03/06/2024 09:30 GMT+7

Giáo sư Oxford: Vắc xin giúp giảm thiểu kháng kháng sinh

Thực tế vai trò của vắc xin trong giảm thiểu kháng kháng sinh chưa được đánh giá đúng mức tại Việt Nam.

Người dân tiêm ngừa ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân tiêm ngừa ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các chuyên gia nhận định việc lạm dụng kháng sinh đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Rogier van Doorn, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Hà Nội (OUCRU - Hà Nội), để làm rõ hơn vai trò của vắc xin trong giảm thiểu kháng kháng sinh.

Giáo sư Rogier van Doorn

Giáo sư Rogier van Doorn

* Theo ông, vắc xin có vai trò gì trong việc giảm thiểu kháng kháng sinh dựa trên kinh nghiệm và nghiên cứu trên thế giới?

- Vắc xin và thuốc kháng sinh có lẽ là những phát minh có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và kéo dài tuổi thọ của con người.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ riêng vắc xin đã cứu sống 154 triệu người trên toàn thế giới trong 50 năm qua.

Vắc xin đã được đề cập như một trong những "điểm nhấn" trong Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng sinh của WHO như một công cụ quan trọng để chống lại tình trạng kháng kháng sinh.

Tuy nhiên, nhiều kế hoạch và chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh hiện nay đang không đề cập đến vắc xin như một công cụ hiệu quả giúp giảm thiểu kháng kháng sinh.

Tại Việt Nam, hầu hết các loại kháng sinh được sử dụng trong cộng đồng và chủ yếu dùng để điều trị các bệnh viêm đường hô hấp. Các kháng sinh này thường được bán kể cả không có đơn thuốc.

Các loại vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn (PCV), Hib (Haemophilus infuenzae type b) và vắc xin phòng cúm giúp ngăn ngừa phần lớn các ca bệnh do các nhiễm trùng này gây ra.

Điều này có nghĩa là người tiêm vắc xin sẽ không bị bệnh và không cần hoặc không có nhu cầu sử dụng kháng sinh.

Nếu người tiêm vắc xin không bị bệnh, họ cũng sẽ không bị nhiễm khuẩn thứ cấp cần điều trị bằng kháng sinh, và đồng thời không lây nhiễm sang người khác.

Vắc xin giúp bảo vệ từng cá thể (giảm nhiễm khuẩn, ngăn ngừa biến chứng), đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng giúp giảm lây truyền vi khuẩn kháng thuốc; từ đó giảm sử dụng kháng sinh; kìm hãm sự xuất hiện và lan truyền của vi khuẩn kháng thuốc.

Và cuối cùng làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh trên từng cá thể, bảo tồn hiệu quả của kháng sinh.

Đây là cách mà vắc xin có thể giúp không chỉ ngăn chặn bệnh tật mà còn ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh, chống lại tình trạng kháng thuốc.

* Tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tình hình kháng kháng sinh?

- Dữ liệu giám sát tại các bệnh viện và cộng đồng cho thấy mức độ kháng thuốc ở Việt Nam rất cao, trong khi thuốc kháng sinh được kê đơn dễ dàng trong bệnh viện và bán không cần kê đơn ở các hiệu thuốc.

Bên cạnh đó, một lượng lớn kháng sinh cũng được sử dụng trong chăn nuôi và nông nghiệp để sản xuất thực phẩm.

Theo một báo cáo về tình trạng kháng kháng sinh và các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam năm 2019 cho thấy kháng kháng sinh xếp thứ ba trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng và lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kháng kháng sinh tăng cao.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai năm 2012 và các nghiên cứu gần đây của đơn vị OUCRU (1-3), trong cộng đồng có tới 60 - 90% kháng sinh tiêu thụ không được kê đơn, tại bệnh viện có tới 1/3 số kê đơn kháng sinh là không hợp lý.

Không có một giải pháp đơn giản nào để giảm kháng kháng sinh mà cần sự kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm giáo dục và nâng cao nhận thức (của cả bác sĩ, dược sĩ và người dân), từng bước hạn chế sử dụng kháng sinh, bán kháng sinh đồng thời đưa ra các lựa chọn thay thế.

Cùng với đó là sự kết hợp đầu tư vào nhân viên y tế và chẩn đoán, tiêm chủng và vệ sinh, phát triển các loại kháng sinh mới chống lại vi khuẩn kháng thuốc. Cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh sẽ còn phải đi một chặng đường dài.

* Với những loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam có tác động trong việc giảm thiểu kháng kháng sinh?

- Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã có 10 loại vắc xin. Việt Nam đang làm rất tốt việc bao phủ vắc xin phòng bệnh đối với trẻ em.

Trong đó, có một loại vắc xin có tác động trực tiếp đến giảm thiểu kháng kháng sinh là vắc xin Hib, bởi vắc xin này làm giảm trực tiếp nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, trong khi người dân Việt Nam thường sử dụng kháng sinh cho các bệnh đường hô hấp.

Bên cạnh vắc xin Hib, vắc xin sởi cũng có tiềm năng giúp giảm thiểu kháng kháng sinh tại Việt Nam khi giảm số ca mắc bệnh sởi, giảm số ca bệnh nhiễm khuẩn thứ phát từ đó giảm sử dụng kháng sinh.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ bổ sung thêm vắc xin rota, vắc xin phế cầu, cúm… vào chương trình. Nếu được bổ sung các vắc xin này, tiêm chủng miễn phí sẽ góp phần đáng kể vào giảm thiểu kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Truyền thông về vai trò của vắc xin trong giảm thiểu kháng kháng sinh

Mới đây, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tổ chức hội thảo công bố bản tóm tắt khuyến nghị chính sách "Vai trò của vắc xin trong giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam".

Tại hội thảo, PGS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chủ tịch Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế - nhận định vai trò của vắc xin trong giảm thiểu kháng kháng sinh không phải là vấn đề mới nhưng chưa được đánh giá đúng mức tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ hơn về vai trò của vắc xin trong giảm thiểu kháng kháng sinh tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường các biện pháp để hạn chế sử dụng kháng sinh không kê đơn, lạm dụng kháng sinh, tiến tới từng bước giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Giáo sư Oxford: Vắc xin giúp giảm thiểu kháng kháng sinh- Ảnh 3.'Giờ vàng' cứu người đột quỵ: những điều bị hiểu sai

Chuyên gia cảnh báo hiện có rất nhiều quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại là vô cùng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên