Phóng to |
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Kiều Linh |
Giáo dục chịu trách nhiệm
Bàn về giáo dục nhân cách thanh niên trong nhà trường, phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng nền giáo dục phải chịu trách nhiệm, không thể chối bỏ về sự lệch lạc nhân cách của giới trẻ ngày nay. Thực tế, môn đạo đức trong nhà trường không hề gây hứng thú cho học sinh nên từ lâu đã trở thành môn phụ, tác động môn học thấp. Đặc biệt, môn giáo dục công dân từ lớp 10 trở đi có nhiều nội dung không cần thiết, nhiều bài trừu tượng, khó hiểu. “Trong bất kỳ thời điểm nào thì sự noi gương của người thầy giáo luôn mang lại nhân cách cho học trò” - phó giáo sư Văn Như Cương nói.
Đồng ý với ông Văn Như Cương, giáo sư Nguyễn Hữu Khiển cho rằng các bài giáo dục công dân có tư duy giáo điều, triết học này, triết học kia là vi phạm nguyên tắc. Phải đưa ra tình huống giáo dục, tấm gương dũng cảm để thanh niên noi gương. Đồng thời, giáo dục đại học nên có các cơ quan quản lý tách riêng với giáo dục trung học phổ thông trở xuống.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Trần Quang Quý thừa nhận các vấn đề liên quan đến giáo dục đạo đức trong nhà trường có vấn đề: môn đạo đức, giáo dục công dân lạc hậu, thời lượng học ít, nặng về lý thuyết, coi nhẹ các hoạt động ngoại khóa. Ông Quý cho biết Bộ Giáo dục và đào tạo vừa tổ chức rà soát lại môn giáo dục công dân, tới đây sẽ đổi mới sách giáo khoa giáo dục công dân, giảm lý thuyết, tăng thực hành.
Phóng to |
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Kiều Linh |
Đổi mới từ người thầy
Trả lời câu hỏi của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh về giải pháp giáo dục nhân cách thanh niên, tiến sĩ khoa học ngữ văn Đoàn Hương cho rằng cần phải đổi mới từ vấn đề xây dựng người thầy. “Người dạy rất quan trọng, phải xây dựng các thầy thành những cái máy cái, đừng vẽ ra cảnh mộng mơ, hãy dũng cảm nhìn vào sự thật – tiến sĩ Đoàn Hương khẳng định.
Theo tiến sĩ Đoàn Hương: “Chúng ta phải đầu tư lớn hơn cho thanh niên về tinh thần, trí tuệ, tiền bạc vì đây là lực lượng cơ bản của đất nước”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - trưởng Khoa tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng giáo dục nhân cách thanh niên cần giáo dục tính tự chủ vì đứng trước sự biến đổi nhanh chóng về giá trị xã hội, văn hóa, nếu thanh niên không tự chủ được thì sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác.
Về giải pháp nhân cách thanh niên, tiến sĩ Sơn cho rằng có hai con đường là thanh niên phải trải nghiệm và học tập xã hội, quan sát hành vi của người khác để hình thành cho mình xu hướng hoạt động. Đồng thời, phải làm mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương sáng trong xã hội để thanh niên học tập noi gương.
Kết luận hội nghị, ông Vũ Trọng Kim - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam - cảnh báo xây dựng nhân cách thanh niên là vấn đề hết sức phải lưu ý. Thế giới và Việt Nam đang chuyển động, thanh niên cần được gia đình, nhà trường, xã hội giúp đỡ xây dựng niềm tin, vượt khó khăn, tự chủ sáng tạo để trở thành lực lượng hùng mạnh, xây dựng đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận