhìn đúng bản chất vấn đề hơn, cả thời cơ và thách thức, cả điểm yếu lẫn điểm mạnh của mình.
Khi tôi ra nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, có nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô, cần kiến thức chuyên sâu cần phải tìm hiểu, một trong những người tôi thường hỏi, nhờ tư vấn là GS Võ Tòng Xuân chân tình, người mà ngay khi mắc bệnh hiểm nghèo vẫn còn bao tâm huyết mong muốn được sẻ chia.
Tôi vẫn còn lưu lại nhiều ý tưởng được GS Võ Tòng Xuân gửi qua hộp thư điện tử hoặc bằng tin nhắn, trong đó là bao điều tâm huyết cho tương lai đồng bằng.
Ý tưởng về sự cần thiết phải thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia đã từng nghe GS đề cập trong một diễn đàn cách đây nhiều năm nhưng những ngày cuối tháng 7 vừa qua một lần nữa được GS nhắc lại, như muốn trao gửi tâm nguyện cuối đời.
Giờ thì ý tưởng đó đang dần trở thành hiện thực khi nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Như một cây đại thụ, GS Võ Tòng Xuân vẫn đó thầm lặng tạo bóng râm cho cuộc đời, cho những thế hệ tương lai của vùng đất chín rồng đang thành kính đi trong dòng người tiễn biệt một nhân cách lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận