Các câu trả lời đó có thể sẽ rất quy phạm, rất dài đến mức sau khi làm việc trong ngành giáo dục hàng chục năm, chúng ta vẫn cảm thấy bối rối khi phải trả lời câu hỏi này.
Là một phụ huynh và một người làm giáo dục, để phục vụ cho công việc của mình, tôi cũng nhiều lần tự trả lời câu hỏi này từ các góc nhìn khác nhau, tương ứng với các vai trò khác nhau.
Với tư cách là người quản lý trường học, tôi cho rằng giáo dục là tổ chức và quản lý việc học và tự học.
Với tư cách là người xây dựng chương trình, tôi cho rằng giáo dục là thiết kế và tổ chức triển khai một hệ thống các trải nghiệm qua đó người học khám phá, đào luyện và trưởng thành.
Với tư cách là người suy tư, tôi cho rằng giáo dục là hành trình vượt thoát khỏi những giới hạn cho chính giáo dục mang lại.
Nhưng tất cả các cách trả lời đó xem ra vẫn ít nhiều mang tính hàn lâm và khó nhớ với những người đang ở tuyến đầu của giáo dục. Đó là các thầy cô giáo đang lên lớp và các cha mẹ học sinh đang đối mặt với việc dạy con hằng ngày.
Với những người đang "lăn lóc" hằng ngày hằng giờ trong thực tiễn giáo dục như vậy, một câu trả lời gọn gàng, dùng ngay được, có giá trị hơn rất nhiều so với những câu trả lời thâm trầm, sâu sắc của triết gia hay nhà quản lý.
Để tìm được một câu trả lời như vậy, không còn cách nào khác là chúng ta phải truy nguyên về bản chất của giáo dục.
Có lẽ ít ai để ý rằng từ giáo dục, tiếng Anh là education, có gốc tiếng Latin là educere, có nghĩa là kéo ra, khơi ra. Như vậy, ngay từ xa xưa, người ta đã quan niệm giáo dục có nghĩa là khơi ra, chứ không phải là nhồi vào như ta hằng tưởng.
Nhìn lại các hành trình giáo dục mà ta đã trải qua, hay các hoạt động giáo dục mà ta đang thực hiện với trẻ nhỏ, ta bỗng nhiên giật mình: đó là một hành trình nhồi vào không ngơi nghỉ. Nhồi thông tin, nhồi kiến thức, nhồi đạo lý, nhồi quan điểm theo cách liên tục, có tính toán, có quy trình, có pháp chế... vào trong đầu trẻ nhỏ.
Đây là một thực tế giáo dục. Chẳng hạn chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên tiếp cận nội dung, như chương trình giáo dục 2006 mà chúng ta thực hiện trong hơn hai chục năm qua, là cách nói hoa mỹ của việc nhồi vào này.
Phương pháp giáo dục cũng xoay quanh việc nhồi vào càng nhanh, càng nhiều, càng có quy trình và càng dễ kiểm soát thì càng được coi là hiệu quả.
Hệ quả hiển nhiên là sách giáo khoa sẽ trở thành "kinh thánh", thầy trở thành trung tâm của lớp học và hành chính giáo dục thì ngày càng nặng nề và xa rời việc học của trẻ nhỏ.
Khi đó công việc chủ đạo của người thầy là tìm mọi cách để nhồi những thông tin, kiến thức ở trong sách giáo khoa vào đầu trẻ nhỏ theo đúng quy trình đã được duyệt. Còn công việc của các cơ quan quản lý giáo dục là kiểm soát và đánh giá việc thực hiện quy trình nhồi vào đó.
Các cha mẹ cũng luôn lo lắng con mình không được nhồi nhiều bằng con nhà người ta nên đua nhau đưa con đi học thêm. Thầy cô cũng tích cực dạy thêm vì cung cầu đáp ứng, nhất cử lưỡng tiện.
Đó thực sự là một sự trấn áp tinh thần, diễn ra một chiều, không ngơi nghỉ, nhân danh giáo dục, cả ở nhà lẫn ở trường.
Tỉ lệ chán học, mệt mỏi, sức khỏe tâm thần giảm sút... ngày càng tăng của học sinh cũng có một phần nguyên nhân quan trọng từ hành trình nhồi vào bất tận này.
Vì vậy tôi cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại bản chất của giáo dục: đó là hành trình khơi ra, chứ không phải nhồi vào.
Nhưng khơi ra cái gì? Một cách ngắn gọn, đó là khơi ra những khả năng mới của người học. Đó có thể là khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tính toán, khả năng lập luận, khả năng đánh giá, khả năng cảm thụ nghệ thuật, khả năng sáng tạo... và quan trọng nhất là khả năng tự học.
Giáo dục chính là khơi ra những khả năng đó. Suy cho cùng nội dung giảng dạy chỉ là chất liệu để người học sử dụng để khơi ra và đào luyện các khả năng của mình. Khi một hoặc nhiều khả năng được khơi ra, người học sẽ có sự trưởng thành mới.
Với cách hiểu đó, khi đứng lớp, người thầy sẽ không nhìn một học sinh như một đứa trẻ cần dạy dỗ, mà như một đứa trẻ đang dần hiện ra và cần được nuôi dưỡng. Các em đó có thể là nhà khoa học tương lai, nghệ sĩ tương lai, doanh nhân tương lai, chính khách tương lai... tùy theo khả năng của mỗi trẻ.
Chính sự hiện ra của đứa trẻ dưới dạng mới mẻ đó sẽ quyết định cách ứng xử và phương pháp dạy học của người thầy. Nói cách khác, đối tượng làm việc của người thầy chính là các em tương lai đó, chứ không phải một đứa trẻ đang mếu máo ở trong lớp học.
Và khi đó công việc thực sự của những người làm giáo dục, trong đó quan trọng nhất là các thầy cô và các bậc cha mẹ, chính là khơi ra những cái mới của trẻ nhỏ, chứ không phải là nhồi nhét thông tin và kiến thức các môn học như ta vẫn thường thấy.
Rất may chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tiếp cận phát triển năng lực đã khắc phục phần nào hạn chế của chương trình giáo dục 2006 khi đặt trọng tâm vào phát triển năng lực, thay vì trang bị nội dung các môn học.
Vì vậy trước thềm năm học mới 2024-2025, năm đầu tiên chương trình giáo dục 2018 được triển khai hoàn thiện ở cả ba bậc học, ta có quyền hy vọng vào một sự thay đổi về chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Tuy nhiên ta cũng cần phải cảnh giác ở một yếu tố cốt tử: tiếp cận mới đòi hỏi phải đi cùng phương pháp giáo dục mới, mà ở đó khơi ra những yếu tố mới mẻ của người học chính là hồn cốt của phương pháp giáo dục mới đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận