07/07/2019 10:22 GMT+7

Giáo sư Đài Loan đoạt giải Nobel mặc một áo vest cũ suốt 25 năm

TRỌNG NHÂN ghi
TRỌNG NHÂN ghi

TTO - Đó là GS Yuan Tseh Lee (sinh năm 1936), là người Đài Loan đầu tiên nhận giải thưởng Nobel hóa học (1986).

Giáo sư Đài Loan đoạt giải Nobel mặc một áo vest cũ suốt 25 năm - Ảnh 1.

TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - trao tặng hoa cảm ơn GS Yuan Tseh Lee (phải) khi chia sẻ cùng sinh viên nhà trường - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Một trong những thói quen của người Á Đông chúng ta là không dám "cãi" thầy, nhưng hãy cố gắng có cho mình một con đường riêng, cố gắng phản biện và chỉ tin vào những gì mình tìm thấy, chứ không chỉ là những gì được thầy giảng dạy.

GS Yuan Tseh Lee

Trong chuyến công tác tại Việt Nam đầu tháng 7-2019, GS Lee đã có dịp nói chuyện cùng sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên và các giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tuổi Trẻ lược ghi một số nội dung chính mà GS Lee đã trao đổi.

Yêu khoa học từ những trang sách

Tôi nhớ khi mình đang học lớp 3 hay lớp 4, quân đội đồng minh liên tục ném bom Đài Loan - lúc này đang bị Nhật chiếm đóng. Tôi cùng gia đình buộc phải sống trong những hầm trú bom trên một ngọn núi nên việc học bị gián đoạn gần 2 năm. Khoảng thời gian này tôi học được rất nhiều về cuộc sống, về thiên nhiên...

Khi trở lại trường lớp, tôi vẫn "ham chơi", nào là bóng chày, bóng bàn rồi tham gia các đội văn nghệ của trường... 

Cho đến một ngày, tôi bắt gặp bức hình trong trang sách giáo khoa vẽ một chú cừu ngơ ngác hỏi nhà khoa học: "Liệu ông có thể biến lông của tôi thành nilông không?". Bức ảnh đã gợi sự tò mò rất lớn trong tôi về công việc nghiên cứu.

Cuốn sách của cha tôi về Leonardo Da Vinci trên kệ sách gia đình cũng đã thu hút tôi trong những năm tháng tuổi thơ đến độ gần như ngày nào tôi cũng đọc đi đọc lại vài trang. 

Sau này, tôi có dịp biết đến tiểu sử Marie Curie và bị lôi cuốn bởi mọi thứ của nhà khoa học này, từ nhân cách, niềm đam mê, sự tự rèn luyện bản thân đến lý tưởng sống. Tất cả đã giúp tôi chính thức hạ quyết tâm trở thành một nhà khoa học.

Tôi có may mắn khi được nhận vào ĐH Quốc gia Đài Loan mà không phải thông qua thi tuyển do thành tích học tập cấp III tốt. 

Tuy nhiên, vào ĐH thời gian đầu tôi loay hoay không biết học như thế nào mới trở thành một nhà khoa học giỏi, phải chăng chỉ là theo học xuất sắc tất cả các môn học trong chương trình là được? Trái lại, có người nói tôi muốn giỏi hóa phải học thêm vật lý như điện học, quang học... Có người bày tôi nên biết thêm về kinh tế, xã hội...

Về sau, tôi tin rằng tất cả những gì chúng ta theo đuổi trong thời gian ĐH đều có ích trong tương lai. Chẳng hạn, để hiểu thêm về chân không, tôi đã phải nghiên cứu về nghệ thuật thổi thủy tinh, nghe có vẻ không liên quan gì. Việc làm nhiều thứ cũng giúp tôi học được cách sử dụng thời gian hợp lý, kỹ năng quản trị hiệu quả cho tất cả công việc của mình.

Khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại ĐH California (Mỹ), tôi thật sự ngỡ ngàng bởi người hướng dẫn gần như chỉ hỏi tôi một câu duy nhất là: "Tiếp theo là gì?", hay "Anh sẽ làm gì tiếp theo?". Thế là, gần như mọi thắc mắc của tôi, tôi đều phải tự mình tìm hiểu và đưa ra câu trả lời. 

Tôi nhận ra khi bạn chắt chiu và làm đầy kiến thức của mình hằng ngày, những cái mới rồi sẽ liên tục xuất hiện. Và rồi, một khi vấn đề bạn phát hiện nằm ngoài hiểu biết của người hướng dẫn, khi đó bạn đã thành công.

Chiếc áo vest 25 năm

Chúng ta đều sống trên Trái đất, do đó mỗi bước đi của chúng ta đều để lại tác động đến môi trường theo một hướng nào đó. Nói cách khác, quá trình phát triển của xã hội và ảnh hưởng đến môi trường diễn ra song song. Để cân bằng, sự phát triển phải đi theo một hướng khác biệt - hướng "xanh" - ví dụ như đẩy mạnh vào sức mạnh của năng lượng mặt trời. 

Tôi rất tin vào nguồn năng lượng này sẽ là trụ cột trong tương lai bởi sự ổn định, dễ sử dụng và an toàn; bên cạnh đó, những giá trị của mặt trời cũng chưa được phát triển hết. Nghiên cứu theo những hướng "xanh" này chính là cách mà nhà khoa học có thể tạo ra được những bước tiến tích cực cho xã hội và tạo được sự cân bằng.

Với tôi, sự cân bằng còn được tạo nên bởi đức tính tiết kiệm. Khi mỗi người tự ý thức tiết kiệm cho bản thân, Trái đất sẽ ít bị tác động hơn, nhất là trong kỷ nguyên mà dân số con người không ngừng gia tăng. 

Chiếc áo vest tôi đang mặc đây tôi đã mua từ 25 năm trước khi còn ở Singapore, đi đâu tôi cũng mặc chiếc áo này. Nhiều người có thể cho rằng nó đã cũ rích, tuy nhiên tôi thấy vẫn còn mới và còn mượt lắm. Đó chính là những cách đơn giản mỗi người có thể làm vì môi trường.

Sẽ khó có thể có một Einstein nữa?

Hiện tại, nhiều quốc gia quy định mỗi nghiên cứu sinh hay các nhà khoa học nói chung phải đạt số lượng bao nhiêu báo cáo một năm. Tuy nhiên, thực chất đây không phải là quy định từ các GS như tôi, mà phụ thuộc vào những nhà cung cấp tài chính, có thể là chính phủ, cũng có thể từ doanh nghiệp. 

Bởi lẽ, đa phần nhà cung cấp tài chính không hiểu tường tận về quá trình nghiên cứu, do đó họ cần các con số cụ thể để lượng hóa tiến độ nghiên cứu làm cơ sở để tiếp tục rót vốn. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia không nhất thiết cần báo cáo, mà cho nhà nghiên cứu thoải mái với các công trình và sẽ có những cách đánh giá riêng.

Có một câu chuyện vui là vào dịp kỷ niệm Năm vật lý thế giới (2005), các nhà khoa học có hỏi liệu sau này thế giới sẽ có một Albert Einstein hay không? 

Hầu hết mọi người đều nói vui rằng sẽ không, vì đa số các nhà khoa học hiện tại dành nhiều thời gian để viết các đề án và báo cáo sao cho có thể gọi được vốn nghiên cứu, từ đó đề án và báo cáo ít nhiều sẽ phụ thuộc vào những nhà cung cấp vốn, làm cho những phát kiến vĩ đại như Einstein có thể sẽ hiếm gặp hơn.

Trở về với thiên nhiên

Trong buổi trò chuyện tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nhiều thông điệp GS Lee đưa ra làm người nghe trong hội trường hứng thú. GS đặt ra vấn đề nhận thức con người phải làm chủ được chính mình, nhất là khi còn trẻ.

Theo GS Lee, con người cần sự tự thức, không chỉ nên "vâng dạ", mà phải có tinh thần sáng tạo, tự phát triển để tìm ra năng lực của mình.

Ngoài ra, vấn đề phát triển bền vững cũng được GS Lee chú trọng. Hầu hết nhà khoa học khi đạt được chiều sâu của chuyên môn đều đi đến hướng tìm ra vấn đề chung của xã hội và muốn sống hòa hợp với thiên nhiên.

Với GS Lee, tư tưởng trở về thiên nhiên của ông có từ tuổi trẻ, từ những năm sống gian khổ. Trong suốt quá trình nghiên cứu sau này, ông luôn lo rằng khoa học công nghệ không khéo sẽ gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến tự nhiên. Và theo ông, không ai khác, chính con người sẽ là mấu chốt cho một sự phát triển vì môi trường.

GS Vương Thanh Sơn (ĐH British Columbia - Canada)

Nhà khoa học đoạt Nobel chế tạo khối phổ kế nhỏ nhất thế giới

TTO - Khối phổ kế nhỏ nhất thế giới do nhà khoa học giành giải Nobel năm 2002 chế tạo và được kỳ vọng giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu dược phẩm.

TRỌNG NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên