Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư y khoa tại Đại học New South Wales, giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc Đại học Kỹ thuật Sydney (Úc), trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
Tích cực và tiêu cực
* Giáo sư nhận định như thế nào về vấn đề liêm chính khoa học ở Việt Nam?
- Liêm chính khoa học hay nói cách khác là đạo đức khoa học ở Việt Nam cũng không vượt ra khỏi những vấn đề trên thế giới đã trải qua.
Thứ nhất, người nghiên cứu ở Việt Nam cũng có tình trạng giả tạo dữ liệu, ví dụ tự điền bảng hỏi, tự trả lời câu hỏi mà không ai biết được. Đây là trường hợp rất tinh vi và ở Việt Nam xảy ra khá nhiều.
Thứ hai, có những công trình nghiên cứu mà y đức có vấn đề, bệnh nhân không hề biết dữ liệu của mình đã được sử dụng cho các công trình nghiên cứu đó. Đáng lý ra, theo quy định quốc tế, làm nghiên cứu phải có sự đồng thuận của bệnh nhân.
Ngoại trừ những trường hợp bệnh nhân đã qua đời thì Ủy ban Y đức có thể cho phép làm nghiên cứu mà không cần có chữ ký của bệnh nhân. Trường hợp này có xảy ra nhưng hơi hiếm.
Thứ ba, có người mua bài báo khoa học từ các nhóm kinh doanh bài báo khoa học quốc tế ở Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan... và có thể công bố nhiều bài báo trong thời gian ngắn. Nhưng thực ra họ không làm gì cả mà chỉ mua bài.
Thứ tư, nhiều người thay vì chọn công bố trên các tạp chí khoa học chính thống do hiệp hội chuyên môn quản lý và làm chủ quản thì họ chọn công bố trên các tạp chí "dỏm". Đó là những tạp chí thu tiền và đăng bài.
Còn tạp chí chính thống phải qua 3 - 4 chuyên gia bình duyệt, tốn thời gian cả năm trời mới công bố được một bài. Nếu may mắn lắm thì chín tháng mới công bố được một bài, nhưng có giá trị.
* Người người, nhà nhà đang nhắc nhiều đến AI, với giới khoa học, theo ông, AI mang lại những lợi ích gì?
- AI theo tôi nên dịch là "thông minh nhân tạo", đây là công cụ có hai mặt: tích cực và tiêu cực. AI giúp mình soạn bài báo khoa học. Ngày xưa không có AI thì phải tự ngồi viết bài báo khoa học, tiếng Anh phải tốt, viết đúng câu văn, chọn đúng thuật ngữ, văn phong phải phù hợp với văn phong khoa học.
Còn bây giờ không cần viết đúng văn phạm, có thể sai này sai kia, có thể yêu cầu AI sửa. Đây là ứng dụng tốt cho những người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ.
AI có thể tóm tắt tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu mà mình quan tâm, giúp nâng cao năng suất nghiên cứu. Ví dụ muốn làm phân tích dữ liệu chúng ta có thể yêu cầu AI viết code, vẽ biểu đồ, người nghiên cứu chỉ cần tập trung biên tập.
Đứng về mặt y khoa, AI giúp cho chẩn đoán tốt hơn. Nhiều khi mắt thường nhìn không ra, hoặc nhìn ra nhưng đọc đến phim số 10 bắt đầu lẫn lộn, bỏ sót chẩn đoán. Trong trường hợp này AI đọc rất tuyệt vời, trong vòng 5 giây. AI còn giúp cho mình phòng ngừa bệnh tật, làm công việc y khoa lâm sàng tốt hơn.
Tuy nhiên khi AI phát triển cũng xảy ra vài mặt trái. Nhiều người không viết gì nhưng lại dùng AI soạn bài báo khoa học. Nộp bài báo đó lên cho những chuyên gia biên tập, nhìn cũng đúng quy chuẩn nhưng trường hợp này gọi là ngụy tạo.
Người nghiên cứu có thể giả tạo công trình nghiên cứu như thiệt, mô phỏng nghiên cứu theo số liệu, làm phân tích, soạn bài báo. Nếu mất cảnh giác thì không thể biết đây do AI làm hay là công trình nghiên cứu thiệt.
Người nghiên cứu có thể dùng AI để giả bộ bình duyệt bài báo khoa học. Người nhận bài báo đáng lý ra phải đọc và cho ý kiến, nhưng họ lười không đọc và đưa bài báo cho AI đọc và tự phê bình. Trường hợp này dẫn tới tình trạng thật giả lẫn lộn.
Một số người lợi dụng AI viết thư trong giao tiếp hằng ngày, viết đơn xin việc hay tạo CV. Tuy AI làm tổng quan được nhưng vẫn có trường hợp đưa ra tài liệu tham khảo hoàn toàn sai.
Hiện nay một số tạp chí cho dùng AI, nhưng phải khai báo. Cho phép người nghiên cứu dùng AI để biên tập, nhưng không được dùng để lên ý tưởng, vì ý tưởng là do con người tạo ra.
Không phó mặc cho AI
* Lệ thuộc vào AI sẽ dẫn đến những hậu quả gì, thưa giáo sư?
- Đã có công trình nghiên cứu về người sử dụng máy tính và AI thường xuyên khiến sức khỏe tinh thần, sự nhạy bén bị suy giảm.
Cũng giống như ngày xưa không có điện thoại thì người dùng tự nhớ số điện thoại, còn bây giờ khi đã có điện thoại thông minh thì người dùng bị phụ thuộc vào nó. AI làm trí lực bị suy giảm, làm con người kém thông minh hơn.
Với AI, sinh viên cũng dễ trở nên lười biếng hơn, không tự suy nghĩ để có ý tưởng mới, không tự bắt tay vào làm để trang bị cho bản thân các kỹ năng.
* Ông có thể chia sẻ một vài phương pháp riêng của bản thân về ứng dụng AI trong nghiên cứu nhưng không vi phạm chuẩn mực đạo đức?
- Trong cách viết bài báo khoa học, tôi đã hướng dẫn cho nghiên cứu sinh khi viết bản thảo bằng tiếng Anh nếu văn phạm, chữ nghĩa không chỉn chu có thể hỏi AI. AI có thể viết lại chỉn chu nhưng người nghiên cứu phải tự biên tập câu văn đó, chứ không copy 100% đưa vào bài. Nghĩa là chỉ dùng AI cho việc biên tập, nhưng người nghiên cứu và AI cùng biên tập chứ không để tự nó làm.
Tôi cũng khuyến khích các bạn dùng AI tăng năng suất nghiên cứu, ví dụ như dùng AI để yêu cầu viết mã code, nhưng đích thân người nghiên cứu phải kiểm tra lại, phải xem lại tài liệu tham khảo và không để lệ thuộc vào AI.
* Làm thế nào để ông biết được học viên có sử dụng AI trong nghiên cứu?
- Đa số các bạn làm nghiên cứu sinh có cách viết văn ít trơn tru và ví von nên chỉ cần đọc câu văn, cách dùng chữ là có thể nhận ra có sử dụng AI hay không. Những ý tưởng "khác người" hoặc buồn cười, rất có thể là sản phẩm của AI.
Ngoài ra những công trình nghiên cứu quá tròn trịa, càng đẹp càng đáng ngờ... Việc này đòi hỏi người đọc phải có kinh nghiệm.
Thiếu cơ chế xử lý
Ở Việt Nam trước đây công bố quốc tế không quan trọng nên ít người làm. Còn bây giờ công bố quốc tế quan trọng nên ai cũng chạy theo. Người ta đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể như 2 - 3 bài báo mới được chức danh này, chức danh kia.
Mỗi người bằng mọi cách chạy theo số bài báo, dẫn đến tình trạng có những người chỉ trong thời gian rất ngắn, từ 5 - 6 tháng mà đã công bố 30 - 40 bài báo.
Hay có những người không có trong nhóm nghiên cứu nào, chỉ có một mình nhưng trong năm công bố 50 - 60 bài báo. Chuyện đó phải đặt dấu hỏi.
Tôi nghĩ ở Việt Nam còn thiếu cơ chế xử lý, giải quyết những vấn đề vi phạm đạo đức khoa học.
* Giáo sư có thể chia sẻ một vài giải pháp khả thi cho tình trạng vi phạm đạo đức khoa học?
- Khi tôi được mời đứng ra lập một viện nghiên cứu ở Việt Nam, tôi đề ra quy chế rất rõ ràng.
Thứ nhất, ứng xử trong khoa học với nhau phải đúng và đàng hoàng.
Thứ hai, phải có cơ chế xử lý vi phạm đạo đức khoa học. Trong đó bất cứ một đại học nào, trung tâm nghiên cứu nào cũng phải có một hội đồng.
Khi có chuyện xảy ra, việc đầu tiên là phải điều tra, có báo cáo và minh bạch với mọi người. Tất cả các nghiên cứu sinh phải tham gia khóa học về đạo đức khoa học thì mới được bắt tay vào làm nghiên cứu và cứ hai năm phải học lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận