15/11/2018 07:27 GMT+7

Giáo dục mở tại Việt Nam - cơ hội lớn còn bỏ ngỏ

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ
NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ

TTCT - Giáo dục mở tại Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về năng lực nhân sự, chính sách phát triển, chất lượng nguồn tài liệu, vấn đề bản quyền, nguồn kinh phí...

Giáo dục mở tại Việt Nam - cơ hội lớn còn bỏ ngỏ - Ảnh 1.

Giáo dục mở tạo cơ hội được sử dụng các tài nguyên dạy, học, nghiên cứu của mọi người - Ảnh minh họa: sng.ac.jp

(GDM) đã được chứng minh ở nhiều nước là con đường hữu hiệu và khả thi để thỏa mãn những ai muốn có được trình độ đại học mà không tạo thêm gánh nặng cho giáo dục đại học.

Việc phát triển GDM ở Việt Nam, sau một thời gian rầm rộ rồi chững lại, đang đứng trước những thách thức đặc thù do tình hình trong nước, cũng như các thách thức chung của GDM trên thế giới.

Hiểu sao cho đúng về giáo dục mở?

Trên thế giới đang phổ biến các định nghĩa về GDM của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, của SPARC - Liên minh toàn cầu cam kết làm cho GDM trở thành mặc định cho nghiên cứu và giáo dục, và của Opensource.com (trang xuất bản các kinh nghiệm về việc áp dụng và chia sẻ giải pháp nguồn mở).

Nhìn chung, các định nghĩa này đều cho rằng GDM là việc loại bỏ các rào cản để người học tiếp cận được các tài nguyên giáo dục, các tài nguyên phục vụ cho việc dạy, nghiên cứu, rộng lớn hơn là để tiếp cận được nền tri thức của nhân loại. 

Bằng việc loại bỏ các rào cản tiếp cận tri thức đó, cơ hội được giáo dục sẽ trở nên sẵn sàng cho tất cả người học bất kể họ là ai và bất kể tình trạng kinh tế của họ ra sao. 

Nói cách khác, GDM theo nghĩa cơ bản nhất là mô tả mô hình giáo dục được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy thông thường, bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển nguồn tư liệu GDM trong mọi môi trường học tập. 

Tính chất mở này nhấn mạnh vào sự linh hoạt của hệ thống, giảm thiểu những rào cản đối với người học gây nên do tuổi tác, địa điểm, thời gian và tình trạng kinh tế.

Nền tảng tính mở theo ý nghĩa này của GDM là tài nguyên GDM, là các tài nguyên dạy, học và nghiên cứu không có các chi phí và không có các rào cản tiếp cận, cho phép bất kỳ ai tự do sử dụng, tùy biến thích nghi và chia sẻ tài nguyên đó - bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. 

Việc cho phép sử dụng tài nguyên GDM được định nghĩa theo quy tắc "5R": người sử dụng được tự do để giữ lại, sử dụng lại, làm lại, pha trộn và phân phối lại các tư liệu giáo dục đó.

Mặc dù Việt Nam đã được tiếp cận các nguồn tài nguyên GDM cùng thời điểm với các nước khác trong khu vực châu Á, nhưng việc phát triển GDM trong nước chưa được ứng dụng, khai thác và triển khai rộng rãi. 

Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TP.HCM được thành lập năm 1993 là hai trường đại học tiên phong trong việc cung cấp các chương trình đào tạo từ xa phù hợp với khái niệm GDM. 

Các dự án GDM tại Việt Nam có thể kể đến như Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool (hiện đã ngừng hoạt động), ĐH FPT áp dụng khóa học Massive Open Online Courses (MOOC) từ giữa năm 2015. 

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã bắt đầu thử nghiệm chương trình tích hợp bài giảng trên Khan Academy, một trường học trực tuyến nổi tiếng trên thế giới, cho sinh viên trường đại học này. Đây là một chương trình dạy toán và các môn khoa học miễn phí từ lớp 1 đến đại học (cơ bản) đã được Việt hóa bằng các đoạn phim và bài giảng ngắn nhằm tăng cường khả năng tiếng Anh của sinh viên.

Việt Nam đã có hai tổ chức lớn liên quan đến công nghệ mở, là Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) với hội viên là các công ty công nghệ và các tổ chức quan tâm đến công nghệ mở, và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quốc gia về công nghệ mở (RDOT) với mục đích thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mở cho cả khu vực công và tư nhân. 

Tuy nhiên cho đến nay, các chương trình trực tuyến được triển khai ở nhiều trường đại học tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các lợi thế của công nghệ thông tin, công nghệ trực tuyến trong việc tổ chức đào tạo.

Dự án của Trường ĐH FPT cũng là một dự án GDM tiềm năng nhưng hiện tại chương trình này chỉ mới áp dụng trong nội bộ và chưa được triển khai rộng rãi ra bên ngoài. 

Ngoài ra, các hệ giáo dục từ xa ở một số trường đại học mặc dù đã có những bước tiến nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như: một số trường chỉ chạy đua về phát triển số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo. Nhiều chứng chỉ, bằng cấp của hình thức đào tạo từ xa vẫn chưa được xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, thừa nhận.

Giáo dục mở tại Việt Nam - cơ hội lớn còn bỏ ngỏ - Ảnh 2.

Giáo dục mở tận dụng được nguồn tri thức nhân loại sẽ giúp ích cho những ai không có điều kiện đến giảng đường đại học - Ảnh: Pinterest

Sao chưa xem trọng?

Theo một số nghiên cứu, có hai thách thức chính của GDM ở Việt Nam: nhận thức về lợi ích của GDM trong các nhà trường ở mọi cấp còn thấp và thiếu chính sách cụ thể từ Nhà nước.

Việt Nam chưa nhận thức được sự thay đổi và lợi ích tích cực từ GDM. Theo bài viết "Giáo dục mở ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp" của tác giả Lê Trung Nghĩa trên Tia Sáng tháng 4-2018, hai đơn vị sở hữu nguồn lực và giải pháp về nguồn mở lớn nhất Việt Nam là Hội Thư viện Việt Nam và VFOSSA lại không tận dụng được hai dự án về OpenCourseWare và Tài nguyên GDM mặc dù hai dự án này đã vào Việt Nam từ năm 2005. Đến năm 2015, hai tác nhân này, đặc biệt là khối thư viện mới có những hoạt động về tài nguyên GDM tích cực hơn.

Các vấn đề liên quan đến bản quyền và giấy phép mở chưa được nhiều tổ chức giáo dục, giáo viên, giảng viên Việt Nam xem trọng. Theo TS Đỗ Văn Hùng - Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội (*), dưới 10% số người được khảo sát có biết về hệ thống giấy phép Creative Commons - đặc trưng của GDM. 

Creative Commons được hiểu là tài sản sáng tạo công cộng với các quy định về giấy phép mở về việc chia sẻ, sử dụng tư liệu, sửa đổi và tái tạo, bao gồm các phương pháp tuân thủ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với người sáng tạo và người sử dụng tài liệu để đảm bảo tính chung của khoa học cũng như tôn trọng bản quyền của các tư liệu và dữ liệu nghiên cứu.

Các hoạt động chính thức về GDM lại không tồn tại trong việc triển khai các dự án tài nguyên GDM. Các dự án này được điều hành bởi các nhà quản lý với nhận thức chung về nguồn tài nguyên mở còn hạn chế, nên dẫn tới việc dự án không tuân theo nguyên tắc hoạt động và phát triển của nguồn mở. 

Mô hình cấp phép, hoạt động và phát triển của nguồn mở đều không đảm bảo được sự bền vững của dự án, gây ra những thách thức lớn trong việc quản lý. Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện tại phần lớn các tài nguyên GDM đang sử dụng tiếng Anh, nên hạn chế khả năng tiếp cận rộng rãi của đội ngũ giáo viên và người học Việt Nam.

GDM tạo ra cơ hội lớn cho toàn ngành giáo dục Việt Nam trong giảng dạy và học tập. Nó cũng tạo ra bầu không khí và môi trường thuận lợi cho tư tưởng học tập suốt đời, tái đào tạo. Tuy đây không còn là vấn đề mới và Việt Nam cũng đã khởi hành từ hơn 20 năm trước, nhưng lại chưa được quan tâm khai thác và phát triển đầy đủ, cũng chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể để đi tiếp một cách đúng đắn.

Các bài học kinh nghiệm trên thế giới, đặc biệt bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay sẽ là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho GDM, vì thế cần đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, cơ chế và áp dụng đồng bộ các biện pháp tài chính, công nghệ thích hợp để tạo ra một hệ sinh thái cho GDM trong thời kỳ mới. 

(*): Bài viết trên tạp chí Thông Tin và Tư Liệu tháng 5-2017.

Xu hướng mới trong đầu tư giáo dục đại học tư ở Việt Nam

TTCT - Giáo dục đang là một thị trường thực sự. Các trường ĐH tư ở Việt Nam hiện nay đã và đang hoạt động hoàn toàn như một doanh nghiệp.

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên