TTCT - Chương trình 135 giai đoạn II nhằm thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia ở Tây Bắc đã đi vào giai đoạn đánh giá kết quả thực hiện. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ có thể làm ảnh hưởng chính sách đầu tư cho giáo dục. Phóng to Tuổi kết hôn của phụ nữ và nam giới Tây Bắc vẫn ở 14-16 tuổi... - Ảnh: H.D. Tây Bắc của năm 2012 vẫn say lòng người với những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm nằm ven sườn núi. Đường đi đã khác xưa, nhiều đoạn trải nhựa phẳng lỳ, đi vào tận các bản xa. Mỗi điểm xã đều mọc lên những ngôi trường cấp I, cấp II, những trạm y tế mái ngói đỏ tươi giữa màu xanh của núi rừng. Đây là thành quả của chương trình quốc gia 134, 135 về xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số nguy cơ tiềm ẩn... Có trường xã, bản; vẫn gửi con đi học xa Ở bản Chế A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo chúng tôi gặp chị Lầu Thị Sua, có hai con trai nhỏ là Vừ A Hùng (sinh năm 2002), Vừ A Sếnh (sinh năm 2005). Chồng chị là cán bộ nhà nước. Cuộc sống của gia đình chị có phần khá hơn các hộ dân xung quanh với thu nhập kiếm thêm từ cửa hàng tạp hóa. Mặc dù tại xã có trường cấp I, cấp II chỉ cách nhà chưa đầy 1km, nhưng hai con trai của chị đều được gửi xuống thị trấn trọ học cách nhà gần 20km. Hai đứa bé, một đứa học lớp 4, một đứa học lớp 1, cuối tuần mới được về nhà thăm mẹ, mà thực chất là gùi gạo và rau khô đem xuống chỗ trọ. Vậy mà một tháng chị cũng mất 400.000 đồng trả tiền thuê trọ cho con. Thấy tôi ngạc nhiên vì việc cho con đi học xa khi còn quá nhỏ, chị cười bảo: “Học ở trường thị trấn mới tốt chứ trẻ học ở đây (điểm trường trong xã) toàn chơi thôi, có học được đâu”. Các gia đình trong xóm cũng vậy, khi nhận thức được tầm quan trọng của việc học đều tìm cách đầu tư cho con học tại những trường ngoài thị trấn hoặc dưới huyện. Lúc chỉ đường cho chúng tôi ra khỏi bản, anh trưởng thôn còn đèo theo một bao gạo để đem xuống thị trấn cho con trọ học ở đấy. Không chỉ dân địa phương không an tâm vào chất lượng của các trường ở xã, bản, tại bản Pa Có, chúng tôi gặp hộ Nguyễn Văn Quang, Phạm Thị Hồng Nhung - người Kinh, giáo viên của xã Chà Nưa, xây dựng và lập nghiệp ở Chà Nưa nhưng vẫn gửi con gái về thành phố Điện Biên để ông bà chăm lo việc học. Chương trình 135 giai đoạn I (1997-2006) đầu tư chi phí khá lớn xây dựng các điểm trường học trong xã và tại các bản xa nhằm phổ cập kiến thức cho học sinh, thế nhưng những ngày này trên nương vẫn thấy những bóng trẻ em địu nhau lững thững chơi đùa cùng đàn dê, dù lúc đấy phải là giờ các em đang ngồi học trong lớp. Từ trước đến nay, nói về thực trạng giáo dục tại các xã miền núi khó khăn, người ta thường nói về việc thiếu giáo viên trầm trọng. Vì vậy, có giai đoạn các huyện chủ trương ồ ạt tuyển dụng giáo viên dưới xuôi tình nguyện dạy học trên miền núi với nhiều chính sách ưu đãi mà quên đi việc chắt lọc chất lượng giáo viên để chính sách được hiệu quả hơn. Một cán bộ Ủy ban dân tộc huyện cho biết: “Chất lượng giáo viên dưới xuôi kém lắm. Thầy cô chấp nhận cắm bản đa số đều già, nhiều người không có chuyên môn sư phạm mới chấp nhận lên miền núi dạy học”. Bỏ quên “đầu ra” Hôm chúng tôi đến xã Chà Nưa, một cựu hiệu trưởng cho biết: người dân tộc không còn sợ đi học nữa. Hiện nay nhiều gia đình dân tộc đã ý thức được tầm quan trọng của việc học, anh không còn phải đi “dụ” học trò như ngày xưa, mà điều làm anh lo nhất chính là “học xong nhưng không tìm được việc làm”. Đó là một thực tế có thật tại vùng Tây Bắc. 100% xã chúng tôi đi qua (19/19 xã) không có hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Xung quanh các xã cũng không có hình thức thuê mướn công nhân làm việc. Trong hơn 200 hộ gia đình được hỏi, chỉ có duy nhất trường hợp được thuê làm việc dưới Hà Nội. Tuy nhiên, đã sáu tháng trôi qua nhưng người ở nhà vẫn chưa nhận được thu nhập từ người thân của mình. Do đó, dù có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế nhưng người dân Tây Bắc vẫn chưa thể tách khỏi con trâu và cái cày trên những mảnh ruộng bạc màu. Có lẽ lo lắng về việc diện tích nương lúa ngày càng thu hẹp trong khi số dân ngày càng phình to là lo lắng lớn nhất của người vùng cao lúc này. Không có đầu ra cho lao động, người dân không hào hứng với việc theo đuổi nền học vấn cao hơn. Tại những xã chúng tôi khảo sát, cán bộ xã thực hiện rất đầy đủ nhiệm vụ trợ cấp dành cho giáo dục. Trẻ em đi học được nhận trợ cấp của Nhà nước hơn 500.000 đồng một năm. Sau khi kết thúc cấp I và cấp II, các em được học tập trung cấp III tại trường nội trú của huyện hoặc tỉnh với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát tại các xã cho thấy độ tuổi kết hôn của nữ và nam giới vẫn dao động quanh 14-16 tuổi. Như vậy, trường cấp III thực chất không thu hút được đối tượng người dân tộc tham gia học. Phải chăng không thể bỏ qua yếu tố đầu ra lao động khi đánh giá tác động của chính sách giáo dục? Nhìn trên mặt bằng nghề nghiệp nói chung, chỉ còn khu vực nhà nước - gồm các cơ quan hành chính, công an - có thể tiếp nhận người lao động có trình độ. Làm việc trong bộ máy nhà nước tại địa bàn xã nông thôn miền núi đồng nghĩa với một mức thu nhập ổn định, cao hơn hẳn thu nhập từ làm nương. Người làm việc trong cơ quan nhà nước có đời sống khá hơn, tương đương tầng lớp trung lưu mới trong cơ cấu xã hội miền núi Tây Bắc. Cung nhiều, cầu ít, không tránh khỏi những hệ lụy của việc cạnh tranh không lành mạnh. Trong một lần nghe người dân nói chuyện, chúng tôi khá bất ngờ khi biết có một gia đình rao bán ba con trâu để có tiền xin việc cho con vào ủy ban xã. Và bất ngờ hơn nữa khi các thành viên của ủy ban hành chính tại cấp xã thường có mối quan hệ gia đình khá thân thuộc. Như vậy, quan hệ và tiền bạc quyết định việc một cá nhân có nhận được việc hay không. Đối với các hộ gia đình bình thường, sống nhờ vào nương lúa, nương ngô, năng suất trung bình chỉ 1-1,2 tấn/ha. Nếu thuận lợi, người dân có thể bán được với giá 8.000-10.000 đồng/kg lúa. Tổng thu nhập của cả gia đình khoảng 10 triệu đồng, có lẽ sẽ chặn đứng mọi hi vọng tìm được việc bên ngoài vạt nương. Đó là lý do tất yếu khiến trẻ con dân tộc không mặn mà với việc học. Tags: Giáo dụcLao độngTây bắcĐầu raChính sách đầu tư
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.