Phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn được đặt lên hàng đầu trong nhà trường và cuộc sống, thế nhưng ở một xã hội khác - xã hội online, phương châm này dường như bị bỏ ngỏ.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM), ở lứa tuổi mới lớn, với tâm lý khao khát khẳng định các giá trị bản thân, các em rất dễ sa đà vào Facebook, vì đây là nơi có thể kết bạn vô giới hạn, được thỏa mãn các nhu cầu giải trí, đặc biệt dễ gây chú ý với đám đông. Mối quan hệ với thế giới ảo càng đậm nét bao nhiêu thì các mối quan hệ trong thế giới thực càng mờ nhạt bấy nhiêu. Mặc dù vậy, thực tế đặt ra là có bao nhiêu cha mẹ biết tên Facebook của con?
Có bao nhiêu cha mẹ dùng Facebook gởi lời mời kết bạn với con mà không bị “chặn”? Hỏi để thấy ngay cả việc tiếp cận với “ốc đảo” thế giới ảo của con còn khó, huống chi là thiết lập phương châm giáo dục lễ nghĩa trong đời thực.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu giao lưu với học sinh Trường tiểu học - THCS Lê Quý Đôn và Trường quốc tế IPS Đồng Nai |
Tại buổi giao lưu gần đây với học sinh Trường tiểu học - THCS Lê Quý Đôn (Đồng Nai), thuộc Hệ thống giáo dục TTC (TTC Edu) của Tập đoàn TTC, về “Kỹ năng sử dụng Facebook thông minh”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng vẫn có những giải pháp để giúp trẻ không bị tổn thương khi quá say mê thế giới ảo Facebook. Đó là bản thân các em phải học được cách kiểm soát bản thân, xác định được mối ưu tiên hàng đầu và biết quản lý thời gian hiệu quả.
Về phía gia đình, thay vì kiểm soát hoặc lên án việc con trẻ chơi Facebook và phán xét khi con sai phạm, hãy dùng chính những trào lưu không lành mạnh trên Facebook để chỉ dẫn con em mình đâu là đúng, đâu là sai. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên tổ chức những buổi giáo dục kỹ năng giúp trẻ nhận thức đúng đắn về những hệ lụy và nguy cơ có thể xảy khi tham gia các trào lưu trên mạng xã hội, cụ thể từ Facebook.
Các em học sinh Trường tiểu học - THCS Lê Quý Đôn tham dự buổi chia sẻ về “Kỹ năng sử dụng Facebook thông minh” |
Thời gian qua, không chỉ riêng Trường tiểu học - THCS Lê Quý Đôn (Đồng Nai), nhiều đơn vị khác thuộc hệ thống TTC Edu đã tích cực tổ chức những chương trình học ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh với chủ đề đa dạng như: “Kỹ năng giao tiếp mạng xã hội”, “Tâm lý tuổi mới lớn và văn hóa ứng xử”, “Vượt qua nỗi sợ hãi”, “Gia đình và lòng hiếu thảo”… Tuy không giúp các em thay đổi nhận thức hoàn toàn, nhưng thông qua chương trình, có thể thấy các em đã nở những nụ cười, đã rơi những giọt nước mắt với những chia sẻ từ các diễn giả, chuyên gia tâm lý.
Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy được các em đã biết lắng nghe, từ biết lắng nghe những điều đúng dắn sẽ dẫn đến nhận thức đúng đắn, từ nhận thức đúng đắn sẽ có những hành vi đúng đắn.
Xã hội online vốn dĩ có rất nhiều cạm bẫy, nếu lứa tuổi mới lớn như các em thiếu những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tự vệ hay tháo gỡ mâu thuẫn thì có thể dẫn đến gây tổn thương cho bản thân và người khác. Nếu xem những viên đá cuội là những việc quan trọng nhất như gia đình, bạn bè, sức khỏe; những hòn sỏi nhỏ là học vấn, công việc, nhà cửa; cát là những điều thứ yếu khác, vậy thì các em sẽ đặt đá cuội, sỏi hay cát vào cái bình rỗng cuộc đời mình đầu tiên?
Hãy xem Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung là những hạt cát, nếu đổ tất cả cát vào bình, khi nhìn lại, các em sẽ thấy không còn chỗ trống dành cho những điều rất quan trọng và quan trọng của đời mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận