Theo đó, Ban thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa luật nhân quả của Phật giáo.
Theo giáo lý nhà Phật thì muốn có bình an phải tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện. Khi làm nhiều việc tốt sẽ được hưởng sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống.
Do đó khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.
Đặc biệt Giáo hội đề nghị các tăng ni trong công tác tổ chức các khóa lễ cầu an phải lưu ý "tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc".
Những năm trước thời điểm dịch COVID-19, báo chí đã phản ánh nhiều câu chuyện lộn xộn về lễ cầu an như hàng trăm người ngồi tràn cả ra lòng đường giao thông phía trước chùa Phúc Khánh ở Hà Nội khi tham dự lễ cầu an ở chùa này, hay những câu chuyện ở một số chùa cho thấy lễ cầu an trở thành một dịch vụ tâm linh với giá cả "niêm yết" như một thứ hàng hóa ngoài thị trường.
Mấy năm qua, mỗi dịp đầu năm mới, chuẩn bị vào mùa lễ cầu an đầu năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường ra văn bản đề nghị các chùa phải tránh các biểu hiện mê tín dị đoan, trục lợi, phải giữ đúng chính pháp ở các lễ cầu an.
Cũng liên quan tới văn hóa đi chùa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký công văn gửi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Giáo hội hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận