15/12/2016 14:30 GMT+7

'4 cô động viên nhau trò sống cô sống, trò chết thì cô chết'

H.HIẾU - D.THANH - D.T.XUÂN
H.HIẾU - D.THANH - D.T.XUÂN

TTO - Bốn cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp đã dũng cảm chống chọi với cơn lũ dữ để cứu 13 cháu nhỏ còn mắc kẹt trong lớp học đang giao lưu, chia sẻ trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ.

4 co Suong - Hong Hang Hoa
(Từ trái qua) 4 cô giáo mầm non Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa trong buổi giao lưu - Ảnh: D.Thanh

Câu chuyện về các cô giáo Trường , huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã "thà chết chứ không để học trò chết", tìm mọi cách để giữ an toàn cho 13 cháu nhỏ còn kẹt trong lớp học khi nước lũ đã ồ ạt dâng lên ngập đầu sáng 13-12 đã khiến nhiều người xúc động. 

Hàng ngàn lượt bạn đọc đã bày tỏ sự cảm phục và gửi ý kiến trao đổi, chia sẻ với các cô trong buổi giao lưu trực tuyến. Chúng tôi xin trích một số câu trả lời của các cô. 

* Bạn Cao Thị Thanh Huyền viết "Thà cô chết chứ không để học trò chết", tôi đã rớt nước mắt khi đọc câu này. Xin hỏi động lực nào đã khiến cô quyết định như thế, khi mà phụ huynh các cháu thấy nước sâu đã không dám vào cứu?

- Cô Lê Thị Kim Hằng: Lúc đó phụ huynh không phải không dám vào cứu con, nhưng vì nước quá lớn, chảy xiết, nếu bơi vào thì rất nguy hiểm. Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều phụ huynh đến nhà chúng tôi khóc, nói họ cũng như lửa đốt, muốn vào cứu con mà lực bất tòng tâm.

Còn động lực nào mà cố cứu cháu ư? Lúc đó trong suy nghĩ chỉ là phải cứu cho được các cháu thôi, phải làm mọi cách. Mình mà lo cho mình thì các cháu nhỏ làm sao sống được. Bốn cô giáo chúng tôi động viên nhau là trò sống cô sống, trò chết thì cô cũng chết!

Cô Lê Thị Kim Hằng - Ảnh: D.Thanh

* Bạn Thanh Thi hỏi: "Xin hỏi cô Hồng, giả sử nếu gặp lại tình huống bị lũ bao vây tứ bề như vậy, cô xử trí thế nào?"

- Cô Thái Thị Tuyết Hồng: Bây giờ nếu thấy mưa lớn, có nguy cơ xảy ra lũ quét thì chúng tôi chủ động hơn, sẽ gọi ngay cho phụ huynh đón mấy cháu. Nếu phụ huynh chưa đến kịp thì cô trò sẽ dắt nhau đi sơ tán sớm lên vùng cao, chứ không dám ở lại trường nữa.

Tình hình mưa lũ bây giờ bất ngờ quá, chúng tôi không nghĩ lũ lớn quá nhanh như thế đâu. Nhưng đã gặp một lần thì tương lai có thể xảy ra nhiều lần lũ như thế nữa.

Cô Thái Thị Tuyết Hồng - Ảnh: D.Thanh

* Bạn Mai Thắng viết: "Thân gửi cô giáo Thu Sương. Đọc báo tôi xúc động quá. Hiện tại có rất nhiều cô hiệu trưởng ở thành phố chỉ muốn lên chức quyền để hòng nhận phong bì. Xin hỏi ở trường cô có chuyện đó không? cô cứu các em học sinh đã là một việc nghĩa lớn, xin cô chia sẻ về tình yêu của cô dành cho các em trong đời sống hàng ngày như thế nào?"

- Cô Võ Thị Thu Sương: Tôi ở trong ngành đã 30 năm, làm hiệu trưởng mầm non từ năm 1997 nhưng mới luân chuyển về làm hiệu trưởng Trường mầm non xã An Hiệp từ đầu năm nay.

Tôi không biết ở trường nào hiệu trưởng nhận phong bì, nhưng với tôi mấy chục năm nay chỉ luôn tâm niệm “yêu nghề, mến trẻ”, không mảy may suy nghĩ chuyện phong bì, phong bao. Ở đây phụ huynh nghèo khó, ai mà đưa phong bì cho mình (cười).

Tình yêu của các cô đối với cháu như mẹ đối với con, bà với cháu. Tôi ở nhà ít hơn ở trường. Cháu của người ta mà mình thương hơn con mình, vì mình gắn bó với bọn trẻ cả ngày mà. Không chỉ tôi, tất cả các cô giáo trường này đều yêu thương trẻ hết mức.

* Bạn Nguyễn Khương hỏi: "Thời điểm đó các cô có nghĩ điều xấu nhất xảy ra không? Nếu không có các thanh niên bơi vào ứng cứu kịp thời thì các cô sẽ làm gì?"

- Cô Võ Thị Thu Sương: Vào thời điểm nước dâng ngập người thì chỉ mình tôi còn điện thoại, vì móc cái túi lên cao. Tôi gọi tứ tung, đụng số nào cũng gọi kêu cứu. Sau đến mức tay tê lạnh, không còn bấm số được luôn.

 Cô Võ Thị Thu Sương - Ảnh: D.Thanh

Chồng tôi nhận được điện thoại rồi chạy lên đứng trên đường nhìn vào bất lực. Mãi hai tiếng đồng hồ sau, may mắn có một nam giáo viên Trường THCS An Hiệp và bốn thanh niên địa phương, dũng cảm bơi vượt dòng lũ xoáy vào trường.

Có người vào mình lên tinh thần, mừng rơi nước mắt nghẹn ngào. Nhưng lúc đó tụi tôi cũng không biết đưa các cháu ra bằng cách nào.

Đầu tiên, các thanh niên giúp đỡ đưa các cháu lên tủ cao. Tiếp đó, một thanh niên tháo mái che của cầu trượt, đưa 8 cháu ra đợt đầu. Chúng tôi chờ đợi rất lâu, vì sợ đưa các cháu đi có việc gì không. Rất lâu sau đó các thanh niên mới quay lại, đưa 7 cháu còn lại ra.

Tiếp đó, lượt thứ ba thì đưa cô Sương, cô Hòa, cô Hồng. Còn cô Hằng thì đu sợi dây mà lực lượng cứu hộ giăng ra, tự lần lên đường. Chúng tôi rất cám ơn những thanh niên dũng cảm đã cứu cô trò chúng tôi.

* Bạn Đinh Nhật Minh viết: Cô Hằng theo nghề được bao lâu rồi ạ? Cô đã nghĩ gì vào lúc lũ ập đến, cô có sợ không? Sau khi nước rút, cô có thấy sợ vì nếu chẳng may có chuyện gì thì sao? Gia đình có trách gì cô không?

- Cô Lê Thị Kim Hằng: Tôi theo nghề dạy trẻ mầm non đã 23 năm. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là làm sao cứu cho bằng được, không để cháu nào có mệnh hệ gì. Tôi chỉ nghĩ là nếu cháu mà chết thì cô cũng chết.

Thời điểm đó, ở nhà tôi chỉ còn một đứa cháu nhỏ 1 tuổi rưỡi, con của đứa em út đi làm ở Sài Gòn, gởi ở quê và tôi nuôi nấng.

Lúc ấy trời mưa rất lớn, con bé cháu đang ngủ trưa, tôi vội chạy tới trường để đưa các học trò về nhà mình vì nghĩ là trường ở vùng trũng thấp, dễ ngập lụt, còn nhà tôi có gác lửng. Tôi và cô Hồng chủ nhiệm lớp mà. Nhưng nước lớn nhanh quá, không ra khỏi lớp, trường được.

May là chồng tôi về nhà kịp thời, ôm đứa bé chạy lên gác khi nó đang lóp ngóp trong nước lũ đã vô ngập nhà rồi. Lũ làm hư hỏng nhà tôi, đến giờ còn không có đồ mặc, phải mượn tạm đồ hàng xóm mặc (cười). 

Lúc đó tôi về nhà, chồng tôi nói sao đi không điện thoại gì hết. Chồng tôi không biết là tôi bị kẹt ở trường, điện thoại rơi dưới nước hỏng rồi. Khi biết chuyện, anh ấy khóc, khuyên tôi bình tĩnh lại, vì mọi việc đều đã tốt rồi.

* Bạn Ngô Trung đặt câu hỏi: "Xin hỏi các cô trong thời điểm ấy, các cô có sợ không? Nhất là cảnh có cháu rớt xuống nước, tôi đọc mà rùng cả mình và cảm phục các cô quá. Nhỡ không cứu được cháu bé thì sao nhỉ?"

- Cô Nguyễn Thị Hòa: Lúc đó, chúng tôi đều sợ nhưng sợ nhất là lo các cháu rơi xuống nước. Khi có một cháu rơi xuống nước.

Lúc đầu tôi không thấy cháu rớt vì đang bận lo một cháu khác. Khi tôi nhìn lại thì thấy một chiếc áo nên cứ tưởng quần áo rơi, nên quay lại lấy. Khi nhảy xuống tôi mới biết mới thấy một cháu nên tôi la lớn: Còn một cháu rơi cô Hồng ơi.

Tôi ngụp xuống rồi đưa cháu lên nóc tủ. Đó là cháu Trương Đỗ Khánh Thương, 5 tuổi. Cũng rất may cháu vừa rơi chưa bị sặc nước, chỉ bị lạnh vì run. Cô Hằng trên nóc tủ ôm cháu trong người để ủ ấm.

Cô Nguyễn Thị Hòa - Ảnh: D.Thanh

* Bạn Đức Trong chia sẻ: "Các cô có vui không khi thủ tướng khen... Cá nhân tôi thì tôi không thích được khen mà chỉ mong Thủ tướng hành động, đừng để xảy ra những tình huống nguy hiểm như thế này trong tương lai. Ngay thời điểm này các cô mong muốn điều gì nhất?

- Cô Võ Thị Thu Sương: Nghe tin Thủ tướng gởi thư khen, chúng tôi rất vui, cảm thấy hạnh phúc vì Thủ tướng trăm công ngàn việc nhưng vẫn quan tâm đến một ngôi trường nhỏ dưới quê nhưthế này.

Chúng tôi chỉ mong muốn là Nhà nước sớm đầu tư để xây ngôi trường mới vì chúng tôi đã tìm được quỹ đất rồi, nhưng không có kinh phí. Ngôi trường này xây dựng đã hơn 10 năm, nhưng trường ở vị trí quá thấp, hàng năm hay ngập lụt.

Cứ có lũ thì thường là nước ngập hơn nửa mét, chỉ lần này nước ngập rất nhanh, quá cao. Chúng tôi lo lắng sắp tới gặp những trận lũ quét thế này thì không biết là có may mắn như vừa rồi hay không.

 

Các cô giáo tham gia buổi giao lưu với bạn đọc tại trường
Các cô giáo tham gia buổi giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ từ Trường mẫu giáo An Hiệp - Ảnh: D.T.X

Như đã thông tin, sáng 13-12, nước lũ đột ngột lên nhanh ở khu vực huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 13 học sinh ở Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An không có phụ huynh đến đón đã bị kẹt tại lớp học, trong khi nước mỗi lúc dâng nhanh.

Bốn cô giáo của trường đã dũng cảm, lội nước tìm cách kê kích để đưa các cháu lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai, lặn ngụp dưới nước để vớt khi có em bị rớt xuống nước...

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định trao giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” cho 4 cô giáo.

1. Cô Võ Thị Thu Sương - hiệu trưởng, 49 tuổi

2. Cô Nguyễn Thị Hòa - hiệu phó, 47 tuổi

3. Cô Thái Thị Tuyết Hồng - giáo viên, 42 tuổi

4. Cô Lê Thị Kim Hằng - giáo viên, 44 tuổi

Xúc động với nghĩa cử cao đẹp của 4 cô giáo, Công ty TNHH Duy Lợi trao tặng thêm 40 triệu đồng (mỗi cô 10 triệu đồng ngoài số tiền Giải thưởng "Bạn đồng hành quanh tôi" của báo Tuổi Trẻ trao 7 triệu đồng).

Về trang thiết bị dạy và học tập cho trường, Trường THPT Việt Nhật sẽ tặng 4 bộ máy tính, 1 tivi trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bạn đọc báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ một số trang thiết bị, dụng cụ học tập cho trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thay mặt Chính phủ viết thư bày tỏ sự cảm động và biểu dương các cô. 

H.HIẾU - D.THANH - D.T.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên