06/10/2018 18:27 GMT+7

Giáo dục nghề nghiệp mở: Tăng cơ hội học nghề và việc làm

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đó là nhận định của hầu hết chuyên gia tại hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững”.

Giáo dục nghề nghiệp mở: Tăng cơ hội học nghề và việc làm - Ảnh 1.

Theo ông Trương Anh Dũng (phải) - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nền tảng công nghệ cho giáo dục mở phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội học tập cho mọi người - Ảnh: TR.HUỲNH

Hội thảo do Hiệp hội và nghề công tác xã hội VN, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Chương trình đổi mới đào tạo nghề VN - GIZ (CHLB Đức) phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 5-10, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đáp ứng sự thay đổi việc làm thời kỳ mới

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động - tạo việc làm là xu hướng chung của các quốc gia, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho mọi người về cơ hội tiếp cận các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.

"Việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt là những người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống" - ông Diệp nhấn mạnh.

TS Phan Chính Thức - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN - cũng cho rằng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người lao động học nghề - khởi nghiệp - việc làm bền vững; góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Mô hình này cũng tạo nên diện mạo mới của giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số hóa và toàn cầu hóa.

Trong khi đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN, trong bối cảnh lao động ở nước ta còn một tỉ lệ rất lớn lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên đến gần 80% và mỗi năm có đến trên 300.000 học sinh tốt nghiệp, bỏ học ở bậc THCS không học lên THPT, mà bước vào thị trường lao động không có kỹ năng đang là bài toán cần được giải quyết cả ở giáo dục chính quy, phi chính quy và không chính quy. 

"Tuy nhiên, hành chính, luật pháp cũng như niềm tin, nhận thức còn chưa mở thì việc hình thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở vẫn còn là một điều thách thức" - ông Vinh nhận định.

Giảm thiểu rào cản về thủ tục hành chính

Theo TS Phan Chính Thức, để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt phải bắt đầu từ "tư duy và thể chế". 

Từ đó, ông Thức nêu ra một số giải pháp: xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt trong chiến lược phát triển giáo dục mở; đưa các quy định, cơ chế, chính sách vào hệ thống văn bản pháp luật; rà soát, loại bỏ, sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách và các định chế liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, giảm thiểu tối đa các rào cản về thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, ông Thức còn đề nghị xây dựng các trung tâm tài nguyên mở, học liệu mở để lưu trữ, cập nhật, chia sẻ miễn phí, không có rào cản về pháp lý, kỹ thuật và tài chính với tất cả những ai quan tâm.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, còn cho rằng rào cản về sức ì của hệ thống giáo dục vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung vào đầu vào và hướng tới thi cử. 

"Cần kiến tạo một môi trường chính sách thuận lợi cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở. Giải pháp chung về chính sách giáo dục mở là xây dựng chiến lược giáo dục mở, tổ chức thực hiện khung trình độ quốc gia, tạo môi trường sinh thái về giáo dục mở trong toàn hệ thống" - ông Tiến kiến nghị.

GS Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đề nghị chia trình độ đào tạo sơ cấp (gồm các khóa đào tạo ngắn hạn với các thời lượng đào tạo khác nhau) thành 3 bậc: sơ cấp 1, sơ cấp 2 và sơ cấp 3, tương ứng ba bậc 1-3 trong khung trình độ quốc gia. 

Thiết kế chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp thành các môđun, tín chỉ năng lực và tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy môđun, tín chỉ. 

Quy định thời lượng đào tạo mềm dẻo, linh hoạt theo yêu cầu của từng nghề, từng trình độ đào tạo, các môđun, tín chỉ có thể chuyển đổi giữa các ngành nghề, trình độ bằng hình thức bổ sung, nâng cao. 

Bổ sung các tín chỉ văn hóa (bắt buộc, hướng nghiệp) và các môđun nghề nghiệp để học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp đạt yêu cầu tương đương trình độ tốt nghiệp THPT.

Chính phủ và cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp nên làm gì?

TS Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị Chính phủ cần thiết lập nền tảng đảm bảo duy trì một chính sách và hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, đồng thời điều chỉnh hệ thống thông qua một khung luật pháp và các quy phạm pháp luật khác.

Huy động đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp và có cơ chế khuyến khích đào tạo theo nhu cầu, tạo điều kiện để người học được học suốt đời...

Nhà nước thiết kế chính sách và cơ chế để giáo dục nghề nghiệp mở phát triển cả giáo dục nghề nghiệp chính quy, không chính quy và phi chính quy đều quan trọng, nâng cao chất lượng nhân lực; rà soát chính sách, luật pháp liên quan về tài chính, huy động nguồn lực; ban hành các tiêu chuẩn khung cho giáo dục nghề nghiệp.

Bãi bỏ tối đa các thủ tục hành chính, giảm xin - cho để cơ sở đào tạo tiếp cận nhanh nhất đến thị trường. Thực hiện tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên