16/08/2015 18:16 GMT+7

16g30 ngày 17-8: trực tuyến với các nhà khoa học vũ trụ

H.NHUNG
H.NHUNG

TTO - Buổi giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Thiết lập bản đồ vũ trụ và lịch sử của nó” bắt đầu từ 16g30 ngày 17-8 trên tuoitre.vn.

Các nhà khoa học tham gia giao lưu (từ trái sang): TS Nguyễn Trọng Hiền, GS George Fitzgerald Smoot và PGS.TS Phan Bảo Ngọc

Trong khuôn khổ hội nghị quốc tế “50 năm sau khám phá bức xạ nền vũ trụ”, báo Tuổi Trẻ, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Tỉnh đoàn Bình Định sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Thiết lập bản đồ vũ trụ và lịch sử của nó” vào lúc 16g30 ngày 17-8 tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Quy Nhơn, Bình Định).

Chương trình sẽ có sự tham gia của GS George Fitzgerald Smoot - nhà bác học người Mỹ đoạt giải Nobel vật lý 2006, TS Nguyễn Trọng Hiền - chuyên gia tại Cơ quan Không gian và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và PGS.TS Phan Bảo Ngọc - trưởng bộ môn vật lý Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), người có công trong việc mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu quá trình hình thành sao lùn nâu.

GS George Smoot là giảng viên môn vật lý tại ĐH California, Berkeley, nhà khoa học cao cấp tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley. Ông cũng là giáo sư vật lý tại ĐH Paris Diderot, Pháp từ năm 2010.

Ông đoạt giải Nobel vật lý năm 2006 cùng với nhà vật lý John C. Mather trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ, dẫn đến sự khám phá bức xạ nền có tính chất của vật đen và bất đẳng hướng.

Công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của GS George Smoot đã hỗ trợ thuyết “Vụ nổ lớn” (Big Bang) thông qua việc sử dụng vệ tinh COBE để nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Ngoài giải Nobel năm 2006, GS George Smoot còn được trao tặng Huân chương Einstein năm 2003 và Huân chương Oersted năm 2009.

PGS.TS Phan Bảo Ngọc đang giảng dạy tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM). Năm 2008, Phan Bảo Ngọc và cộng sự đã gây chấn động giới thiên văn quốc tế với công bố đã quan sát được hiện tượng giải phóng phân tử carbon oxide (CO) từ một sao lùn nâu có tên ISO-Oph 102 bằng kính thiên văn radio. Phát hiện này mở ra một hướng mới cho việc nghiên cứu quá trình hình thành sao lùn nâu.

Trước đó, vào năm 2001, cũng chính ông đã tìm ra phương pháp “Chuyển động riêng rút gọn cực đại”, mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm các sao lùn. Với phương pháp này, ông và các cộng sự đã khám phá thêm 80% số lượng sao lùn nâu.

Năm 2007, PGS.TS Phan Bảo Ngọc đã được giải thưởng danh tiếng Henri Chrétien do Hội Thiên văn Mỹ trao tặng, đây là giải thưởng GS Trịnh Xuân Thuận đã nhận năm 1992.

TS Nguyễn Trọng Hiền hiện là giám sát viên nhóm Thiết bị thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban vật lý thiên văn, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực NASA. TS Hiền nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Nam cực; nghiên cứu về cấu trúc vũ trụ thời kỳ sơ khai, về những vật thể ở giai đoạn vũ trụ hình thành.

Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam cực, tại vĩ độ 90 độ Nam, vào cuối tháng 10-1992.

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc để đặt câu hỏi giao lưu với các nhà khoa học (vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).

H.NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên