Giáo sĩ Nimr al-Nimr trên bàn cờ Trung Đông

HỮU NGHỊ 21/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Vụ xử treo cổ rồi đóng đinh Sheikh Nimr al-Nimr của Chính phủ hoàng gia Saudi Arabia đem lại những dư chấn gì, tùy nơi góc nhìn của mỗi thủ đô.

Từ góc nhìn của Iran qua biếm họa từ văn phòng Giáo chủ tối cao Ali Khamenei thì vụ hành hình giáo sĩ al-Nimr khiến Saudi Arabia không khác gì ISIS -rt.com
Từ góc nhìn của Iran qua biếm họa từ văn phòng Giáo chủ tối cao Ali Khamenei thì vụ hành hình giáo sĩ al-Nimr khiến Saudi Arabia không khác gì ISIS -rt.com


Từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, thì đây là một thủ lĩnh khủng bố trong lớp vỏ đối lập. Hai ngày sau vụ thi hành án này, tờ Saudi Gazette (4-1-2016) của nước này chạy tít tái khẳng định rằng “Các bản án là công bằng và minh bạch, theo các học giả và luật sư”.

Tờ báo của Saudi Arabia này viết: “Việc xử tử 47 kẻ khủng bố tại 12 thành phố vào ngày thứ bảy đã được hoan nghênh rộng rãi bởi các học giả, các công dân, các thành viên Hội đồng tham vấn (Shoura), các luật sư, các tổ chức nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ. Các vụ hành quyết là phù hợp với giáo luật Shariah.

Các bản án đã được xem xét kỹ lưỡng bởi 13 thẩm phán qua ba tòa án”, Thượng Hội đồng nhân sĩ cho biết trong một tuyên bố, các thành viên của Shoura đã bày tỏ sự nhất trí trọn vẹn với các phán quyết. Phó chủ tịch Thượng Hội đồng nhân sĩ Muhammad Al-Jifri cho biết việc công bố các vụ hành quyết đã là bằng chứng đầy đủ về tính độc lập tư pháp của bộ máy tư pháp vốn dựa trên giáo luật Shariah.

Những kẻ khủng bố đã được quyền kháng cáo bản án đó qua 13 thẩm phán ở tòa án các cấp khác nhau” - ông này nói. Ông Muhammad Al-Jifri nhấn mạnh: “Phán quyết là một thông điệp tới toàn thế giới rằng hoàng gia sẽ không ngần ngại trong việc áp dụng các quy định của Đấng Allah, đồng thời sẽ không tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Bài báo này của tờ Saudi Gazette là đáp trả của chính quyền Riyadh đối với cáo buộc của chính quyền Tehran qua thông tấn xã IRNA của Iran hôm chủ nhật 3-1, theo đó “vụ hành quyết này giống kiểu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”, tức cũng theo “luật rừng” và man rợ.

“Bàn tay" của  Iran?

Rốt cuộc, người vừa bị xử tử hôm chủ nhật vừa qua cùng với 46 người khác đã là gì trong thực tế? Trên giấy tờ, báo chí, người này có tên là Nimr Baqr al-Nimr, sinh năm 1959 tại Al-Awamiyah, một tỉnh thuộc miền đông Saudi Arabia. Nhân vật này được gọi theo cấp chức trong Hồi giáo là Sheikh Nimr al-Nimr kể từ năm 2008 khi ông nhận chức này (tạm hiểu là đại giáo sĩ).

Theo báo cáo của tham tán chính trị sứ quán Mỹ tại Riyadh sau một cuộc gặp với ông này vào ngày 13-9-2008 được WikiLeaks “bật mí”, thì “nhân vật giáo sĩ đang gây tranh cãi này trong mấy tháng qua đã gây thêm chú ý bằng cách phát biểu mạnh mẽ khác trước, kêu gọi chấm dứt sự kỳ thị phái Hồi giáo Shiite tại Saudi Arabia, và qua việc hầu như hậu thuẫn các tham vọng hạt nhân cùng vai trò ngày càng chủ động hơn trong khu vực của Chính phủ Iran”.

Theo đánh giá của tham tán chính trị thì ảnh hưởng của Sheikh Nimr al-Nimr ngày càng lớn, đặc biệt nơi giới trẻ dòng Shiite, không hoặc chưa đi theo các tổ chức Islahiyyah hoặc Saudi Hizbollah, vốn là hai tổ chức hàng đầu của dòng Shiite tại Saudi Arabia, có xu hướng đấu tranh vũ trang.

Báo cáo lưu ý: “Lời nói (các giảng thuyết) của al-Nimr đã đem đến cho ông ta ngày càng nhiều sự nổi tiếng hơn”, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng “trong góc độ quốc tế và tình báo đã có những e sợ rằng các giảng thuyết của ông ta sẽ khởi động sự rối ren và có thể dẫn đến một bàn tay của Iran tại Saudi Arabia”.

Tại sao lại đề quyết rằng al-Nimr có thể là “một bàn tay” của Iran? Tham tán chính trị sứ quán Mỹ giải thích: al-Nimr đã từng theo học vấn Hồi giáo trong khoảng chục năm ở Tehran và vài năm ở Syria, từng là đệ tử của cố giáo chủ Ayatollah Mohammad al-Husseini al-Shirazi, nay đang theo phò đại giáo chủ Ayatollah Mohammad Taqi al-Modarresi của Iraq.

Trong cuộc gặp, al-Nimr đề cao hai đại giáo chủ này đã kết hợp sức mạnh tinh thần (của họ) với sức mạnh của kinh Quran khi định hướng cuộc sống công chúng. Theo phân tích của tham tán chính trị này, al-Nimr chủ trương một thể chế cầm quyền theo Hồi giáo nằm ở giữa thể chế “wilayet al-faqih” (một lãnh đạo tôn giáo một mình thống lĩnh) và thể chế “shura al-fuqaha” (một hội đồng giáo sĩ cùng lãnh đạo nhà nước), nghĩa là, theo al-Nimr, mọi chính sách sẽ được tham khảo nơi hội đồng giáo sĩ, song quyết định sẽ bởi lãnh đạo tối cao.

Nếu bức điện báo cáo được “bật mí” trên là thật thì có thể hiểu trong mắt Chính phủ Saudi Arabia, Sheikh Nimr al-Nimr là gì? Việc một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite có thần phục các đại giáo chủ dòng Shiite ở Iran là điều dễ hiểu: từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1789 cùng với uy tín lừng lẫy của đại giáo chủ Ayatollah Khomeini, dòng Shiite đã trở thành một “chủ nghĩa quốc tế” của cuối thế kỷ 20 và thế kỷ 21.

Nay đang thành hình một “chủ nghĩa quốc tế” cạnh tranh là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo dòng Sunni. Hai dòng này, một dòng (dòng Sunni) tự cho là đích truyền của Đấng tiên tri Muhammad, còn một dòng (Shiite) thì theo con rể Đấng tiên tri, đã, đang và sẽ còn kỵ nhau như nước với lửa.

IS không chỉ cạnh tranh với Nhà nước Iran mà cả với Saudi Arabia, một hoàng triều thế tục song tôn giáo chính là Hồi giáo Sunni, mà trong đó dòng Shiite của giáo sĩ Nimr al-Nimr được xem là thiểu số, tự cho là bị phân biệt đối xử nên tìm đến những người đồng đạo, đồng phái ở Iran.

Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran bị tấn công tối thứ bảy 2-1, sau vụ hành hình al-Nimr -Getty Images
Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran bị tấn công tối thứ bảy 2-1, sau vụ hành hình al-Nimr -Getty Images

 

Thủ lĩnh đối lập?

Ảnh hưởng của Hồi giáo “nhập thế” làm chính trị, nắm chính quyền kiểu Iran đó đã “chỉ đường” cho giáo sĩ Nimr al-Nimr. Từ tố cáo bất bình đẳng tôn giáo, ông chuyển qua kêu gọi bầu cử tự do ở Saudi Arabia.

Năm 2009, ông đã trở nên khét tiếng đến nỗi thông tấn xã Mỹ AP ngày 1-4-2009 đã thuật lại: Đe dọa ly khai của một giáo sĩ đã dẫn đến một vụ đàn áp thẳng tay của chính phủ tại một thị trấn nghèo khổ thiểu số theo dòng Shiite “đích truyền” ngày càng cứng đầu tại vương quốc theo dòng Sunni... Giáo sĩ Nimr al-Nimr dọa sẽ ly khai nếu như nhà chức trách Saudi không đối xử với người theo dòng Shiite tốt hơn.

Tín đồ phái này chiếm khoảng 10% dân số 22,6 triệu người của vương quốc này từ lâu đã phiền trách bị phân biệt đối xử, bị chặn không đến gần các chức vụ then chốt trong quân đội và chính phủ, và không được chia đều của cải của đất nước.

Giáo sĩ al-Nimr nói trong buổi cầu nguyện ngày thứ sáu tháng rồi: “Phẩm giá của chúng ta đã bị vứt bỏ. Nếu không được phục hồi, chúng ta sẽ đòi ly khai. Phẩm giá của chúng ta quý giá hơn sự thống nhất của vùng đất này”. Từ bài giảng “mồi lửa” đó, hơn 35 người đã bị bắt và al-Nimr thì chạy trốn.

Bị truy nã từ đó, mãi đến tháng 7-2012 al-Nimr mới bị cảnh sát bắt sau khi bắn vào chân trong vụ chạm súng sau một cuộc rượt đuổi bằng xe, kết thúc với việc xe của al-Nimr tông vào xe cảnh sát. Và đến ngày 15-10-2014, tòa tuyên tử hình Nimr al-Nimr vì tội “bất tuân nhà cầm quyền”, “kích động xung đột giáo phái” và “cổ vũ, cầm đầu cùng tham gia các cuộc biểu tình”.

Tất nhiên, những tội danh như trên không “dễ tiêu” bởi công luận. Tổ chức Ân xá quốc tế ngay sau khi phiên tòa kết thúc đã ra thông cáo đòi hủy và nhận định rằng “án tử hình này là một phần của một chiến dịch của nhà chức trách Saudi Arabia nhằm triệt hạ mọi đối kháng, kể cả những ai bảo vệ quyền của cộng đồng Hồi giáo Shiite ở vương quốc này”.

Sự đồng thuận hiếm hoi giữa Iran và Âu - Mỹ

Rõ ràng, Saudi Arabia đã gây khó cho Mỹ vốn đang muốn tiếp tục “tranh thủ” Iran trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, sau khi đã “tranh thủ” được một thỏa hiệp hạt nhân lịch sử với Iran. Nếu căng thẳng leo thang giữa Iran và Saudi Arabia, Mỹ vốn là đồng minh và nhà cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia sẽ “mắc kẹt”

Wall Street Journal

Sau vụ hành quyết, trong khi quần chúng xuống đường đốt sứ quán Saudi Arabia, thì Đại giáo chủ Ali Khamenei của Iran cảnh cáo “Chính phủ Saudi sẽ gặp phải “sự trả thù của thượng đếdo lẽ nhà lãnh đạo tôn giáo Nimr al-Nimr đã chẳng hề kêu gọi quần chúng cầm vũ khí cũng như đã chẳng hề âm mưu điều gì, và rằng điều duy nhất ông đã làm là những lời chỉ trích trước công chúng”.

Trong mắt của Iran, hình ảnh ông Nimr al-Nimr là hình ảnh của một giáo sĩ ôn hòa đấu tranh, khác với hình ảnh một kẻ chống đối bằng bạo lực mà Chính phủ Saudi đưa ra.

Không khó hiểu việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby kêu gọi Saudi Arabia tôn trọng nhân quyền và cho phép phản đối ôn hòa, hoặc việc đại diện cao cấp đặc trách đối ngoại của EU Federica Mogherini nói rằng trường hợp al-Nimr đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận và việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Một mẫu số chung hiếm hoi giữa Iran và Âu - Mỹ vốn cho tới nay vẫn thường nhận xét rằng ở Iran là thiếu tự do... Rõ ràng, Saudi Arabia đã gây khó cho Mỹ vốn đang muốn tiếp tục “tranh thủ” Iran trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, sau khi đã “tranh thủ” được một thỏa hiệp hạt nhân “lịch sử” với Iran.

Nếu căng thẳng leo thang giữa Iran và Saudi Arabia, Mỹ vốn là đồng minh và nhà cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia sẽ “mắc kẹt”, tờ Wall Street Journal đặt vấn đề. Tờ The Huffington Post 4-1-2016 nhắc lại việc Saudi Arabia hôm 15-12-2015 tuyên cáo thành lập liên minh ả Rập chống khủng bố IS, và gọi đó là một “tuyên ngôn độc lập của Saudi Arabia”.

Chắc hẳn đó là lý do khiến cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu rằng vụ hành quyết 47 người này đã làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng mà nước Mỹ cần đặt ra một cách trực tiếp với Chính phủ Saudi.

Trước mắt, đồng minh cố cựu của hoàng gia Saudi là láng giềng Bahrain thì một mặt cắt quan hệ ngoại giao với Iran, mặt kia đe dọa sẽ tiến hành mọi thủ tục truy tố bất cứ ai phê phán quyết định của Saudi. Một đồng minh khác là Sudan cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thì giảm số nhân viên ngoại giao của Iran ở UAE.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận