21/04/2025 17:40 GMT+7

Giáo hoàng Francis đã tận hiến trọn đời cho Thiên Chúa và nhân loại

Trong suốt 12 năm làm giáo hoàng, Giáo hoàng Francis luôn gắn liền với sự khiêm nhường, giản dị, hy sinh vì người nghèo, nỗ lực vì các đối thoại giữa các tôn giáo, vì môi trường, vì bình đẳng giới và hòa bình thế giới.

Giáo hoàng Francis - Ảnh 1.

Giáo hoàng Francis, vị cha chung của Giáo hội Công giáo - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17-12-1936 tại Buenos Aires, Argentina. Ngài là con cả trong số năm anh chị em. Trước khi trở thành linh mục, Giáo hoàng Francis từng là kỹ sư hóa học và làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống như làm bảo vệ cho một hộp đêm.

Khi mới 21 tuổi, ngài mắc viêm phổi nặng và phải cắt bỏ một phần phổi. Sau lần bạo bệnh ấy, với khát vọng dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng, chàng thanh niên Bergoglio quyết định gia nhập Dòng Tên và bắt đầu con đường tu trì vào năm 1958.

Ngày 12-3-1960, Giáo hoàng Francis tuyên khấn lần đầu, khởi đầu đời sống tu trì. Ba năm sau, ngài hoàn tất chương trình học triết học và thần học. Đến ngày 13-12-1969, thầy Bergoglio được thụ phong linh mục.

Ngày 22-4-1973, ngài tuyên khấn trọn đời, chính thức hoàn thành ba lời khấn truyền thống của các linh mục dòng: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Từ năm 1973 đến 1979, ngài giữ chức bề trên giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires và ba năm sau, được cựu Giáo hoàng John Paul II tấn phong hồng y vào năm 2001.

Đêm 13-3-2013 (khoảng 2h sáng ngày 14-3-2013 giờ Việt Nam), Giáo hoàng Francis khi đó là Hồng y Jorge Mario Bergoglio 76 tuổi được bầu làm tân giáo hoàng, lấy tông hiệu là Francis I, sau khi cựu giáo hoàng Benedict XVI thoái vị vào ngày 28-2-2013.

Trong 12 năm tại vị, sức khỏe của Giáo hoàng Francis có nhiều bất ổn.

Ngày 14-2, ngài nhập viện tại Bệnh viện Gemelli ở thủ đô Rome, Ý do viêm phế quản biến chứng thành viêm cả hai lá phổi.

Các bác sĩ điều trị cho Giáo hoàng tiết lộ tình trạng bệnh trầm trọng đến mức ngài đã cận kề cửa tử đến hai lần.

Ngài xuất viện ngày 23-3, trở về nghỉ ngơi tại Vatican và tiếp tục tập vật lý trị liệu mỗi ngày về cách hít thở, nói chuyện và hoạt động.

Sáng 21-4, Hồng y Kevin Farrell đột ngột thông báo vị cha chung của Giáo hội Công giáo đã qua đời, trở về bên Thiên Chúa lúc 7h35 (theo giờ địa phương).

Giáo hoàng Francis - Ảnh 2.

Giáo hoàng Francis xuất hiện ở ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo vào năm 2013 - Ảnh: AFP

Từ chối nhà sang, xe xịn

Sau khi trở thành giáo hoàng vào năm 2013, Giáo hoàng Francis đã từ chối mặc y phục bằng lụa và lông thú, cũng như từ chối sử dụng chiếc Mercedes-Benz của Vatican.

Ngài cũng chọn sinh sống tại nhà khách Domus Sanctae Marthae nằm khuất sau Vương cung Thánh đường Thánh Peter thay vì sống tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa (Apostolic Palace) như những người tiền nhiệm trong hơn một thế kỷ qua.

Nhà khách Domus Sanctae Marthae là nơi các giáo sĩ Công giáo nghỉ ngơi khi có công việc ở Vatican và cũng là nơi ở của các hồng y thuộc Hồng y đoàn khi tham gia Mật nghị Hồng y để bầu chọn giáo hoàng mới.

Từ việc chọn tông hiệu Francis, vị giáo hoàng "của người nghèo" đã cho thấy tinh thần hy sinh và lòng yêu thương người nghèo. Năm 2013, Giáo hoàng giải thích ngài chọn Francis để vinh danh Thánh Francis thành Assisi - vị thánh đã từ bỏ mọi của cải, quyền lực, trở thành một người ăn xin để thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo.

Giáo hoàng Francis - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis trong một dịp trao đổi với các nữ tu sĩ vào năm 2021 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng của ‘những lần đầu tiên’

Cuộc đời Giáo hoàng Francis còn gắn liền với những cái “đầu tiên” trong lịch sử. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latin bởi các giáo hoàng tiền nhiệm trong hơn 2.000 năm đều là người châu Âu.

Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên, là người đầu tiên chọn tông hiệu Francis.

Giáo hoàng Francis đã dành trọn đời mình để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ cộng đồng và những người xung quanh.

Ngài hy sinh vì người nghèo, lên tiếng cho hòa bình, bảo vệ người tị nạn, cổ vũ bình đẳng giới, thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và không ngừng kêu gọi bảo vệ môi trường.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq - một quốc gia Trung Đông vào năm 2021 để kêu gọi hòa hợp tôn giáo.

Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng đầu tiên công khai lên tiếng ủng hộ và bảo vệ cộng đồng LGBT. Với những hành động đầy cảm thông và bao dung, ngài được tạp chí Advocate - một tạp chí chuyên bảo vệ quyền lợi người đồng tính - vinh danh là “Người đàn ông của năm” (Man of the Year).

Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên rửa chân và hôn chân một phụ nữ. Vào Thánh lễ tiệc ly ngày 28-3-2013 (diễn ra vào thứ năm Tuần Thánh, ba ngày trước lễ Phục sinh), Giáo hoàng Francis đã rửa và hôn chân 12 tù nhân tại trại giam dành cho thanh thiếu niên Casal del Marmo ở ngoại ô Rome, trong đó có hai phụ nữ.

Giáo hoàng Francis đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo. Ngài bổ nhiệm nhiều nữ tu và phụ nữ đảm trách các vị trí quan trọng tại Vatican, cũng như tham gia vào nhiều hoạt động tôn giáo.

Tháng 3-2022, ngài công bố một cải cách mang tính lịch sử, cho phép bất kỳ giáo dân nào đã được rửa tội, kể cả phụ nữ, có thể đảm nhận các chức vụ cấp cao trong bộ máy của Vatican.

Đến tháng 7-2022, ngài tiếp tục bổ nhiệm ba phụ nữ vào một ủy ban cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ lựa chọn các giám mục trên toàn thế giới.

Tháng 4-2023, Giáo hoàng Francis lần đầu cho phép phụ nữ được bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục, hội nghị tập hợp các giám mục hàng đầu toàn cầu để tham vấn và đóng góp ý kiến cho ngài, diễn ra tại Rome vào tháng 10 cùng năm.

Đầu năm 2025, ngài bổ nhiệm nữ tu người Ý Simona Brambilla vào vị trí lãnh đạo Bộ các Viện Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ, một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất của Vatican.

Từ khi chiến sự tại Ukraine và xung đột ở Dải Gaza bùng phát, cho đến những ngày cuối đời, Giáo hoàng Francis không ngừng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, ngừng bắn và trở lại bàn đàm phán để khôi phục hòa bình.

Giáo hoàng Francis - cả đời tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân - Ảnh 4.Giáo hoàng Francis qua đời

Vatican loan báo trong video Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, sau khi chịu đựng nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm trị vì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên