TTCT - 2020 - năm của biến cố COVID đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều biến động đến cùng tận cho rất nhiều lĩnh vực, giáo dục không phải ngoại lệ. Đầu tháng 4-2020, gần 1,5 tỉ học sinh tại 169 quốc gia và vùng lãnh thổ (tức 84% tổng số học sinh toàn cầu) đã trực tiếp cảm nhận những biến động này. Học trực tuyến trở thành giải pháp thay thế được triển khai bắt buộc trên quy mô lớn chưa từng có và đã bộc lộ toàn bộ điểm mạnh cũng như điểm yếu của nó. Câu hỏi về tương lai của giáo dục trở nên day dứt hơn bất cứ giai đoạn nào và cũng khó trả lời hơn bất cứ lúc nào.Kỷ lục về nghỉ họcĐể đối phó với COVID-19, việc đầu tiên các chính phủ thực hiện đó chính là thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có việc đóng cửa các trường học. Vào giữa tháng 2, chỉ có Trung Quốc thực hiện việc đóng cửa một phần các trường học với khoảng 1 triệu học sinh bị ảnh hưởng. Nhưng chỉ 6 tuần sau đó, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, con số này tăng lên cực nhanh: 1,5 tỉ học sinh tại 169 quốc gia, chiếm 84% học sinh toàn cầu.Cho đến những ngày cuối năm 2020, vẫn có tới 300 triệu học sinh trên 27 quốc gia, chiếm 17,5% số học sinh toàn cầu, không thể đi học do trường đóng cửa (theo số liệu ngày 14-12-2020).Đợt nghỉ kéo dài kỷ lục đã diễn ra trên nhiều quốc gia dẫn tới tranh cãi lớn trong xã hội: liệu có thể đóng cửa mãi trường học được không? Giải pháp nào cho việc học tập nếu đóng cửa trường học? Ngay tại Việt Nam, nơi mà bệnh dịch được kiểm soát tốt, vẫn có những tranh cãi gay gắt về việc nên hay không nên mở cửa trường học.Tại nhiều quốc gia và khu vực, học sinh đã không thể đến trường học trong suốt năm học 2020.Cuộc dịch chuyển số vĩ đại của giáo dụcTừ khi chưa có đại dịch COVID-19, các chuyên gia đã có những dự báo lạc quan về việc đào tạo trực tuyến sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong tương lai gần. Theo dự báo (năm 2019) của Syngene Research - một công ty nghiên cứu khảo sát, thị trường học trực tuyến toàn cầu kỳ vọng đạt 336,8 tỉ đôla vào năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 9,1% trong giai đoạn 2018-2026.Tại thời điểm năm 2018, 30% số sinh viên tại các trường đại học của Mỹ đã có học ít nhất một khóa trực tuyến. Một con số nhỏ nếu so sánh với năm 2020. Tất cả đã thay đổi nhanh chóng do tác động của đại dịch. Hầu hết các sinh viên đại học tại Mỹ đã học trực tuyến trong suốt năm 2020. Rất nhiều sinh viên quốc tế đang học trực tuyến ở cách xa trường nửa vòng Trái đất.Nhưng nếu xét trên bức tranh tổng thể giáo dục toàn cầu, ta thấy rất nhiều khác biệt. Khác biệt hàng đầu là khả năng tiếp cận học trực tuyến ở các quốc gia rất khác nhau.Thống kê của UNICEF cho thấy 90% các bộ giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp học từ xa cho học sinh và gần 70% số học sinh toàn cầu có thể tiếp cận được các chương trình học tập qua Internet hoặc sóng truyền hình, radio tại nhà. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là trên 30% số học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã không có thiết bị để học tại nhà hoặc không thể tiếp cận được chương trình học từ xa.Số liệu cũng cho thấy một thực tế xám: 40% các quốc gia đã không hề có chương trình học tập từ xa cho bậc tiểu học. Đáng lo ngại hơn, 70% học sinh vùng nghèo khó đã không thể tiếp cận được các chương trình học từ xa trong thời gian trường đóng cửa. Bất bình đẳng về kinh tế, chênh lệch giàu - nghèo đã làm tăng bất bình đẳng về giáo dục.Về những cách tiếp cận để học trực tuyến, thống kê của UNICEF cho thấy Internet đóng vai trò quan trọng nhất trong học từ xa, nhưng học qua tivi và radio vẫn có những đóng góp to lớn không kém. Thậm chí tại nhóm các quốc gia thu nhập thấp, học qua radio chiếm tới 80% kênh học tập từ xa cho học sinh. Trong khi đó, tại các quốc gia thu nhập cao, 92% học sinh học từ xa qua Internet.Nếu xét trên khía cạnh từng cấp học thì có tới 29% học sinh bậc tiểu học không thể tiếp cận được với các chương trình học tập từ xa. Con số này ở bậc THPT là 18%.Dẫu sự chuyển dịch là nhanh hơn hình dung, những con số thực tế vẫn cho thấy học tập từ xa chưa đủ điều kiện để trở thành giải pháp thay thế giáo dục toàn cầu, đặc biệt với cấp học nhỏ như mầm non hay tiểu học. Giáo dục từ xa, trên thực tế, chỉ có hiệu quả nhất định tại các quốc gia thu nhập cao và ở bậc học trung học hoặc đại học. Những chuyển biến tích cực nhất có lẽ là đối với bậc đại học và sau đại học của các trường thuộc khu vực các quốc gia đã phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.Thống kê triển khai các giải pháp học từ xa ở các quốc gia-Nguồn: Unesco - Unicef-WBThách thức công nghệỞ bậc sau phổ thông, nền tảng học trực tuyến được các trường đại học, các công ty EdTech, các khóa học MOOCs khởi động sớm và đã có những thành quả nhất định, song ở các cấp học thấp là hoàn toàn bị động. Thay vì những chương trình học tập được thiết kế chuyên biệt cho học tập trực tuyến thì giải pháp phần lớn là theo hình thức lớp học ảo (virtual classroom). Giáo viên dạy thông qua các nền tảng lớp học ảo như Zoom, Microsoft Team hay Google Classroom.Nhưng ngay tại các quốc gia OECD, cũng chỉ có 60% giáo viên được đào tạo cách sử dụng các ứng dụng CNTT để giảng dạy và mới chỉ có trên 50% giáo viên được hỏi cho biết họ thường xuyên yêu cầu học sinh sử dụng các ứng dụng CNTT để thực hiện các bài tập hay dự án học tập.Thời gian chuyển đổi ngắn ngủi 6 tuần đã khiến hầu hết học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều trở nên bối rối trước phương thức học mới. Tới đây, người ta thấy rằng việc học trực tuyến đòi hỏi những kỹ năng khác với học trực tiếp trên lớp. Học sinh học trực tuyến cũng trở nên kém tập trung và vất vả để thu nạp kiến thức hơn so với học trực tiếp. Với các cấp học tiểu học, các em nhỏ muốn học được phải cần rất nhiều trợ giúp của cha mẹ. Theo Google Trends, một trong những cụm từ tìm kiếm phổ biến trong giai đoạn tháng 3-4 là làm thế nào để dạy con học được ở nhà cho thấy sự bối rối của phụ huynh.Tuy vậy, với bậc học đại học và cao hơn, chỉ 10% sinh viên tại Mỹ cho rằng học trực tuyến là kém hiệu quả hơn, trong khi khoảng 45% cho rằng việc học là như nhau và 45% cho rằng học trực tuyến cho hiệu quả tốt hơn.Dịch chuyển sinh viên toàn cầuDịch chuyển sinh viên toàn cầu theo cái lối mà đại dịch dẫn dắt đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia. Lý do là với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, học phí của sinh viên quốc tế là nguồn thu cực kỳ quan trọng, thậm chí là nguồn thu chính đối với nhiều trường.Theo báo cáo đánh giá về hậu quả của COVID-19 đối với giáo dục của OECD, các quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất do mất nguồn thu do sinh viên quốc tế gồm: Luxembourg, Úc, New Zealand, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Áo hay Canada. Sinh viên quốc tế tại các quốc gia này chiếm 15 - 25% tổng số sinh viên, cá biệt với Luxembourg, sinh viên quốc tế chiếm gần 50% tổng số sinh viên. Các sinh viên quốc tế thường đóng học phí cao hơn nhiều lần so với sinh viên bản địa.Ở Việt Nam, câu chuyện lại là sự đảo ngược. Do rất nhiều sinh viên Việt Nam năm nay không thể đi du học được, họ quay sang tìm kiếm chỗ học tại Việt Nam, khiến tỉ lệ tuyển sinh của các trường đại học Việt Nam được dự báo tăng đáng kể. Do số liệu cuối cùng về tuyển sinh đại học của năm 2020 phải chờ tới tháng 2-2021 mới cập nhật đầy đủ, ta có thể hình dung qua số liệu tăng du học sinh các năm của Việt Nam suốt 5 năm qua là 15-20%/năm (mức cao nhất thế giới) và so với mức tăng trưởng của thị trường du học sinh toàn cầu là 5-6%. Theo báo cáo của UNESCO, vào năm 2018 Việt Nam đã có trên 100.000 du học sinh, sinh viên.Thảm họa kích thích đổi mớiNhư vậy ở quy mô toàn cầu, hầu như toàn bộ ưu - nhược điểm của giáo dục trực tuyến đã bộc lộ rõ nét. Ta đã có đủ cơ sở để nhận định rằng với giáo dục đại học và sau đại học, xu hướng dịch chuyển sang trực tuyến sẽ vô cùng mạnh mẽ trong những năm tới, sau cú huých COVID-19.Với tỉ lệ ủng hộ hiệu quả của học trực tuyến ở mức trên dưới 90%, việc học trực tuyến sẽ trở thành phương thức đào tạo thay thế và thậm chí là phương thức chủ đạo cho các trường đại học trong những năm tới. Khi các dự báo của giới khoa học dịch tễ về tình hình đại dịch năm 2021 vẫn còn đầy tính bất định, việc các trường đại học tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo trực tuyến là điều dễ hiểu. Giảng viên và sinh viên sau một năm làm quen với phương thức mới này chắc chắn thích nghi ngày một tốt hơn, và phương thức này sẽ ngày một hoàn thiện hơn.Nhưng ở bậc phổ thông, đặc biệt với cấp tiểu học, việc học không chỉ là học kiến thức mà còn cần tới nhiều hoạt động tương tác khác - điều mà học trực tuyến rất khó đáp ứng. Hàng trăm triệu học sinh bị mất đi hoặc thiếu cơ hội giáo dục đầy đủ trong năm 2020 chắc chắn sẽ có hệ quả lâu dài mà các quốc gia phải tìm cách khắc phục. Và nếu giữ cái nhìn lạc quan hơn, đại dịch này cũng thúc đẩy việc học tập tích hợp và ứng dụng sâu rộng CNTT trong giáo dục phổ thông. Hơn 1 tỉ học sinh phổ thông đã được tiếp cận các phương thức học từ xa, rất nhiều em đã nói đó cũng là một phương thức học thay thế hiệu quả. Ít nhất, bên cạnh việc học theo lối truyền thống, việc bổ sung các phương thức học mới cũng giúp người học có nhiều lựa chọn và cách tiếp cận đa dạng hơn.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nhìn lại 2020 Tiếp theo Tags: Giáo dụcHọc trực tuyếnNhìn lại 2020Học từ xaCông nghệ giáo dụcEdtech
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.