Nhiều chủ cửa hàng đang như ngồi trên đống lửa vì đơn hàng bị các đơn vị vận chuyển "ngâm" nhiều ngày, lo sợ không kịp đến tay khách trước Tết Nguyên đán, trong khi các doanh nghiệp giao hàng thừa nhận đang quá tải.
Có doanh nghiệp cho biết đã buộc phải tạm dừng một số kho để "tăng quân" giải quyết hàng ùn ứ kịp giao cho khách.
Theo các doanh nghiệp, việc livestream bán hàng trên nền tảng thương mại dịp Tết tăng mạnh, hàng được chốt đơn nhanh, khối lượng hàng đặt tăng đột biến… là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động giao nhận bị quá tải.
Bị "ngâm" đơn, không dám bán hàng
Kinh doanh quần áo tại TP.HCM, chị Lan Anh cho biết với khách ở các tỉnh phía Bắc, thời gian gửi hàng thông thường sẽ mất khoảng 2-3 ngày. Tuy nhiên, những ngày này phải mất gần cả tuần nhưng khách vẫn chưa nhận được hàng.
"Nhiều khách rất lo lắng, nhắn tin gọi điện hỏi tình hình, nhưng mình cũng cập nhật chứ không thay đổi được gì. Chỉ biết trấn an khách", chị Lan Anh kể.
Dịp Tết này, chị Thúy Diễm bán bánh kẹo Tết trên các trang mạng xã hội, may mắn được nhiều khách ủng hộ. Những tưởng việc kinh doanh suôn sẻ, nhưng có khách chờ gần cả tuần mà hàng vẫn trong trạng thái đã rời kho và đang được giao, chưa biết khi nào tới đích.
Nhiều khách phản hồi do thời gian giao quá chậm, không kịp tặng quà cho đối tác nên "dọa" sẽ trả lại hàng khiến chị Diễm lo lắng không yên.
Các chủ shop bán hàng online, mỹ phẩm... tại TP.HCM cũng bắt đầu lên mạng "báo tin" với khách hàng sẽ ngưng nhận đơn gửi đi tỉnh do đơn vị giao hàng bị trục trặc.
"Em đóng đồ giao hàng nhưng quá tải. Mọi người có thấy shipper gọi nghe máy giùm. Bởi không giao được là hoàn đơn ngay chứ không giao lại" - Thảo Nguyên, chủ shop hàng 2.T (quận Phú Nhuận), chia sẻ trên Facebook thông báo đến khách hàng.
Trên các hội nhóm kinh doanh online, nhiều người cũng chia sẻ tình trạng tương tự. Các hình ảnh hàng chất đống trong kho hàng với nội dung miêu tả là nhân viên Giao hàng tiết kiệm đình công khiến việc lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn. Tình trạng quá tải công việc của đơn vị vận chuyển đã ảnh hưởng đến cả người bán và người mua.
Theo ghi nhận, nhiều khách hàng lo lắng, chưa biết phải xử lý ra sao với đơn hàng đã mua nhưng chờ gần cả tuần vẫn chưa nhận được.
"Mình mua hàng trên TikTok, chờ hoài vẫn chưa thấy giao. Đầu tuần tới mình về quê, vé xe đã đặt. Nếu giao trễ quá, mình sẽ không còn ở TP.HCM để nhận hàng. Trong khi tiền hàng đã trả trước qua ví điện tử, tiền đâu để mua đồ mới bây giờ" - Thu Thủy, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, bày tỏ.
Trong khi chủ cửa hàng đã giao hàng hóa cho đơn vị vận chuyển từ nhiều ngày trước, nhưng khách than phiền vẫn chưa nhận được hàng, nên xuất hiện thêm những lo sợ về việc mất và hư hỏng hàng hóa, đặc biệt với các mặt hàng như mỹ phẩm giá trị cao, đồ dễ vỡ.
"Từ giữa tuần này mình chỉ nhận các đơn của khách ở TP.HCM, những khách ở xa mình không dám nhận nữa, sợ giao không kịp làm dở dang kế hoạch của khách", chị Bích Ngân (kinh doanh đồ thời trang) cho hay.
Bị quá tải do mua bán online tăng cao
Liên quan đến đơn hàng ùn ứ, đóng tuyến giao nhận hàng ở miền Bắc, trả lời Tuổi Trẻ ngày 30-1, đại diện Giao hàng tiết kiệm cho biết đang tốc lực "đẩy quân" xử lý đơn hàng ở kho Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Đây là kho hàng luân chuyển hàng của đơn vị tại khu vực miền Bắc, ngoài ra còn một kho nữa nhưng vẫn đảm bảo hoạt động.
Theo vị này, việc bị ứ đọng là do lượng hàng hóa tăng đột biến hai tuần giáp Tết, chủ yếu hàng được mua bán qua thương mại điện tử tăng cao. Do đó, doanh nghiệp này buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành.
Doanh nghiệp cũng cam kết trong tuần này sẽ nỗ lực để thúc đẩy năng suất xử lý đơn hàng để nhận thêm đơn, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng, đồng thời bác thông tin nhân viên của đơn vị này đình công.
"Bên công ty đang họp gấp, chắc chắn trong tuần này xử lý xong" - đại diện truyền thông của doanh nghiệp này khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp trong ngành vận chuyển hàng thừa việc luân chuyển hàng ở các đơn vị chuyển phát chịu áp lực rất lớn về số lượng đơn và thời gian giao hàng trong thời điểm cuối năm.
Cách tốt nhất để đảm bảo vận hành là cắt dịch vụ giao hàng thông thường, chỉ mở nhận hàng giao nhanh, giao hỏa tốc với giá cao.
Theo một số doanh nghiệp, việc livestream bán hàng trên nền tảng thương mại dịp Tết tăng mạnh, hàng được chốt đơn nhanh, khối lượng hàng đặt tăng đột biến… là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động giao nhận bị quá tải.
Tuy nhiên, nói với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Hoàng, CEO FastShip - đơn vị chuyển hàng nhanh, cho rằng việc quá tải ở một kho hàng là "chuyện như cơm bữa" với doanh nghiệp chuyển phát.
Thông thường, khi có sự cố quá tải xảy ra, khoảng 3 ngày, nhiều nhất 12 ngày là xử lý xong. Theo ông Hoàng, vai trò của shipper rất quan trọng với đơn vị vận chuyển vào những ngày cận Tết.
Ví dụ, một shipper của bưu cục chuyển hàng cho một tuyến đường ngày thường 100 đơn nhưng ngày Tết lên đến 200 - 300 đơn. Mỗi đơn giao hàng thành công, shipper được nhận trung bình 3.000 - 4.000 đồng/đơn hàng.
"Khi chính sách công ty có thay đổi, giảm số tiền hoặc phúc lợi gì liên quan đến thu nhập của shipper, việc đình công phản đối chính sách công ty xảy ra sẽ tác động đến việc ùn ứ đơn hàng ngay", ông Hoàng nói.
Hơn nữa, nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp Tết, đơn hàng tăng đột biến mà shipper không đủ sẽ không tránh được rủi ro đơn hàng bị "ngâm".
Đừng gây "sứt mẻ" niềm tin với khách hàng
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khi đơn vị chuyển phát ký kết giao hàng với các sàn thương mại điện tử sẽ khó tránh khỏi chuyện gặp phải... ùn tắc. Chẳng hạn, đơn hàng Tết "đổ" về nhiều quá, năng lực xử lý cũng không được từ chối vì đã ký kết, từ đó xảy ra sự cố hàng chất đống trong kho nhưng khó giao đúng hẹn.
Một doanh nghiệp cho rằng khi doanh nghiệp bị ùn ứ đơn hàng, đặc biệt dịp Tết, sẽ gây "sứt mẻ" niềm tin với chủ shop, khách hàng.
"Các doanh nghiệp khác đảm bảo được tốc độ luân chuyển hàng sẽ lấy được thêm nguồn khách này, tăng cạnh tranh hơn", doanh nghiệp này nói.
Cẩn trọng với các chiêu lừa qua mạng mùa Tết
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay các hành vi giả mạo, lừa đảo trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, lợi dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các đối tượng ngày càng làm cho các vụ lừa đảo có tính chất giống như "thật".
Do vậy, cơ quan này khuyến cáo và đề nghị người tiêu dùng tập trung lưu ý một số nội dung khi thực hiện giao dịch trong những ngày cận Tết này.
Theo đó, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán.
Cần kiểm tra và đảm bảo ghi nhớ chính xác thông tin của đơn vị vận chuyển khi mua bán. Khi nhận hàng, cần chắc chắn bên vận chuyển đúng là đơn vị đã xác nhận giao dịch khi mua bán.
Khi nhận hàng, cần kiểm tra hàng, chụp ảnh hoặc quay video để xác thực chất lượng hàng khi nhận, làm căn cứ để thực hiện khiếu nại khi xảy ra tranh chấp.
Cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin chào mời mua hàng giá rẻ hoặc nhận được hoa hồng từ việc mua hàng. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ bị lừa đảo khi thực hiện giao dịch.
Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc tới cơ quan công an, đồng thời chủ động chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận