Các công nhân trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Mai Vinh |
Những ngày qua, người dân cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến sự an toàn, tính mạng của 12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Thông qua Tuổi Trẻ Online, hàng chục nghìn lời chia sẻ, động viên, lời cầu nguyện đã được gửi đến các công nhân trong suốt 82 giờ sinh tử.
Và tất cả cùng vỡ òa niềm vui khi các công nhân được giải cứu chiều 19-12. Rất nhiều bạn đọc cho biết họ đã đón nhận tin vui đến với các công nhân như đón nhận thông tin từ chính những người thân của mình.
Hôm nay, sau khi đã được điều trị, chăm sóc, các công nhân, bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng nhận lời giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ Online.
Đây là cuộc giao lưu với các nạn nhân theo các bác sĩ là hiện sức khỏe đã ổn định.
Ngay cả chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nạn nhân có sức khỏe kém nhất cũng đã hồi phục, đã có thể trò chuyện tốt.
Cuộc giao lưu được thực hiện ngay tại phòng bệnh của chị Ngọc, các nạn nhân khác cũng được mời đến căn phòng này để giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ.
Bên cạnh các công nhân, Ths. Hồ Trường Bảo Long, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng người đã tham gia cấp cứu cho các công nhân khi được giải cứu và hiện đang điều trị cho các nạn nhân, cũng tham gia giao lưu với bạn đọc.
Các công nhân theo dõi thông tin về vụ sập hầm trên báo Tuổi Trẻ ngày - Ảnh: Mai Vinh |
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Chúc mừng các anh, chị! Tôi rất muốn biết tình hình sức khỏe các anh chị (tình hình chung thôi ạ), vì thật lòng là tôi và mọi người trong gia đình rất quan tâm, không biết là sau nhiều ngày bị mắc kẹt dưới hầm như vậy sức khỏe các anh chị ra sao, có ai bị gì nghiêm trọng không. Một lần nữa xin chúc mừng các anh chị! (Ngọc Minh, Trà Vinh)
Công nhân Hoàng Ánh Văn: Sức khỏe của tôi tạm ổn. Thỉnh thoảng tôi đi qua lại các phòng bệnh của họ cũng khỏe dần. Tôi rất mừng.
Xin cám ơn bạn đọc Tuổi Trẻ đã quan tâm rất nhiều đến chúng tôi.
* Chúc mừng chị Ngọc và các anh công nhân! Em “nể” chị đấy, là nữ mà theo công việc gian nan này. Xin hỏi vì sao chị chọn theo nghề này? Hẳn là chị gặp nhiều khó khăn. Vậy chị vượt qua như thế nào? Chị có được “ưu tiên” trong công việc không? Sau sự cố này, chị có còn dám theo nghề này không? Cảm ơn và chúc sức khỏe chị! (Mai Thị Hoa, 21 tuổi)
- Chị Đặng Thị Hồng Ngọc: Cảm ơn bạn. Mình đã khỏe lên nhiều, ăn cháo được rồi, trò chuyện tốt rồi, đã tự đi lại trong phòng được rồi.
Đây chỉ là nghề tạm thời, mình mới vào trong hầm làm được 2-3 hôm, dọn vệ sinh trong khu vực thi công thôi.
Công việc cũng bình thường, là nữ thì cũng được ưu tiên. Nhiều lúc công việc vất vả anh em cũng làm hộ, mình làm không kịp thì mọi người lại giúp đỡ
Sau sự cố này, mình sợ lắm! Trước nay cũng làm nghề uốn thép này, nhưng không làm trong hầm, chỉ làm bên ngoài thôi.
Hết bệnh mình về thăm con cùng gia đình ở Nghệ An, rồi ăn Tết, tìm việc khác.
Đặng Thị Hồng Ngọc gửi lời chào đến bạn đọc Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Mai Vinh |
Cái tên Hồng Ngọc - người phụ nữ duy nhất bị kẹt trong hầm cùng với 11 nam công nhân, bây giờ nghe rất đỗi thân thương với người dân Việt Nam. Tên tuổi và hình ảnh chị cứ ám ảnh trong chúng tôi suốt thời gian qua... Chị là người phụ nữ rất can đảm, rất xinh đẹp trong lòng chúng tôi... Xin chúc chị cùng 11 anh em mau chóng khỏe mạnh và trở về trong vòng tay thương yêu của gia đình, của xã hội. Nguyễn Ái Giao, 47 tuổi, nguyenaigiao@..) |
* Các anh chị có thể kể lại sự cố tai nạn mà anh chứng kiến? Mọi người ăn ngủ thế nào sau khi xảy ra sự cố? (Thanh Mai (maithanhmai@...).
- Anh Phạm Viết Nam: Bọn tôi đi làm được 20 phút thì nghe có tiếng sập phía sau lưng, cách khoảng 15-20m. Quay lại thì mất điện. Mọi người làm gần tôi la lên "Sập hầm rồi!". Tôi còn không tin. Nhưng trong đó tối om như mực.
Tôi bật điện thoại lên thì thấy sập hầm thật. Lúc đó chỉ còn biết ngồi chờ, mong bên ngoài cứu mình. Ai cũng hoang mang.
Sau đó nhiều giờ thì thấy có tiếng máy khoan thông vào, có tiếng hỏi từ bên ngoài. Chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi la lên "Chúng tôi trong này an toàn, mong bên ngoài cứu hộ sớm!"
Những ngày sau thì sự mừng của anh em càng ngày càng ít đi, lo lắng tuyệt vọng tăng lên vì bên ngoài cứ nói là sắp sửa cứu được rồi, nhưng nước càng ngày càng cao.
Ngày thứ ba thì anh em phải leo lên xe bơm bê tông mà chen chúc nhau ngồi. Lúc đó nước lên cao lắm, ai cũng ướt và lạnh. Tới ngày thứ tư thì tuyệt vọng lắm.
* Các anh chị có thể kể rõ hơn về việc ăn ngủ của mình trong hầm tối những ngày kinh khủng vừa qua hay không? (Thanh Mai (maithanhmai@...)
- Anh Hoàng Đình Thịnh: Ăn uống đều ngồi một chỗ. Ngủ ngay trên xe. Có một giá sắt trên xe dùng để bơm bê tông, cứ 5-6 người thay phiên nhau ngồi ôm nhau cho ấm, ngủ ngồi, ngủ gục như thế mà thôi.
* Ở trong hầm lạnh run, đói và không có ánh sáng, các anh chị có biết ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng gửi tâm thư và có đọc được không? (Nguyễn Công… @)
- Anh Phạm Viết Nam: Tôi là người trực tiếp kéo lá thư xuống. Lúc đó, nước từ nóc hầm thấm xuống liên tục, thư ướt hết không đọc được ngay. Tôi bỏ vào bao cho khô rồi mới lôi ra đọc cho mọi người cùng nghe nhờ ánh sáng của điện thoại.
Ở ngoài có đưa vô cho chúng tôi một tờ giấy và cây viết nhưng không thể viết trả lời vì nước lúc đó đã dâng cao ngang bụng, giấy ướt hết.
* Mọi người có sợ chết hay không? Làm sao để thoát khỏi nỗi sợ này? (Kim Ánh, 25 tuổi, anhkim@...)
- Anh Hoàng Đình Thịnh: Tôi bị hen, khó thở, cũng có lúc sợ chết vì lo bên ngoài cứu không kịp. Nhưng trong lòng thì vẫn có niềm tin là mình được cứu ra.
- Anh Hoàng Ánh Văn: Lúc đầu thì cũng sợ, nhưng sau khi có ống thông liên lạc với bên ngoài thì hi vọng là có phương án đưa ra.
Lắm lúc anh em bên ngoài hứa chiều, rồi hứa mai ra, anh em bên trong thì không biết làm gì, có lúc nước lên cao thì sợ lắm.
* Cảm giác của các anh chị nhiều ngày không thấy mặt trời như thế nào? Tối thế thì các anh chị đi lại ra sao? (Tuyết Ngân Vũ, vuchi@...)
- Anh Phạm Viết Nam: Từ nơi tôi ngồi trên xe phun bê tông đến nơi có ống thông là khoảng 50m. Trong hầm tối om, kể cả khi người ta thông các ống vào thì cũng không thấy ánh sáng được.
Anh em có 4-5 cái điện thoại bèn bảo nhau là chỉ mở một cái, các cái còn lại tắt, để dành pinlàm đèn chiếu sáng để đi lại trong hầm.
Khi nước lên cao rồi thì phải bơi đi lấy thức ăn, nước uống và trao đổi với bên ngoài. Trong đó có mấy người yếu hơn như Ngọc, Thịnh thì không cho xuống nước
Nữ công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Mai Vinh |
* Các anh/chị có thể kể về tình người, tình đồng nghiệp trong tình cảnh phải sống trong hầm tối, mỏng manh giữa sự sống và cái chết như vậy. Các anh/chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ? Chúc các anh chị mạnh khỏe để trở về với cuộc sống đời thường. (MINH TÂN, 56 tuổi, ngocsn328@...)
- Anh Phạm Viết Nam: Nhiều lúc anh em tuyệt vọng, nhất là khi thời gian kéo dài, anh em rét mướt, nhiều lúc kêu cứu tuyệt vọng trong hầm, la lối, nhưng rồi phải tự động viên nhau để vượt qua.
- Chị Đặng Thị Hồng Ngọc: Khi bị nạn, tôi mặc hai áo trong người và một áo mưa bên ngoài. Tôi được ưu tiên ngồi một chỗ, không phải đi lại.
Nên mỗi khi anh em lội, bơi đi lấy thức ăn về hay liên lạc với bên ngoài, thì tôi lại đưa cái áo của mình đang mặc cho họ ủ ấm. Nhờ vậy anh em cũng đỡ lạnh.
Mọi người nhường áo để ủ ấm cho tôi, nhường chỗ để tôi có thể nằm nghỉ trong chốc lát, các anh em còn nhường phần thức ăn và nước ấm cho tôi, khi tôi rét quá, các anh ôm tôi để giúp ủ ấm cơ thể.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả những đồng nghiệp, những người đã giúp đỡ chúng tôi, những mạnh thường quân. |
Công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc |
Chị Đặng Thị Hồng Ngọc ngồi dậy cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc - Ảnh: Mai Vinh |
Phỏng vấn công nhân |
Bác sĩ Hồ Trường Bảo Long trả lời bạn đọc |
* Cho mình hỏi là điều gì đã giúp các bạn trải qua và vượt qua hơn 82 giờ kinh khủng đó? (Đức Trọng, 25 tuổi, dt.inphoto@...)
- Anh Hoàng Ánh Văn: Chúng tôi có niềm tin là được cứu. Qua thông tin nhận được từ ống liên lạc, chúng tôi được biết cả trung ương, cả nước, nhiều lực lượng tham gia để tìm các phương án cứu chúng tôi.
Thay mặt 12 người bị nạn, chúng tôi xin gởi lời cám ơn sâu sắc đến tất cả mọi người.
* Khi nước được rút ra ngoài, các anh chị có đi lại trong hầm không? Các anh chị đã động viên nhau như thế nào để vượt qua nỗi sợ? (Hoc viet Hung, 32 tuổi, hungnguyencdsp@...)
- Chị Đặng Thị Hồng Ngọc: Nước hút ra rất ít, trong hầmkhông cạn. Nước luôn ở ngang ngực. Trong hầm tối rất khó đi lại.
Chúng tôi có điện thoại nhưng không gọi được ra ngoài vì không có sóng. Chúng tôi chỉ thay nhau dùng điện thoại để soi sáng. 12 người chỉ có 5 chiếc điện thoại. Người này dùng thì người kia phải tắt nguồn để tiết kiệm.
* Sau vụ tai nạn này, các anh chị có đề xuất gì, ý kiến gì với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công để đảm bảo an toàn cho công nhân khi thi công những công trình có mức độ nguy hiểm, rủi ro cao như thế này? (dungvan69@...)
- Anh Phạm Viết Nam: Tôi kiến nghị nhà thầu trang bị đủ trang thiết bị, kiểm tra kỹ độ an toàn nơi thi công để tránh xảy ra những vụ tai nạn lao động khủng khiếp như vậy.
Nói thật chứ những ngày trong đó nghĩ là 99% là mình "ra đi" rồi. Thà là mình chết nhanh không nói, đây thì càng ngày nước càng dâng cao, người cứ phải lùi dần, rất kinh khủng
- Anh Hoàng Ánh Văn: Không chỉ riêng công trình này, mà mong mọi công trình, chủ đầu tư và nhà thầu cần đảm bảo việc an toàn lao động cho công nhân.
Đại diện Báo Tuổi Trẻ tặng hoa công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc - Ảnh: Mai Vinh |
* Xin hỏi chị Hồng Ngọc: Chồng chị có kịp vào đây để chăm sóc cho chị không?Chúc chị sau tai nạn này cuộc sống sẽ luôn bình an, hạnh phúc! (Phan Văn Trung, vantrung010105@...)
- Chị Đặng Thị Hồng Ngọc: Chồng em hiện đang ở đây. Mấy ngày qua anh ấy rất lo lắng và quan tâm em nhiều. Trong lúc bị kẹt trong hầm tối, chồng em là người trao đổi với chúng em nhiều nhất thông qua ống thông hơi.
Em có 1 bé trai 4 tuổi đang gửi ở nhà ông bà nội. Bố chồng bị bệnh tiểu đường, mẹ bị huyết áp và khớp nên đi lại khó khăn.
Hoàn cảnh cũng vất vả nên mới phải gửi con để đi xa kiếm sống. Sau vụ việc này, em sẽ về quê để tịnh dưỡng ổn định lại sức khoẻ sau đó sẽ đi làm lại.
Em vẫn tiếp tục làm việc ở Công ty Sông Đà nhưng sẽ không làm việc trong hầm nữa.
Tôi sinh ra ở Nghệ An, sau khi học lớp 4 tôi rời quê hương vào miền nam sinh sống. Nghe tin vụ sập hầm ở Lâm Đồng, tôi luôn theo dõi từng giờ và mong điều kỳ diệu sẽ đến với 12 công nhân. Trong số này tôi thán phục nhất là cô Ngọc - người phụ nữ duy nhất và cũng là đồng hương của tôi. Cho tôi được gửi lời hỏi thăm tới cô ấy. Tôi cũng mong muốn được nhận con của cô ấy làm con nuôi vì đã có người mẹ phi thường như vậy… Doan Chi Thai, 29 tuổi (Chi_thai28@..) |
* Khi các nạn nhân được đưa ra ngoài, công tác cấp cứu các nạn nhân được thực hiện như thế nào triển khai như thế nào? (Vinh Nguyen, nguyenvinh@...)
- Ths - bác sỹ Hồ Trường Bảo Long: Đầu giờ chiều, theo dự kiến của lực lượng cứu hộ thông báo với chúng tôi thì 1g sáng nạn nhân có thể mới được đưa ra.
Lãnh đạo đưa ra phương án là tổ chức diễn tập (vào lúc 2 giờ chiều) để chuẩn bị.
Khi diễn tập xong, vừa về lán để chuẩn bị vật dụng thì bất ngờ vào 4g30 mọi người ầm ập khiêng nạn nhân vào lán nhưng chúng tôi không bị bất ngờ.
Ngay lập tức lúc đó cứ 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng đến kiểm tra sức khoẻ và ủ ấm cho 1 bệnh nhân.
Chỉ có bệnh nhân nữ là khó lấy ven nên phải lưu lại lán trại cấp cứu để các bác sĩ ổn định tuần hoàn hô hấp.
Khi thể trạng bệnh nhân tương đối ổn định thì lấy ven truyền dịch tại hiện trường, đồng thời đưa lên xe cấp cứu chuyển về bệnh viện tiếp tục theo dõi.
* Thưa bác sĩ Hồ Trường Bảo Long: Ngay khi đưa bệnh nhân lên lán cấp cứu, tại hiện trường và tại bệnh viện có bao nhiêu bác sĩ, cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe nạn nhân? (Nguyen Vu (vuabc@...)
- Ths. bác sĩ Hồ Trường Bảo Long: Tại hiện trường có 3 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, còn về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thì có ban lãnh đạo bệnh viện lúc nào cũng túc trực và 12 bác sĩ, 12 điều đưỡng được phân công rõ ràng nhiệm vụ để sẵn sàng ứng cứu khi đưa các bệnh nhân ra.
Còn tại bệnh viện, ngay từ đầu ngày 19-12, ban lãnh đạo đã chuẩn bị sẵn ở Khoa Nội tổng hợp một khu riêng biệt hợp lý dành để chăm sóc các anh em nạn nhân.
Chúng tôi chuẩn bị đủ hết các nhân lực và vật lực: bác sĩ, điều dưỡng trong khoa trực cả ngày từ sáng đến đêm.
Bác sĩ trưởng khoa cũng chuẩn bị sẵn các dụng cụ thuốc men: máy chiếu đèn hồng ngoại, quạt sưởi, chăn màn cho 12 giường; thuốc thì để sẵn ra hành lang, trước các cửa phòng bệnh để cấp cứu nhanh các bệnh nhân.
Khi các bệnh nhân lần lượt đưa về thì không có bất ngờ, bối rối gì cả. Nhờ vậy họ hồi phục sức khỏe nhanh.
* Xin bác sĩ Long cho biết hiện sức khỏe 12 nạn nhân thế nào? Ngoài chăm sóc y tế thì còn chăm sóc về tâm lý ra sao? (duynguyen@...)
- Ths. bác sĩ Hồ Trường Bảo Long: Hiện tại, tất cả 12 bệnh nhân khỏe nhiều so với trước. Khoa đã thực hiện nhiều giải pháp y tế kỹ lưỡng, chăm sóc. Nhờ vậy phát hiện thêm một số bệnh khác như anh Nam bị suy tim, viêm phế quản, Thịnh bị hen suyễn...
Tuy nhiên có một số trường hợp cần phải chăm sóc y tế thêm vài ngày nữa, còn đa phần có thể xuất viện sớm hơn, có thể là ngày mai, 22-12.
Bác sĩ Hồ Trường Bảo Long: hầu hết các bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày 22-12 - Ảnh: Mai Vinh |
* Sau việc vừa rồi các bạn có ý định giải nghệ không? (Trương Đại Nam, 36 tuổi, Dainam2003@...)
- Chị Đỗ Thị Hồng Ngọc: Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại làm việc. Tôi đã quá sợ hãi rồi!
* Theo quan sát của các anh chị, đường hầm có bảo đảm an toàn hay không? Trước khi sự việc xảy ra, hằng ngày vào trong đó làm việc, có lúc nào anh chị nghĩ đến việc đường hầm bị sập hay không? Đặng Văn An ([email protected])
- Anh Phạm Viết Nam: Đường hầm làm từ năm 2003, chúng tôi chỉ mới làm việc được 1 tháng nên không biết tình trạng đường hầm như thế nào.
Hằng ngày vô làm thấy cũng bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy có khả năng bị sập, mặc dù có lúc cũng thấy sợ sợ.
* Sau vụ tai nạn, công trình phải tạm dừng thi công, vậy các anh chị phải làm sao để sống? Cho dù có hỗ trợ của chủ đầu tư, tôi nghĩ cũng chỉ là một phần nhỏ. Đây lại là thời điểm cuối năm rất khó tìm việc làm mới, các anh chị dự tính xoay xở ra sao? (Trần Anh Tuấn, 52 tuổi)
- Anh Hoàng Đình Thịnh: Chắc là tôi về đi học nghề, có thể là nghề lái xe, để phù hợp với sức khỏe mình hơn và đỡ nguy hiểm. Tôi còn trẻ, mới 19 tuổi, nên chắc chắn là sau khi học xong tôi sẽ tìm được việc mới.
- Anh Hoàng Ánh Văn: Sau khi ra viện, chắc là về quê để ổn định tâm lý, gặp gỡ mọi người trong gia đình, sau đó thì tính tiếp. Tôi nghĩ nghề nào cũng có rủi ro, nhưng chắc sẽ tìm nghề phù hợp hơn.
- Anh Phạm Viết Nam: Tôi nay hơn 40 tuổi, nghề làm thép hàn chì như giờ là quá sức, nhất là sức khỏe kém.
Nhưng bây giờ, tôi lo là con lớn rồi, mình không đi làm thì không có tiền lo cho cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học.
Tôi gắn bó với Công ty Sông Đà 505 mười năm nay rồi, chắc là tiếp tục gắn bó với công ty thôi.
* Các anh chị nghĩ gì về cái tết sắp tới, cái tết sum vầy sau khi "trở về từ cõi chết"? (namnguyen@yahoo...)
- Anh Phạm Viết Nam: Tôi hình dung ra cái tết của mình sắp tới rất rất hạnh phúc, vì tưởng đâu đã chết rồi mà còn sống lại để quay về.
Tôi được gặp lại vợ con, cha mẹ, anh em láng giềng hàng xóm, và hơn hết là được hít thở không khí trong lành của cuộc sống, mỗi ngày nhìn thấy ánh mặt trời lên...
Tôi nghĩ tất cả 12 anh em chúng tôi đều có cảm giác tương tự như vậy.
Tôi cầu mong đừng bao giờ có những tai nạn khủng khiếp như vậy đối với mọi người.
Danh sách 12 công nhân mắc kẹt trong hầm và đã được giải cứu 1. Phạm Xuân Đăng, 1964, Vĩnh Phúc 2. Nguyễn Anh Tuấn, 1981, Hà Tĩnh 3. Phạm Viết Lành, 1994, Nghệ An 4. Phạm Viết Nam, 1973, Nghệ An 5. Đặng Thị Hồng Ngọc, 1988, Nghệ An 6. Trương Tuấn Việt, 1984, Hà Nội 7. Nhỡ Văn Tường, 1986, Hà Nam 8. Hoàng Tiến Đoàn, 1989, Nam Định 9. Hoàng Anh Văn, 1980, Nam Định 10. Hoàng Đình Hường, 1984, Nam Định 11. Hoàng Đình Thịnh, 1995, Nam Định 12. Nguyễn Văn Quang, 1976, Hà Tĩnh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận