Trong một gia đình, khó có điều gì đau khổ bằng việc có một đứa con hư. Trong một xã hội, khó có vấn đề nào gây khó xử như với một đứa trẻ phạm tội. Cách hành xử của các xã hội với các em phần nào phản ánh trình độ văn minh của xã hội đó. Xử lý tội phạm trẻ em luôn là câu hỏi khó khăn với mọi xã hội - Ảnh: bet.comCách làm của nước giàuNhững “phạm nhân” có nhiệm vụ chăm sóc các chú chó, học cách nướng bánh và thường xuyên nhận những cái ôm ấm áp từ những nhân viên công tác xã hội trong “gia đình lớn” của họ. Đó là cảnh tượng thường ngày ở Trung tâm giáo dưỡng Hassela, Thụy Điển.Điều ấn tượng nhất về trung tâm, ngoài những cây táo ra hoa ngọt ngào, những ngọn nến trắng lớn được đốt lên ở các bàn ăn sáng và mùi gỗ cũ hắt ra từ mái căn nhà chính, là sự tĩnh lặng. 60 trẻ vị thành niên với tiền án, tiền sự, vấn đề về ma túy hay hành vi chống đối xã hội tập hợp lại với nhau ở đó, tại Gotland (Thụy Điển), trong và xung quanh một căn nhà gỗ tuyệt đẹp.Những “học sinh” - các em được gọi như thế - ở nơi là ví dụ hoàn hảo về chuẩn mực trường giáo dưỡng mà thế giới có tới giờ phút này, theo báo Anh The Guardian. Các em sống trong một căn nhà chính hoặc những căn nhà nhỏ hơn rải rác trong một ngôi làng, chứ không biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài như các trường giáo dưỡng truyền thống.Cả cộng đồng, tức là ngôi làng đó, chấp nhận các em như những người dân làng. Hầu hết học sinh của trường tới đó theo “khuyến cáo” của nhà chức trách Thụy Điển, nhưng những năm qua bắt đầu xuất hiện cả những em từ Ireland hay Scotland. Trong hơn 25 năm hoạt động của trường, 700 em 12-20 tuổi đã trở về lại với cộng đồng.Những người sáng lập trường, Lasse Siggelin và vợ ông Kirstin, ban đầu là giáo viên ở trường học địa phương. Họ nhận nuôi hai trẻ em người Colombia và cùng với thời gian, nhận nuôi những trẻ với hoàn cảnh đặc biệt theo đề nghị của các nhân viên bảo trợ xã hội, rồi các trẻ phạm tội theo khuyến nghị của tòa án.Chìa khóa trong triết lý của họ là tái tạo lại môi trường gia đình cho các em, điều mà ít trẻ vị thành niên phạm tội từng thật sự được nếm trải. Trong làng, nhiều gia đình nhận các em vào ở là những người từng phạm tội nhưng sau đó hoàn lương và hòa nhập trở lại. Hơn ai hết, họ hiểu thế nào để giúp các em.Dù rất chú trọng dạy nghề, Hassela không phải là một chương trình từ thiện, cũng không vì lợi nhuận. “Chúng tôi chỉ giúp các em cảm thấy các em thuộc về nơi này, giúp các em sống có trách nhiệm và bảo tồn những nghề thủ công truyền thông” - nhà trường tự hào viết trên trang web của họ.Hassela hầu như không áp dụng các hình phạt. Lasse nói một khi các trẻ đã trải qua giai đoạn hòa nhập ban đầu, các em sẽ sống thoải mái ở đây và kỷ luật không phải là vấn đề. “Trong 25 năm qua, chúng tôi chỉ có 3-4 vụ bạo lực” - ông nói.Và ngoài việc mới đây, một học sinh bỏ trường thì nhìn chung kết quả đáng tự hào: 90% các bé gái và 53% bé trai cho biết một năm sau khi rời trường, các em “hòa nhập tốt, không dính dáng tới ma túy và tội phạm nữa”.Điều bất tiện duy nhất: chi phí cho một thiếu niên tham gia xuyên suốt chương trình Hassela vào khoảng 100.000 USD. Nhưng ngay với cái giá đó, nhà chức trách Thụy Điển vẫn tin rằng lợi ích mang lại cho xã hội lớn hơn.“Tôi từng gặp những đứa trẻ mà nếu ở ngoài kia, chắc chắn các em sẽ phải vào tù và khiến xã hội tổn thất hàng chục ngàn USD mỗi năm - David Chubb, một nhân viên xã hội từ Scotland sang học hỏi ở Hassela, nói - Đưa các em đó vào những trại giáo dưỡng bình thường là vô ích... chúng ta đang lãng phí rất nhiều tiền của cho một hệ thống trừng phạt những người trẻ không ích gì”.Nhưng để các hệ thống trường giáo dưỡng hoạt động hiệu quả, đầu tiên phải cần một hệ thống tư pháp khoan dung với trẻ vị thành niên đã. Hầu hết các nước có tòa án riêng hoặc áp dụng luật riêng cho những người phạm tội vị thành niên, nhắm tới việc giúp các em hòa nhập và sửa đổi hơn là trừng phạt và răn đe.Ở Đức, tòa có thể áp dụng luật cho trẻ vị thành niên với người dưới 21 tuổi và 60% các vụ phạm tội của người 18-21 tuổi được giải quyết ở các tòa án cho trẻ vị thành niên.“Trong luật pháp nói chung, bạn có các khoản phạt, án tù treo và án tù giam - Bernd Rudeger Sonnen (Hiệp hội Các tòa án vị thành niên Đức) nói - Nhưng ở tòa vị thành niên, các thẩm phán có nhiều lựa chọn hơn hẳn”.Các tòa vị thành niên ở Đức có thể tuyên án tối đa 10 năm, nhưng cũng có thể buộc người phạm tội tham gia những khóa huấn luyện, gặp và xin lỗi nạn nhân hay làm các công việc công ích khác. Sonnen nói những biện pháp thay thế này hiệu quả hơn trong việc ngăn trẻ tái phạm: 50% số trẻ được xử lý như thế tái phạm, trong khi với những em bị đưa vào các trại giáo dưỡng, con số là 70%.Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc đối xử nhẹ nhàng với trong độ tuổi “nhạy cảm” từ 16-21. Một số chính trị gia bảo thủ ở Đức muốn nâng mức án tù tối đa từ 10 lên 15 năm với người phạm tội trong độ tuổi 18-20. Bang miền nam Bavaria đã vận động thay đổi luật này từ năm 1998, nhưng chưa nhận được sự ủng hộ từ quốc hội liên bang.Sonnen tin rằng hình phạt nặng nề không ngăn được trẻ tái phạm. “Vấn đề không phải là án phạt nặng hay nhẹ - ông nói - Vấn đề là sự hiệu quả của hệ thống tư pháp và trường giáo dưỡng, để chúng ta có ít nạn nhân hơn”. Các nghiên cứu của Klaus Boers và Jost Reinecke tại các đại học Munster và Bielefeld ở Đức cũng đưa ra kết luận tương tự.“Giam giữ, tước đoạt tự do và hình phạt nặng không hiệu quả và thường phản tác dụng” - nghiên cứu viết, dựa trên khoảng 1.900 cuộc phỏng vấn giai đoạn 2000-2003.Vấn đề của nước nghèoKhông phải quốc gia nào cũng đủ giàu có với nguồn lực dồi dào như thế cho vấn đề nhức nhối tội phạm vị thành niên. Indonesia, cho tới trước năm 2012, vẫn cố gắng duy trì một mô hình lý tưởng trong đó coi tội phạm vị thành niên là “những đứa con của nhà nước”. Luật Indonesia quy định những trẻ này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của nhà nước trong các trung tâm giáo dưỡng cho tới khi 18 tuổi.Chìa khóa trong triết lý của họ là tái tạo lại môi trường gia đình cho các em, điều mà ít trẻ vị thành niên phạm tội từng thật sự được nếm trải Nhưng cách làm này vừa không hiệu quả vừa gây ra thêm nhiều vấn đề thay vì giải quyết chúng, khi các trường giáo dưỡng trở nên quá tải và nhà nước không đủ tiền để bù đắp.Từ năm 2012, luật về hệ thống công lý cho trẻ vị thành niên mới đã quyết định những tội phạm vị thành niên với mức án dưới 7 năm sẽ được trả về cho gia đình hoặc tham gia các chương trình hòa nhập cộng đồng do Bộ Các vấn đề xã hội và các cơ quan địa phương đảm nhiệm.Luật năm 2012 cũng thay luật năm 1997 với nhiều điều chỉnh quan trọng: nâng độ tuổi truy tố hình sự với người vị thành niên từ 8 lên 12 tuổi và chỉ trẻ trên 14 tuổi mới bị đưa vào trung tâm giáo dưỡng. Giam giữ luôn là biện pháp cuối cùng trong hệ thống tư pháp với trẻ vị thành niên ở Indonesia.Một thay đổi nữa là loại bỏ quan điểm lý tưởng “con cái của nhà nước”, một hình thức cải tạo và trừng phạt với các trẻ vị thành niên không thể trở về cộng đồng vì không còn người thân hay vì các lý do khác. Cho tới luật năm 2012 có 115 trẻ như thế trên khắp Indonesia, một đất nước gần 250 triệu dân.Trước khi có luật mới, một nghiên cứu của Leopol Sudaryono đăng trên Asia Foundation (Quỹ châu Á) cho thấy vào năm 2012 ở Indonesia có 5.515 phạm nhân trẻ em và tới 85% bị giam trong các cơ sở trại giam của người lớn.“Trong vòng năm năm tới, chúng tôi phải thành lập các trung tâm bảo trợ xã hội và giáo dưỡng cho trẻ em ở tất cả các tỉnh của Indonesia” để luật mới có thể đi vào hiệu lực, theo lời Puti Hairida, vụ trưởng phụ trách trẻ em phạm pháp và có hoàn cảnh đặc biệt (Bộ Các vấn đề xã hội).Năm 2012, bộ chỉ có bốn trường giáo dưỡng đạt tiêu chuẩn ở Jakarta, Đông Nusa Tenggara, Nam Sulawesi và Trung Java. Chi phí là vấn đề rất lớn. Ucu Rahayu, đứng đầu trung tâm hòa nhập trẻ em của Sở Xã hội Jakarta, nói một trung tâm tiêu chuẩn tiêu tốn khoảng 2 tỉ rupee (208.000 USD) mỗi năm.Puti thì khẳng định việc chuyển trẻ từ chỗ bị giam giữ sang không gian mở sẽ là một thách thức lớn. “Tạo ra một bầu không khí thoải mái là điều khó nhất. Sẽ có những trẻ nổi loạn, nhất là với những em tin rằng chúng không làm gì sai - bà nói với Jakarta Post - Nhưng xét cho cùng, chúng cũng là nạn nhân”.Thái Lan cũng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý tội phạm vị thành niên. Năm 2012, năm trẻ vị thành niên ở tỉnh Si Sa Ket bị bắt giữ vì bắn chết một phụ nữ. Các nghi phạm sau đó thú nhận với cảnh sát rằng các em cãi vã, định đánh nhau với những trẻ trong làng và một đứa, trong khi nóng giận, đã xả súng trúng người phụ nữ.Cục Bảo vệ trẻ vị thành niên thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan nói con số tội phạm vị thành niên đã tăng đều đặn trong hơn một thập kỷ qua (khoảng 41,3% giai đoạn 1997-2007), từ hơn 30.000 lên hơn 51.000 vụ. Trong số đó, 13% là các vụ tái phạm. Nhưng PGS Chankhanit K Suriyamanee, chuyên gia tội phạm học (ĐH Mahidol), nói đây chỉ là phần nổi của tảng băng.“Một số lớn vụ việc không bao giờ được báo với cảnh sát”. Thái Lan quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là 10 tuổi và chia trẻ vị thành niên ra làm nhiều nhóm. Nhóm 10-15 tuổi sẽ được xử ở tòa án riêng nhưng thường không bị kết án. Các em thường được nhanh chóng đưa trở lại gia đình hoặc cộng đồng.Trẻ 15-18 tuổi cũng được xét xử ở tòa vị thành niên, nhưng khả năng bị đưa vào các trung tâm giáo dưỡng cao hơn. Với người 18-20 tuổi, khi phạm tội họ sẽ bị xét xử bình thường, nhưng khi giam giữ được tách riêng khỏi các thường phạm lớn tuổi hơn.Thawatchai Thaikeo, giám đốc Cục Bảo vệ trẻ em, nói cơ quan của ông đang vận động để sửa luật, nâng tuổi chịu trách nhiệm hình sự lên thành 12. “Các nghiên cứu cho thấy trẻ dưới 12 tuổi không hiểu đầy đủ thế nào là đúng sai. Chúng thiếu sự chín chắn và không hiểu hậu quả của những hành vi bạo lực. Chúng cần được giúp đỡ để trở thành người tốt hơn” - ông nói với Bangkok Post.Tới năm 2010, Thái Lan mới có luật để thành lập tòa án cho trẻ vị thành niên, nhưng PGS Chankhanit nói Thái Lan vẫn cần một hệ thống tư pháp cho trẻ vị thành niên cân bằng giữa trừng phạt và khoan dung, mà Thái Lan có vẻ đang quá nhấn mạnh vào điều sau. “Tôi nhấn mạnh: điều quan trọng vẫn là phòng ngừa, chúng ta cần phải đánh giá những rủi ro tốt hơn nữa để các em không bước ra ngoài xã hội với ý định phạm những tội ác mới” - ông quả quyết. Tags: Trường giáo dưỡngTội phạm vị thành niênTrẻ giáo dưỡng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.