Cha mẹ nào cũng mong muốn đem lại cho con mình một tương lai xán lạn. Nhiều người bắt con mình học nhiều hơn và lâu hơn thời của họ để tìm được những công việc tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn, và đạt được địa vị cao hơn trong xã hội.
Tuy nhiên, cái nhìn về giáo dục của cha mẹ phương Đông và phương Tây có phần khác nhau. Ở những nước phát triển, giáo dục góp phần vào sự cạnh tranh về kinh tế và sự đổi mới của một quốc gia. Ở các nước đang phát triển, giáo dục đóng vai trò “sản xuất” nhân lực thỏa mãn nhu cầu lực lượng lao động hiện đại. Giáo dục được xem là nhân tố tạo khác biệt giữa giàu và nghèo, giữa một cuộc sống sung túc và kham khổ.
Khi cha mẹ phương Tây lo lắng về những chuẩn mực giáo dục và chất lượng trường học, giáo viên thì cha mẹ phương Đông quan tâm về vấn đề “dẫn đầu”, cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua mà cái đích là sự giàu có, thịnh vượng. Tất nhiên là cha mẹ ở cả hai nền văn hóa đều mong muốn con mình được hạnh phúc. Cha mẹ Âu Mỹ mong muốn con cái trở nên tự tin, có thể đối đầu với những thách thức trong cuộc sống và độc lập về kinh tế. Cha mẹ châu Á lấy những thành tích về mặt tài chính, kỹ thuật là thước đo hạnh phúc. Đó là lý do mà nhiều gia đình ở Hàn Quốc chi hơn 50% ngân sách gia đình vào giáo dục, bao gồm chi phí cho những lớp học thêm hay tiền mời gia sư về nhà dạy riêng.
Áp lực từ cha mẹ ở hai nền văn hóa khác nhau nhưng đều gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Ở phương Tây, chúng tôi cố gắng hướng con cái phát triển cá tính và tài năng riêng. Ở phương Đông, mục đích là tuân theo những “lý tưởng” của xã hội. Cha mẹ phương Tây cũng nhấn mạnh về thành tích học tập của con cái, nhưng thường là sự thu lượm kiến thức, hiểu biết rộng rãi và khả năng tư duy sáng tạo cho dù đứa trẻ sau này định hướng đi theo nghề gì đi chăng nữa.
Những trẻ em chịu áp lực thành tích trong thời gian dài sẽ phát triển sự oán giận, nổi loạn và dần dẫn đến sự cự tuyệt gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp học sinh ở Nhật, Hàn Quốc và ngay cả VN, dù là còn ở lớp rất nhỏ, tỏ ra căng thẳng vì điểm số thấp. Các em, những người phải gánh chịu những áp lực, kỳ vọng ảo từ cha mẹ, tự xem mình là kẻ thất bại khi không đạt được những thành tích gia đình mong muốn.
Điều giáo dục cần hướng đến là đào tạo cho các em khả năng xâu chuỗi kiến thức từ tiểu học đến đại học để những gì học được trở nên hữu ích trong đời sống. Tôi thấy còn nhiều em học để nhớ rồi lại quên, quên rồi lại nhớ. Một số học sinh tiểu học của tôi không thể nhớ mình đã học những gì ba tuần sau khi làm bài kiểm tra!
Dẫu biết rằng sẽ rất khó để thay đổi suy nghĩ, cái nhìn của phụ huynh VN về vai trò giáo dục trong xã hội, tôi mong các bậc làm cha làm mẹ hãy hiểu rằng giáo dục không nên là cuộc đua bất tận về điểm số và bằng cấp. Nhiều cử nhân đại học vẫn sống trong nghèo khó trong khi một số người đã bỏ học giữa chừng để theo đuổi ước mơ của mình và trở nên thành công trong cuộc sống. Hãy dạy trẻ biết suy nghĩ, tưởng tượng, mơ ước, tự tin, sáng tạo và chúng ta sẽ có một con người trưởng thành sẵn sàng thay đổi thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận