10/02/2020 06:45 GMT+7

Giáo dục thế hệ trẻ nói không với rượu bia

RAFAEL CANDIDO (người Brazil) - HÀ MY ghi
RAFAEL CANDIDO (người Brazil) - HÀ MY ghi

TTO - Hiệu quả từ nghị định 100 của Chính phủ đang có chuyển biến tích cực đến đời sống người dân, nhất là ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông.

Giáo dục thế hệ trẻ nói không với rượu bia - Ảnh 1.

Một quán nhậu vắng khách trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một số bạn đọc nước ngoài cho rằng Việt Nam nên nhân cơ hội này đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục... để rượu bia xuất hiện bớt dần trong đời sống xã hội.

Việc uống rượu bia không chỉ là hiện tượng mang tính xã hội mà còn mang tính kinh doanh, đặc biệt là ở một số nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Một khi đã đạt một độ tuổi trưởng thành, việc không uống được rượu bia được xem là "khiếm khuyết".

Theo tôi, thói quen uống rượu bia và bàn bạc chuyện làm ăn tại bàn nhậu của những nước này sẽ không thay đổi trong tương lai gần vì đã ăn sâu trong văn hóa của dân tộc. Ngay cả trong sách dạy tiếng Nhật của chính những nhà xuất bản Nhật, các tình huống xoay quanh vấn đề uống rượu bia được nêu lên mặc dù những cuốn sách này được dùng cho học sinh ở mọi độ tuổi. Thậm chí, một trong các câu đầu tiên những cuốn sách này dạy đôi khi là "Hãy cùng uống bia nào!".

Mặc dù "đi nhậu" là một cách tốt để mọi người trở nên thân với nhau hơn, đặc biệt ở các nước đề cao tính cộng đồng và chuẩn mực xã hội như Nhật Bản, nhưng chính thói quen này là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khỏe.

Để chống lại vấn nạn này, nhiều nước đã đưa ra một số quy định như khi mua rượu bia cần phải bọc trong túi giấy màu nâu để không nhìn thấy rượu bia, tránh khuyến khích những người xung quanh. Hay ở Bồ Đào Nha, tác hại của rượu bia được tuyên truyền giống với tác hại của những loại thuốc phiện khác nhằm giảm số người uống rượu bia.

Rượu bia là nguyên nhân của nhiều vấn đề trong xã hội, nhưng cấm hoàn toàn không phải là hướng giải quyết tốt và rất ngắn hạn. Tiêu thụ lượng lớn rượu bia không phải vấn đề của riêng

Việt Nam hay Nhật Bản, hầu hết các nước đều phải đối mặt với chuyện này.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào hướng giải quyết lâu dài thông qua việc thay đổi cách giáo dục thế hệ trẻ. Nhờ giáo dục mà nước tôi - Brazil, đã giảm số người hút thuốc đáng kể trong một thời gian ngắn. Từ 40-50% dân số ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc lá vào những năm 1980, hiện chỉ còn khoảng 10% dân số ở độ tuổi trưởng thành tiêu thụ thuốc lá. Để đạt được kết quả "vi diệu" này, nước tôi đã phải tích cực giáo dục người dân về tác hại của thuốc lá, không chỉ bằng lời nói mà bằng cách đưa vào chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc.

Các nước có thể cải thiện hệ thống giao thông công cộng mong số người lái xe sau khi uống rượu bia giảm xuống, nhưng theo tôi cách này vẫn sẽ vô ích nếu không đi kèm với giáo dục. Hiện có nhiều phần mềm như Uber và Grab hỗ trợ người dân trong việc về nhà sau một buổi nhậu. Chính vì vậy, điều duy nhất còn thiếu là ý thức trách nhiệm của người dân.

Tôi bỏ uống rượu và không bao giờ hối hận

Tôi chưa bao giờ là một người uống nhiều bia rượu, kể cả trong thời còn trẻ. Lúc còn là học sinh ở Canada, bạn bè lén uống rượu nhưng tôi cũng không thử cho tới khi là sinh viên. Cả tôi và bạn gái lúc đó đều uống chút ít mỗi khi có tiệc tùng.

Sau này tôi làm bầu sô, công việc là tổ chức các ban nhạc nhỏ đi lưu diễn ở Canada và ở Mỹ, chúng tôi đi nhiều ngày trên xe. Các nghệ sĩ thì bạn biết rồi đấy, họ uống rất "lầy" nhưng tôi tự nhủ đây không phải là điều mình thích. Hơn nữa, uống rượu bia rất tốn tiền. Tôi thích rượu mạnh như whisky mà giá các loại này không hề rẻ.

Rồi bạn gái đồng hành cùng tôi trong công việc ấy thú nhận trong một lần uống say, cô ấy đã qua đêm với người khác. Dù cô ấy có nói gì, tôi cũng không thông cảm nổi với lý do này. Nó ám ảnh tôi, chúng tôi cố gắng ở lại với nhau nhưng cuối cùng vẫn chia tay.

Tôi quyết định không bao giờ đụng vào một giọt bia nào nữa. Cho đến nay, tôi bỏ bia rượu được khoảng 13 năm và không có gì khó khăn hay hối hận về việc này, tôi vẫn gặp gỡ bạn bè bình thường. Dù uống một ly, một ngụm tôi cũng không vì cảm thấy không thích.

Tôi đồng ý rằng nhiều người uống có điểm dừng, uống 1-2 ly với bạn bè và biết ngừng đúng lúc để tỉnh táo lái xe về nhà. Lái xe an toàn đòi hỏi trách nhiệm với tính mạng của bản thân và với những người xung quanh. Ngoài bia rượu, trước hết người lái xe phải hiểu và tuân thủ luật giao thông. Tôi vẫn cho rằng giáo dục là điều quan trọng nhất để mọi người hiểu trách nhiệm khi tham gia giao thông, đặc biệt là các bạn trẻ. Khi mọi người được giáo dục và tuyên truyền tốt, tôi tin rằng số lượng người bị tai nạn giao thông sẽ giảm nhiều hơn nữa.

TONY ARTHUR (người Canada) - HỒNG VÂN ghi

Giáo dục uống có trách nhiệm

Sau một thời gian sống ở Việt Nam, tôi thấy thói quen nhậu ở Việt Nam và Úc có điểm tương đồng, đó là việc bạn bè thích tụ họp uống bia vui vẻ cùng nhau. Cũng giống như người Việt thích uống bia, người Úc cũng uống rất nhiều và hầu như không từ chối rượu bia.

Tuy nhiên cũng có vài điểm khác biệt. Nếu đi làm toàn thời gian, người Úc thường không có nhiều thời gian ra ngoài uống bia với bạn bè trong tuần, do vậy hầu hết mọi người thường ra ngoài uống vào tối thứ sáu hoặc thứ bảy. Trước đó, họ sẽ lên kế hoạch sẵn với bạn bè rồi cùng nhau trông chờ đến ngày đó. Ở Việt Nam, tôi thấy người ta uống bất cứ ngày nào chứ không chỉ là cuối tuần.

Ở Úc, công việc và nhậu thường được phân biệt rõ ràng; còn ở Việt Nam, nhiều cuộc họp mặt công việc/thảo luận diễn ra trên bàn nhậu với những người mà bạn đang cố gắng hợp tác.

Ở cả Việt Nam và Úc, mọi người đều được khuyến khích uống có trách nhiệm. Ở Úc, nhìn chung uống có trách nhiệm là không uống say, uống một ly rượu/giờ, không lái xe sau khi đã uống rượu bia và không đưa bia rượu cho người chưa đủ tuổi...

Việc uống có trách nhiệm cũng được giáo dục ở Úc theo nhiều cách, bắt đầu từ trường trung học nơi học sinh được giáo dục về rượu và ma túy. Thông điệp liên quan đến hạn chế sử dụng rượu bia cũng được thể hiện trên các bảng thông báo trên đường, quảng cáo trên tivi, trên tin tức. Đó là điều được nói đến rất thường xuyên.

RACHEL SOUBRA (người Úc) - NGỌC ĐÔNG ghi

TP.HCM không có người chết vì tai nạn giao thông liên quan bia, rượu TP.HCM không có người chết vì tai nạn giao thông liên quan bia, rượu

TTO - Trong số 8 người chết vì tai nạn giao thông tại TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán này không có trường hợp nào liên quan đến rượu, bia và trên địa bàn cũng không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

RAFAEL CANDIDO (người Brazil) - HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên