TTCT - Hơn ai hết, chính các nhà quản lý ở các trường ĐH cũng thấy được tình hình “bi đát” về sức khỏe của sinh viên VN, và môn giáo dục thể chất không hiệu quả... Nhóm sinh viên thuộc nhiều trường ĐH khác nhau trong ĐHQG TP.HCM chơi bóng rổ sau giờ học. Ảnh: Duyên Phan TS Lê Hữu Phước (phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM): Chưa có thể dục thể thao học đường đúng nghĩa Ở đây tôi chỉ nói về vấn đề “tổ chức khám sức khỏe đầu vào và định kỳ cho sinh viên (SV)”. Có thể thấy tất cả các trường ĐH, CĐ đều tổ chức khám sức khỏe đầu vào cho SV theo đúng quy định nhưng việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ thực sự gây khó khăn, lúng túng cho đại đa số các trường. Theo tôi biết, chỉ một số ít trường tổ chức được việc khám sức khỏe cho SV năm cuối, còn giữa khóa học (năm 2, năm 3) việc này bị bỏ lửng. Trong thực tế, không trường nào có thể thực hiện được việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (từ 18 tuổi trở lên phải khám sức khỏe định kỳ cá nhân 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần). Chính vì các trường không thực hiện được việc tổ chức khám định kỳ mà đến cuối khóa mới tổ chức, nên SV không thấy được lợi ích thiết thực của việc khám sức khỏe. Huống chi, để có đầy đủ thông tin về sức khỏe do các cơ sở y tế có uy tín cung cấp, hiện nay người đi khám phải tốn hàng triệu đồng. SV chỉ đóng 50.000-100.000 đồng nên kết quả khám mang tính chất chiếu lệ. Thực tế là do có ưu thế tuổi trẻ, tự tin về sức khỏe thanh xuân, cũng có thể do hoàn cảnh xa nhà, khó khăn, nên không ít SV chưa chú tâm đúng mức đến việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe hoặc không có điều kiện rèn luyện thể lực, thăm khám sức khỏe định kỳ. Việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe trước hết là của mỗi người, không ai có thể làm thay mình được. Nhà trường chỉ có thể vận động, tuyên truyền, tư vấn (và giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp đặc biệt), chứ không thể là “bảo mẫu” cho SV trong vấn đề sức khỏe cá nhân. Nói cách khác, các em phải hết sức chú trọng lo cho sức khỏe của mình. Các chỉ số thống kê đều cho thấy thể lực của người VN - trong đó có SV - đều có những mặt thua sút so với sinh viên các nước tiên tiến. Đây là điều cần phải giải quyết bằng nhiều giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Tôi không nghĩ rằng công tác giáo dục thể chất trong nhà trường hiện nay mang tính hình thức; nhưng hiệu quả giáo dục thể chất trong nhà trường chưa đáp ứng được mong đợi của cả người dạy lẫn người học. Các cơ sở giáo dục đều có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên, cải tiến nội dung chương trình... để phục vụ công tác giáo dục thể chất, ta nên ghi nhận những nỗ lực này trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hiện nay. Nhưng rõ ràng, hiệu quả đạt được từ công tác này còn thấp. Chúng ta chưa có được một nền thể dục thể thao học đường đúng nghĩa để góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần thường xuyên cho người học. Chương trình giáo dục thể chất áp dụng hiện hành trong nhà trường chưa làm được điều đó (đương nhiên vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan) - đó là thực tế cần nhìn thẳng. Ai cũng mơ ước trường mình, SV mình có được những sân bãi, phương tiện tập luyện thể dục thể thao tiên tiến, hiện đại, phong phú đáp ứng được niềm say mê luyện tập và chơi thể thao rất đa dạng của mọi người. Nhưng chúng ta chưa có được, mà lý do đầu tiên (và muôn thuở) là không có đủ tiền, nhất là để đầu tư cho giáo dục thể chất. Lý do thứ hai là chúng ta chưa thực sự quan tâm thực hiện giáo dục toàn diện. Trong 4 nội dung đức - trí - thể - mỹ, ta đang quan tâm đến trí rồi đức, thể và mỹ chưa được thể hiện rõ ràng, đầy đủ trong nội dung và chương trình đào tạo. Nếu giải quyết được hai vấn đề tiên quyết này, công tác giáo dục thể chất sẽ được cải thiện. Các nhóm sinh viên tự tìm sân chơi cho mình trong KTX, hip hop là loại hình nghệ thuật được các bạn trẻ ưa chuộng. Ảnh: Duyên Phan TS Vũ Quốc Huy (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Việt Đức): Chúng tôi không bắt buộc sinh viên học thể dục Hiện nay phần lớn trường ĐH VN chưa chú trọng đến thể thao học đường, chưa coi đây là nội dung chính quan trọng trong quá trình đào tạo để đầu tư một cách đúng mức. Vì vậy, hoạt động thể thao trong học đường hiện dừng lại ở mức yêu cầu SV phải theo học các môn thể dục bắt buộc trong chương trình đào tạo với rất ít môn (hầu hết các môn này không hứng thú với SV) để các em lựa chọn. Vì thế, SV cũng chỉ theo học để đối phó mà hoàn toàn không có tinh thần thể thao để rèn luyện sức khỏe, càng không có đội tuyển thể thao SV tham gia các giải thi đấu thể thao lớn như SV các nước. Trường ĐH Việt Đức xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo chương trình của các trường đại học đối tác của CHLB Đức. Trong chương trình đào tạo của trường tôi hiện không có môn giáo dục thể chất, trường cũng không bắt buộc SV phải học các môn thể dục. Nhà trường chỉ tạo điều kiện tổ chức các CLB thể thao SV (gồm nhiều môn thể thao: bóng đá, bơi lội, võ thuật, bóng bàn, tennis...), khuyến khích SV chơi các môn thể thao thông qua các CLB này - vốn đang hoạt động khá mạnh, thường xuyên tổ chức, tham gia các giải thi đấu trong và ngoài trường. Mặc dù trường không dạy môn bơi nhưng mới đây SV sinh viên của trường chúng tôi đoạt giải môn bơi lội của tỉnh Bình Dương. Việc tổ chức giảng dạy các môn thể dục nên để các trường linh động, không cần đưa vào chương trình đào tạo như một môn học bắt buộc. Nhà trường cần giáo dục ý thức rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất cho SV qua việc tổ chức các sân chơi thể thao sinh động, hấp dẫn để thu hút SV, đồng thời các trường cần đầu tư các cơ sở vật chất, sân chơi của nhiều môn thể thao như một dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của các SV.■ PGS.TS Hồ Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM): Cần xây dựng tinh thần thể thao Chương trình giáo dục thể chất trong trường học cần được thiết kế, tổ chức linh hoạt hơn, không nên cứng nhắc như hiện nay. Việc ép buộc SV phải học theo một số môn, lên thời khóa biểu đã dẫn đến việc SV phải học theo kiểu đối phó. Các cấp học hiện nay tổ chức dạy môn thể dục nhưng không phải là môn thể thao thực sự đáp ứng được nhu cầu người học. Như vậy, cần phải xây dựng tinh thần thể thao. Muốn làm được điều này cần phải bố trí thời gian cho SV có thể chơi thể thao được. Mặt khác, các trường ĐH VN hiện nay đều thiếu sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao học đường kém. Đến cuối giờ chiều các trường đại học đều đóng cửa, SV không có chỗ chơi thể thao. Phần lớn SV sau giờ học là lên xe về nhà, không tham gia chơi môn thể thao nào cả. Chính điều này hình thành thói quen lười vận động trong người Việt trẻ và dẫn đến thể lực kém. Bên cạnh đó, các giải thi đấu thể thao dành cho SV trong mỗi trường và giữa các trường hiện nay quá ít ỏi, không khuyến khích được tinh thần luyện tập, thi đấu trong SV. Nhiều trường ĐH ở các nước luôn xem trọng và đầu tư rất lớn cho việc này, sinh viên của họ hiểu rằng nếu không chơi thể thao thì không có sức để học được. Mỗi buổi chiều, hầu hết SV đều tham gia các môn thể thao mình yêu thích... Nhà trường luôn mở cửa suốt để SV có thể đến học tập và chơi thể thao bất cứ giờ nào. Trường tôi đang dự định thành lập các đội nhóm thể thao để SV tham gia chơi, tổ chức giải thi đấu các môn thể thao. Để khuyến khích tinh thần luyện tập tự giác của SV, nhà trường đang tính đến việc những SV chơi giỏi môn thể thao nào đó (qua việc đoạt giải ở các giải thi đấu do trường tổ chức) có thể được miễn học môn giáo dục thể chất, đồng thời dự định xây hồ bơi phục vụ SV. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn về nhân sự và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện ý định này. Hiện tại, do không có người phụ trách nên trường phải thuê giảng viên giáo dục thể chất về dạy cho SV theo đề cương chương trình của môn học. Muốn phát triển thể lực cho SV nói riêng, giới trẻ nói chung, Chính phủ phải có kế hoạch đầu tư bài bản. Bộ GD-ĐT cần để các trường linh hoạt tổ chức các hoạt động thể thao trong nhà trường để nâng cao thể chất người học. Muốn phát triển thể lực của dân tộc, về nguyên tắc phải tập trung phát triển thể lực cho HSSV. Họ chính là lực lượng lao động tương lai, nếu thể chất kém thì không thể làm việc tốt được. Người Việt lười vận động * Theo nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động. VN bị xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Và hiện nay, thể trạng của người VN kém xa với các nước trong khu vực, không những về chiều cao, cân nặng mà cả về các tố chất thể lực, sức bền. (Theo tạp chí Sức Khỏe & Đời Sống) * Tháng 7-2017, tạp chí Nature công bố một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) về mức độ vận động của người dân ở 100 quốc gia trên thế giới. Theo đó, VN nằm trong tốp 10 từ dưới đếm lên, với bình quân mỗi ngày chưa đến 4.000 bước chân. Nghiên cứu này thu thập dữ liệu nặc danh từ hơn 700.000 người sử dụng ứng dụng di động. Tags: Sinh viênLười vận độngTinh thần thể thao
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.