TTCT - Ngô Vĩnh Long là giáo sư tại khoa lịch sử Đại học Maine (bang Maine, Mỹ). Ông qua đời ngày 12-10 tại Bangor (Maine), thọ 78 tuổi. 20 tuổi, một thanh niên xóm Bàn Cờ (Sài Gòn) bước lên máy bay sang Mỹ với tư cách người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng và vào học Harvard bậc cử nhân. Đó là mùa thu năm 1964, chiến sự ở Việt Nam đang vô cùng căng thẳng. Ngô Vĩnh Long lúc ấy đã là cái gai trong mắt chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông thuộc lứa đầu tiên tham gia phong trào sinh viên yêu nước ở Sài Gòn, biểu tình chống chế độ Nguyễn Khánh. Ông không thể lấy được hộ chiếu và chỉ đến khi, như ông kể: "Ngày 13-10-1964, tôi tham gia biểu tình bị cảnh sát rượt bắt, đánh liều chạy vào gia đình một sĩ quan Mỹ cao cấp tôi quen từ hồi cộng tác làm bản đồ với họ. Bà vợ vị tướng này khuyên tôi đi Mỹ, rồi liền gọi cho Đại sứ Taylor. Ông này liền gọi cho chính quyền Khánh và 4 giờ sau tôi đã có hộ chiếu…".GS Ngô Vĩnh LongĐặt chân lên nước Mỹ ngày 14-10-1964 ở sân bay Logan ở Boston, bang Massachusetts, đứng ngay dưới chân thang máy bay, Ngô Vĩnh Long tuyên bố với báo chí về nguy cơ Mỹ đưa lính vào VN và cảnh báo "rồi họ cũng sẽ phải ra đi, như những kẻ thực dân Pháp trước đây".Hành trình phản chiến của ông diễn ra suốt nhiều năm sau đó trên khắp nước Mỹ. Người ta gọi ông với biệt danh "the free man" (người tự do) khi hoạt động trong phong trào đòi hoà bình bởi ông không là hội viên chính thức của một hội nào, không có bất cứ chức vị nào, vì ông muốn được tự do nói những lời phản biện. Các sinh viên đợi ông trong những bài giảng tại Harvard, khi ông tham gia chuỗi bài giảng phản chiến cùng Howard Zinn và Noam Chomsky. Nhưng cũng có một quả bom xăng ném vào ông. "Đó là cái giá phải trả khi bạn muốn trở nên hữu ích. Là một trí thức hay một chuyên gia, bạn phải nói lên suy nghĩ của mình, bạn phải lên tuyến đầu. Nhưng khi bạn ở tuyến đầu, bạn bị bắn từ sau lưng" - ông kể.Hình ảnh ông Long phát biểu trong một cuộc tuần hành phản chiến mà FBI Mỹ lưu trữ.Không chỉ các bài giảng, Ngô Vĩnh Long còn xuất bản Thời báo Gà - ấn bản mà ông mô tả là "bản tin dài nhất của phong trào hòa bình, kéo dài trong sáu năm". Tại sao lại là gà? Vì người Việt Nam có câu "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". "Hồi sang Mỹ học ở California năm 1968, tôi thường xuyên nhận được tờ Thời báo Gà, kêu gọi hòa bình và chống chiến tranh Việt Nam và những thông tin từ báo chí miền Nam về hoạt động chống chiến tranh. Mới đây tôi có hỏi anh Long làm sao biết địa chỉ của chúng tôi, anh Long trả lời là lấy từ niên giám danh sách kiều bào ở Mỹ mà Sứ quán Việt Nam Cộng hòa phân phát. Tôi không nhớ rõ ai khởi đầu, nhưng các anh Nguyễn Thái Bình (đã mất từ lâu và được phong anh hùng), Nguyễn Hữu Ân, Vũ Ngọc Côn, Nguyễn Tăng Huyên, Ngô Thanh Nhàn và tôi, thuộc nhóm tới Mỹ cùng ngày, liên hệ với "lãnh tụ" Ngô Vĩnh Long và từ khoảng 1970 tham gia các hoạt động chống chiến tranh đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam" - tiến sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, nhớ lại.Từ đi nói chuyện chống chiến tranh tại các đại học Mỹ, "chiếm" tòa lãnh sự Việt Nam Cộng hòa ở San Francisco để phát biểu và phát truyền đơn chống chiến tranh trước báo giới Mỹ cho tới sự thành lập hội thảo hè - một cuộc gặp gỡ hằng năm để trí thức Việt Nam từ mọi quan điểm có thể trao đổi, tranh luận về tình hình thế giới và Việt Nam nhằm giúp đem đến những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam, dễ hiểu ông chịu hòn tên mũi đạn từ nhiều phía như thế nào, thậm chí cả một âm mưu ám sát.Nhưng ông là một trí thức, vì thế con đường học thuật của ông cũng chưa bao giờ ngừng. Ông hoàn thành luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu East Asian History and Far Eastern Languages và là một trong số người hiếm hoi có sách xuất bản ngay từ thời còn là sinh viên - cuốn Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước cách mạng: Người nông dân Việt Nam dưới chế độ Pháp thuộc) do Đại học MIT xuất bản năm 1968, chỉ 4 năm sau khi tới Mỹ. Cuốn sách là một phần đời ông, khi ông lớn lên và bị bao vây bởi chiến tranh. Cha và mẹ ông từng phải lẩn trốn trong Chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) để thoát khỏi những cuộc lùng sục bắt lính của người Pháp. Ông chứng kiến cái chết của nhiều người dân ngay ngôi làng ông sống và trưởng thành trong nỗi căm hận người Pháp vì họ đã giết rất nhiều đồng bào mình. Ba vị giáo sư danh tiếng nhất ở Pháp với các nghiên cứu về Việt Nam là Daniel Hemery, George Boudarel và Pierre Brocheux đã nhận xét cuốn sách đầu tay này của ông Long là một đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử hiện đại của Việt Nam, đặc biệt trong việc đặt vấn đề và việc sử dụng tư liệu, và là "một nguồn tham khảo không thể thiếu được đối với tất cả những ai chú trọng đến lịch sử xã hội của Việt Nam".Vào những năm cuối 1970 - 1980, ông thành lập và giám sát việc xuất bản một tạp chí học thuật mang tên Vietnam Quarterly, nay được gọi là Critical Asian Studies, quy tụ mấy chục người nổi tiếng trong các ngành (trong đó có một vài giáo sư có giải Nobel) hợp tác, để bàn đến các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường ở Việt Nam trước và sau chiến tranh chấm dứt. "Tôi muốn, qua các tổ chức ở Mỹ và các nước khác trên thế giới, thúc đẩy các nơi giúp nhân dân Việt Nam tái thiết đất nước" - ông nói.Trong nhiều năm sau đó, ông đi khắp nơi để nói chuyện và nêu quan điểm về chính sách của Mỹ và Việt Nam, về lịch sử và xã hội Việt Nam. Chắc chắn đó không hề là một hành trình dễ dàng với một người độc lập, chỉ đại diện cho chính mình, chỉ muốn nói lên những hiểu biết của chính mình với hy vọng giúp cho đất nước chôn nhau cắt rốn của ông được thấu hiểu và tôn trọng.Cũng vì thế, ông nhận lời viết mấy trăm trang bối cảnh lịch sử (historical background) cho việc xây dựng bộ phim 13 tập Vietnam: A Television History (Việt Nam: Thiên lịch sử truyền hình). Bộ phim tài liệu thuộc diện thành công bậc nhất này của Đài PBS và khởi chiếu từ đầu tháng 10-1983 đã thu hút trung bình 9,7 triệu người xem mỗi tập và quan trọng hơn hết đã giúp thay đổi không khí chính trị ở Mỹ cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tốt lên.Khởi đi từ cuốn sách đầu tay, những đau đáu của ông về những vấn đề chính trị và kinh tế, trong đó có sự bất bình đẳng, làm cho "vốn con người" (human capital) không phát triển được tiếp tục thể hiện trong hàng loạt nghiên cứu và bài báo được xuất bản. Ông chưa bao giờ đặt Việt Nam và đồng bào ông ở vị trí thứ hai trong mối quan tâm học thuật của mình. "Luôn là hàng đầu - ông nói - Vì đấy là con người, con người phải ở hàng đầu". Khoảng năm 1980 - 1981, ông về nước và tiếp tục công việc điền dã ở nông thôn, phỏng vấn nhiều nhân vật (liên quan tới lịch sử nửa đầu thế kỷ 20) ở một vài làng xã Đồng bằng sông Hồng. Ông ước ao môn sử trong nhà trường chú trọng nhiều hơn tới sử kể, tới lịch sử thường dân, và bổ sung cách tiếp cận lịch sử từ dưới lên. "Nó xuất phát từ những bức xúc đối với khoảng cách, sự khác biệt quá đáng giữa người giàu - người nghèo trong các xã hội. Nó cũng xuất phát từ sự quan tâm ngày càng lớn hơn với con người, vì sự giao tiếp giữa con người với nhau. Nó có nền tảng nhân văn" - ông giải thích về mối quan tâm ngày càng lớn đối với loại hình giáo dục lịch sử này (Tuổi Trẻ Cuối Tuần tháng 11-2015).Sau năm 2000, ông về Việt Nam thường xuyên hơn, giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học Kinh tế quốc dân, là "một người thầy cổ điển" (như ông tự nhận). "Về bản chất, giáo dục là bảo thủ bởi vì nó dạy những kiến thức cũ. Người ta không thể dạy cái mới mà chỉ có thể dạy cái đã qua, nhưng với đa số học sinh, sinh viên, nhất thiết phải biết cái đã qua. Có lẽ về phương diện này tôi là người thầy cổ điển. Người ta cho rằng một trong những nhiệm vụ của người thầy hôm nay là tìm mọi phương cách để giúp học trò tìm ra lý do để học. Benjamin Franklin (nhà chính khách và khoa học Mỹ, 1706 - 1790) từng nói: "Đầu tư cho kiến thức là sự đầu tư sinh lợi nhiều nhất". Người thầy không có tiền bạc nhưng có cái lớn hơn là bỏ cả cuộc đời mình để đầu tư cho thế hệ tương lai của một dân tộc, một đất nước, thậm chí là cả thế giới. Đó là niềm vinh quang và hạnh phúc của người thầy mà không phải nghề nào cũng có được. Giáo dục không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những con người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới" - ông nói (Lao Động số 59, ra ngày 9-3-2002).--------------------9 tuổi, ông học tiếng Anh bằng cách học thuộc lòng cuốn Những kỳ vọng lớn lao của Charles Dicken cùng những cuốn sách tiếng Anh hiếm hoi khác có thể tìm thấy trên một đất nước bị bầm dập sau những năm tháng là một thuộc địa bị bóc lột tận xương của Pháp, cùng một cuốn từ điển Pháp - Anh. Ông còn tự gọi mình là Pip. Cậu bé ấy đã ở trong ông suốt cuộc đời, với nụ cười hóm hỉnh, sự lạc quan ánh lên thường trực trong đôi mắt và khả năng tự trào duyên dáng. "Cho đến bây giờ, tôi vẫn có thể đọc bằng trí nhớ từng trang của cuốn Những kỳ vọng lớn lao cho cô nghe" - ông nói với tôi một lần vào năm 2018.Trên trang Facebook cá nhân, ông thường đăng những bức ảnh ông chụp hoa lá trong vườn nhà, mỗi bức ảnh là một lời giải thích cẩn thận âu yếm về tên họ loài hoa, mùa hoa nở, tỏ bày niềm hạnh phúc mỗi ngày được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tao nhã của tự nhiên kỳ diệu. Hình bông hoa cúc kép màu tím (double violet cosmos) mà GS Ngô Vĩnh Long chụp sáng sớm ngày 30-7-2020.Vào những ngày cuối đời, khi mắt đột nhiên yếu đi, ông chỉ lo âu "Cái khổ là mùa thu nầy lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không".Ông ra đi trong một ngày thu và để lại một cuộc đời rực rỡ.■Những nhà nghiên cứu và cả giới chức chính quyền của Việt Nam nỗ lực cho công cuộc nghiên cứu, tranh đấu về chủ quyền biển đảo của đất nước không chỉ nói về ông như một "nguồn sử liệu" uy tín hỗ trợ họ tận tình, mà còn về một con người dẫu đứng từ xa nhìn về nhưng vì thế mà luôn thấy một Tổ quốc toàn vẹn với Trường Sa và Hoàng Sa không thể tách rời. Tags: Giáo sư Ngô Vĩnh LongKhoa lịch sử Đại học Maine (bang Maine, Mỹ)Sử liệuPhản chiếnNghiên cứu lịch sửChủ quyền biển đảoNgô Vĩnh LongMột người tự do
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới THIÊN ĐIỂU 23/12/2024 'Đoàn giám sát của UNESCO sắp sang đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà theo lời mời của Việt Nam. Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới'.
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
Gia đình tố cáo, công an khai quật tử thi, lộ diện hung thủ đánh chết người QUỐC NAM 23/12/2024 Mâu thuẫn lúc dự đám cưới, một người đàn ông tại Quảng Bình đã chặn đánh đối thủ chấn thương sọ não và tử vong. Tuy nhiên, người nhà lại ngỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông nên sau khi khai quật tử thi, kẻ đánh người mới bị bắt.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.