04/03/2014 05:19 GMT+7

Giáo dục tại nhà

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

TT - Không cần phải đến trường, những đứa trẻ vẫn được thụ hưởng một nền giáo dục do chính cha mẹ thiết kế.

wDB5ddnE.jpgPhóng to
Một buổi học ở nhà của trẻ em Mỹ - Ảnh tư liệu

Vào cuối những năm 1980 tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, xuất hiện phong trào giáo dục tại nhà, trường học tại nhà hay “không học ở trường lớp chính thức” (homeschooling, unschooling).

Dù được gọi nhiều tên khác nhau nhưng hình thức của phong trào giáo dục này là phụ huynh không gửi con vào học tại trường lớp chính thức mà con họ được học tại nhà.

Phụ huynh sẽ dựa vào năng lực, sở trường, sở thích của con để thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với từng đứa con của mình.

Triết lý của lối giáo dục này là: 1. Tập trung vào học sinh hơn là tập trung vào nội dung chương trình (khác với kiểu giáo dục ở hệ thống trường lớp chính thức là tập trung vào nội dung chương trình); 2. Làm cho học sinh trở nên năng động và thúc đẩy sự tham gia của chính học sinh thiết kế việc học của mình; 3. Thúc đẩy tính độc lập cho học sinh; 4. Phát triển tính sáng tạo, sự tự tin; 5. Khước từ với các hình thức thi đua, điểm số hoặc phân lớp học.

Với phong trào giáo dục tại nhà, giáo viên có thể là phụ huynh hoặc các thầy cô được phụ huynh tin tưởng thuê về dạy. Mặc dù việc học tại nhà có thể khiến các em không có được bằng cấp do nhà trường cung cấp, nhưng các em có thể tham gia kỳ thi SAT và dùng nó để đăng ký vào các trường đại học một cách dễ dàng nếu đạt điểm số sao.

Ngoài những đặc điểm trên còn có nhiều lý do khác khiến cha mẹ không gửi con cái mình vào trường lớp chính thức.

Cụ thể, theo cuộc thăm dò được Bộ Giáo dục Mỹ tiến hành năm 2006, có 31% phụ huynh được hỏi cho biết họ chọn loại giáo dục tại gia đình cho con cái là vì lo ngại tình hình an ninh, ma túy và những tác động xấu từ bạn bè trong môi trường học đường; gần 30% khẳng định họ chọn kiểu giáo dục tại nhà vì muốn cung cấp cho con cái họ nền giáo dục luân lý và tôn giáo của gia đình; và 16,5% cho biết họ không hài lòng với hệ thống học đường.

Mặt khác, nhiều gia đình cho rằng lối giáo dục này giúp củng cố mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình, dễ dàng mang đến cho con họ một nền giáo dục có chất lượng cao dựa nên năng lực, sở thích, nhu cầu của từng đứa trẻ.

Kiểu giáo dục này tập trung vào từng cá nhân nên cha mẹ có thể điều chỉnh nội dung học theo năng lực của từng đứa con, không có chuyện “theo không kịp” chương trình. Bên cạnh đó trong kiểu giáo dục này không có phân ra thành lớp mà tất cả mọi đứa trẻ đều học chung với nhau, mỗi đứa có nội dung học riêng và đứa lớn sẽ giúp đứa nhỏ học.

Một lợi điểm khác của kiểu giáo dục tại nhà là chi phí cho mỗi học sinh không cao như khi học ở trường lớp chính thức. Trong nghiên cứu của mình, giáo sư kinh tế Clive Belfield ước tính chi phí hằng năm cho một đứa trẻ học tại nhà khoảng 2.500 USD trong khi học tại trường công lập lên tới 8.000 USD (nguồn: www.wahm.com/articles/the-cost-burdens-of-homeschooling.html).

Nhưng kiểu giáo dục tại nhà không phải không có những hạn chế, chẳng hạn như nó sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xã hội hóa cá nhân (quá trình đứa trẻ được uốn nắn, học hỏi để hội nhập vào xã hội), hoặc là đứa trẻ sẽ không học được tinh thần hợp tác...

Dù vậy hiện nay hình thức giáo dục này phát triển rất mạnh tại Mỹ. Năm 1999 mới có 850.000 phụ huynh chọn kiểu giáo dục này thì đến năm 2009 con số này là hơn 2 triệu người. Tại Anh vào năm 2009 cũng đã có khoảng 50.000 phụ huynh chọn kiểu giáo dục này cho con. Ngoài ra, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan, Bỉ, Canada, Nam Phi, Ấn Độ... cũng đã chấp nhận kiểu giáo dục này.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên