Giao là một cô gái trẻ, rất trẻ. Cô từ quê nhà Huế vào Sài Gòn học và đi làm nhân viên marketing của một doanh nghiệp loại vừa. Rồi Giao tham gia khóa học "Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế" - khóa học được nhượng quyền từ một tỉ phú Singapore về Việt Nam.
Giao cảm thấy bản thân và suy nghĩ của mình khác đi rất nhiều. Giao làm việc chăm chỉ hơn, ý thức về việc làm chủ công việc tốt hơn và tất nhiên, hiệu quả công việc của Giao là thứ mà nhiều người phải ngưỡng mộ. Cho đến một ngày, Giao quyết định thôi không đi làm nữa, về Huế và sống với giấc mơ của mình.
Tôi sẽ không bao giờ quên cái thời điểm đó, Giao chia tay người yêu và nhận ra đó là một "hồi chuông cảnh tỉnh" về cuộc sống của mình. Giao ngồi đó, trong ngôi nhà của tôi ở Hội An, mỉm cười có phần an yên và nghỉ việc. Không có một giọt nước mắt nào, không có một hờn trách nào, chỉ có một giấc mơ của Giao làm động lực để cô xách balô về quê.
Giao dạy viết thư pháp tiếng Việt hiện đại, và làm những thứ nhỏ xinh để bán trên mạng. Thỉnh thoảng, cô quay lại Sài Gòn, mở một lớp dạy học thư pháp của mình, và mỗi ngày chia sẻ những niềm vui giản đơn về cuộc sống quanh mình, cỏ cây, hoa lá hay những mảnh ghép nho nhỏ của cuộc sống.
Chúc mừng Giao, và thực lòng, rất tiếc nuối. Có một thứ cảm xúc, len lén gợn trên trong lòng, dù rất không muốn: "Đó có phải là sự ích kỷ đối với cuộc sống không? Bỏ hết mọi tài năng, trải nghiệm, kiến thức mà cả xã hội đã cùng nhau trau dồi để Giao đủ lông đủ cánh, rồi cô lại quay lưng với thế giới, úp mặt vào cái gối mềm của riêng mình?".
Oanh là một cô gái độc lập từ nhỏ, việc gì cô cũng thích tự làm, tự quyết định và không thích chen vào việc của người khác. Cô xinh đẹp, đáng yêu và tràn đầy năng lượng sống.
Oanh học giỏi, tiếng Anh rất siêu, đi làm được xếp vào vùng quy hoạch lãnh đạo của một hãng xe quốc tế. Một hôm, Oanh nói muốn đi một trại huấn luyện dài ngày ở Ba Lan. Nói là "muốn", là để giảm nhẹ mức độ của cô với gia đình, vì cô đã xong hết mọi thứ, chỉ thông báo và chờ đến ngày lên đường...
Oanh đi Ba Lan, rồi khắp châu Âu. Về Việt Nam, cô thấy mình vẫn còn sống một cuộc sống mờ nhạt, nên quyết định dọn sang Myanmar - một đất nước mà thậm chí cô còn chưa đến bao giờ, làm việc.
Oanh ở Myanmar, đảm nhiệm vị trí quản lý một hãng xe hơi của Đức, tất nhiên là thành công. Hành trang cuộc sống, hay là những chương sách cuộc đời của Oanh, có vẻ dày thêm những câu chuyện về quốc gia Phật giáo - mỏ vàng cuối cùng của thế giới.
Kết thúc chương sách về Myanmar, Oanh để dành tiền học một khóa trung hạn về chế tạo mỹ phẩm ở Úc. Rồi khi hoàn thành, cô về Việt Nam, mở "công ty một người", làm mọi thứ, và bán được rất nhiều những thỏi son đẹp đẽ có đến mấy màu trên một thỏi, đáp ứng trào lưu mới nhất của trang điểm là tô son nhiều màu, nhiều lớp. Cô vẫn xinh đẹp, vui vẻ và tràn đầy sức sống.
Oanh có phải là một người tự do - theo đúng cái ý nghĩa đặc biệt của khái niệm này - không?
Trung, 9X, tốt nghiệp thạc sĩ tài chính ở Anh, gia đình rất có điều kiện và vô cùng đam mê đầu tư tài chính. Vậy đó, Trung về nước, đi làm ở một vườn ươm khởi nghiệp. Làm như trâu bò - là cách diễn tả đúng nhất về độ cày bừa và dấn thân của Trung ở đơn vị mang hơi hướm nhà nước này.
Anh là người xây dựng ra Liên minh coworking space miền Trung, là người dựng trường đào tạo công nghệ blockchain, là người đứng sau thúc đẩy những món đặc sản địa phương tìm đường ra thế giới...
Lương thấp, Trung không có động lực leo lên cái thang chính quyền, nhưng anh chọn làm việc hết mình cho những thứ được giao. "Đủ tiền mua tự do mà, sao không đi theo con đường tài chính của mình đi?" - có lần tôi đã hỏi vậy, khi biết Trung vẫn còn nợ thành phố mấy năm hợp đồng đi học, mà chỉ cần vài trăm triệu là có thể kết thúc dễ dàng.
Trung cười: "Anh không thấy em đang chơi một cuộc chơi to hơn bản thân mình, tạo ra những tác động lớn hơn cho mọi thứ không? Em thấy mình đang tự do, mà quan trọng là em không có gấp gáp...". Ừ, yêu lấy công việc mình làm và đặt thành công của mình nằm trong thành công chung của tổ chức, có khi là một lựa chọn hay.
Nhưng mà Trung có điều kiện, muốn làm gì cũng được. Những ai không có điều kiện, sao mà sống với mức lương kém cạnh tranh như vậy?
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng - Gian khổ sẽ dành phần ai?
"Làm chủ bản thân" - cái từ khóa này có sức hút rất dữ dội với một thế hệ được sinh ra khi không còn đói nghèo, không phải quá lo lắng cái ăn, cái mặc, cái tích lũy phòng thân. Họ được truyền thông và các khóa học đưa vào đầu hình mẫu của những người làm chủ giấc mơ, làm chủ cuộc sống, tự do khám phá thế giới và làm tất cả những điều mình thích. Và họ tung hô đó là "con người tự do".
Đúng không vậy? Khi mà bắt đầu từ sự cơ bản nhất: con người là phải có sức khỏe, có sự "well-being" - mà dịch như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là sự "hoàn toàn sảng khoái" về cả ba khía cạnh: cơ thể, tâm thần và xã hội. Làm sao mà khỏe, làm sao mà tự do khi mà quanh ta, xã hội còn bao nhiêu là chuyện, bao nhiêu là niềm đau nỗi khổ cần chúng ta xắn tay áo vào "làm gì đó".
Đúng không vậy? Khi mà nghỉ việc, lên mạng, mở một cửa hàng online, bán đồ đủ mọi nguồn gốc, không đóng thuế, và dùng mọi kỹ thuật khác nhau để thu hút khách hàng, và gọi là đang "khởi nghiệp". Xứ mình thì nghèo, đầu tư cho giáo dục đã ít, vẫn phải ráng nuôi những người bỏ hết sự trông đợi để chỉ làm những việc mình thích, thì xứ mình sẽ đi về đâu?
Đúng không vậy? Khi mà những giấc mơ an yên, bỏ phố về rừng, sống chậm chỉ mang tính ngắn hạn? Khi mà phong trào tự khởi nghiệp "bể thì thôi, đi làm thuê lại" chính là việc xông vào phá hoại sự phát triển của thị trường bằng việc phá giá thị trường, bắt chước một mô hình đang có mà chẳng để tâm đến sở hữu trí tuệ hay sự phát triển chung chính là những "con sâu" đang bằng cách nào đó ăn vào sức mạnh của nền kinh tế?
Hình như, đó chỉ là những giấc mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ, có phần hoang dã, lạc lối khi thiếu đi cái nền tảng vữa chắc của văn hóa, của ý thức xã hội, của định nghĩa về niềm đam mê, sự dấn thân cũng như lẽ sống...
Trở thành con người tự do, là một đích đến đáng theo đuổi. Nhưng bao nhiêu người đã thực sự thấu hiểu cái đích đến này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận