GS.TS Bùi Khánh Thế là người đã "đặt những viên gạch đầu tiên" cho việc thành lập khoa Đông phương học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM).
Làm giảng viên khi chưa lấy bằng đại học
Thông tin từ đại diện gia đình GS.TS Bùi Khánh Thế sáng 2-4, ông đã qua đời lúc 8h30 sáng 1-4, thượng thọ 88 tuổi.
Ông Bùi Khánh Thế sinh năm 1936, nguyên quán tỉnh Bình Định.
Từ những năm 1945-1951, Bùi Khánh Thế đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ quá trình hoạt động sôi nổi và lòng nhiệt thành cách mạng, ông được kết nạp Đảng năm 17 tuổi.
Từ năm 1951-1954, ông hoàn thành chương trình phổ thông ở Trường trung học Hòa Bình, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1954, ông thuộc diện học sinh được tập kết ra Bắc để tiếp tục được đào tạo, sau này trở về xây dựng quê hương.
Năm 1956, Bùi Khánh Thế nhận được lệnh tập trung ra Hà Nội để học lớp tiếng Nga. Trước khi thi tốt nghiệp lớp học tiếng Nga, ông được tạo điều kiện thi lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi mới lấy bằng tiếng Nga.
Sau khi tốt nghiệp lớp tiếng Nga năm 1958, Bùi Khánh Thế được phân công làm phiên dịch ở nhà máy Trung quy mô (Hà Nội) một thời gian ngắn, rồi được cử về Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để dạy tiếng Nga cho sinh viên, dù khi đó ông vẫn chưa có trong tay tấm bằng đại học.
Từ năm 1959, Bùi Khánh Thế là cán bộ thuộc biên chế khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội với nhiệm vụ chính là dạy Nga văn cho sinh viên trong trường.
Bên cạnh việc dạy tiếng Nga và làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô, Bùi Khánh Thế còn tranh thủ học tập như một sinh viên chính quy. 10 năm sau (năm 1968) với một quá trình tự học khá đặc biệt, ông mới tốt nghiệp đại học.
Ngay sau khi có bằng cử nhân, ông trở thành cán bộ giảng dạy chính thức của bộ môn ngôn ngữ học khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1975, đất nước thống nhất, Bùi Khánh Thế được cử vào tiếp quản các trường đại học ở miền Nam. Sau 6 tháng công tác ở Cần Thơ, ông được phân về công tác tại Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, phụ trách công tác sinh viên.
Năm 1977, ông được cử làm phó hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp TP.HCM.
Với vốn thực tế và vốn tiếng Nga sẵn có, năm 1979 ông tham gia vào đoàn nghiên cứu hỗn hợp các nhà khoa học Việt - Xô, mở ra một chương mới trong hợp tác nghiên cứu quốc tế về các ngôn ngữ ở Việt Nam.
Sau khi bảo vệ thành công bản luận án phó tiến sĩ, năm 1981 tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy Bùi Khánh Thế quay trở lại với công tác giảng dạy ngôn ngữ học ở Trường đại học Tổng hợp TP.HCM.
Giáo sư Bùi Khánh Thế - người thầy tận tâm với học trò
Thầy Bùi Khánh Thế cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thành lập khoa Đông phương học ở Trường đại học Tổng hợp TP.HCM vào năm 1994.
Ông được công nhận chức danh phó giáo sư năm 1984 và giáo sư năm 2004.
Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1995 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2000.
GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế còn là ủy viên hội đồng khoa học và đào tạo Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.
Nhiều thế hệ học trò của thầy Bùi Khánh Thế cho biết ông là người nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Ông thường tận tâm chỉ bảo cho học trò những gì khiếm khuyết và cổ vũ họ tinh thần say mê nghiên cứu khoa học.
GS.TS Bùi Khánh Thế được xem là một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý, ông còn thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Nhập môn ngôn ngữ học (NXB Giáo Dục, 1995), Từ điển Chăm - Việt (chủ biên, NXB Giáo Dục, 1995), Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2001), Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh (NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2011), Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2012)...
Các hướng nghiên cứu chính của ông là ngôn ngữ học tiếp xúc, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam.
Các công trình khoa học tiêu biểu của GS.TS Bùi Khánh Thế:
Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1995.
Từ điển Chăm - Việt (chủ biên), NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1995.
Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại, NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2001.
Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2011.
Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2012.
Thông tin lễ tang giáo sư Bùi Khánh Thế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận