TTCT - LTS: Giáo dục giới tính, nếu nhìn từ học đường, cần những chương trình bài bản, có tổ chức cho tuổi thiếu niên thì từ góc độ gia đình và xã hội, có thể thông qua những hoạt động thường ngày, rất bình thường cho trẻ em ngay từ tuổi mẫu giáo. TTCT giới thiệu bài viết kết thúc loạt chuyên đề này. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Chưa bao giờ câu chuyện giới tính lại được nhắc đến nhiều như thời nay, đối với mọi lứa tuổi. Và việc giáo dục giới tính được quan tâm một cách tích cực, đôi lúc thái quá, khiến tôi tự hỏi không biết trước đây những tính nữ, tính nam hay thậm chí là các vấn đề của giới tính thứ ba không tồn tại hay sao mà chúng tôi vẫn sống hạnh phúc, không cần để ý tới chúng? Gần đây, tôi được nghe rất nhiều chuyện của các bà mẹ hay kể cho nhau nghe. Họ hốt hoảng vì những thể hiện giới tính hay quan tâm đến tính dục (sex) một cách bất ngờ, lộ liễu và bất hợp lý ở những đứa con bé nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo hoặc những năm đầu tiểu học. Những hành vi kỳ lạ, những lời trao đổi thì thầm qua lại về tình yêu, về “thích nhau”, về chuyện nam nữ... của các em bé khiến không ít bố mẹ bị sốc và chỉ biết tỏ thái độ bằng cách quát, mắng át đi. Giáo dục giới tính thông qua việc trả lời câu hỏi của con Những đứa trẻ từ khi bắt đầu làm chủ được ngôn ngữ thường khiến bố mẹ ong đầu vì những câu hỏi, trong đó có những câu hỏi khó. Chẳng hạn: - Mẹ ơi, sao bạn Hoa lại ngồi tè? - Vì sao buổi trưa con trai phải ngủ riêng, con gái phải ngủ riêng? Con thích nằm cạnh bạn Hoàng cơ, mà cô không cho! Đó chính là những tìm hiểu đầu tiên về giới tính chính đáng cần được bố mẹ giải đáp rõ ràng, khéo léo, dễ hiểu chứ không phải lảng tránh hoặc lờ đi. Bắt đầu từ những hỏi - đáp như thế, bố mẹ có thể giáo dục giới tính cho con rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Nếu bố mẹ có thói quen bỏ qua không đối mặt với những câu hỏi hóc búa của con hoặc những câu hỏi liên quan đến các vấn đề tế nhị như trên, không chóng thì chầy đứa trẻ sẽ tiếp cận nguồn thông tin khác để thỏa mãn tò mò của mình. Vô hình trung, đây chính là bước đầu tiên cho việc chính các phụ huynh bị sốc sau này khi bé con khoe những kiến thức thu nhặt được bên ngoài, từ các nguồn đáng tin hoặc chưa được kiểm chứng. Thật ra, đứa trẻ rất dễ dàng thỏa mãn và nhanh chóng quên đi những băn khoăn khi được nghe một câu chuyện hợp lý và chứng kiến thái độ bình thản, không chút bối rối nào của cha mẹ. Theo tôi, đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, ý nghĩa giáo dục giới tính không nằm trong việc giới thiệu tỉ mỉ về bộ phận sinh dục, về các quá trình phát triển giới tính của con người. Điều này trẻ có thể được học muộn hơn một chút như một vấn đề khoa học. Giáo dục giới tính cho trẻ ở tuổi mẫu giáo cần hiểu là xác lập cho trẻ một khái niệm chung về sự khác nhau giữa nam và nữ, hiểu được mình thuộc giới tính nào và cách thể hiện giới tính ấy trong cuộc sống thông qua các hành vi được coi là thích hợp. Trẻ cần được biết về cơ thể mình, cũng như những nguyên tắc xử sự tương tác với giới khác. Đôi khi chỉ đơn giản là ý niệm con trai rất nên “galăng” với con gái, hay con trai không nên đánh bạn gái, hoặc con gái ở nơi công cộng cần phải có tác phong kín đáo... Giáo dục giới tính còn nằm ở chỗ: chỉ cho trẻ cách xác lập một định nghĩa về bản thân thông qua những câu chuyện tưởng chừng “xa xôi” về tình bạn, tình yêu, về những đồ vật mà em yêu thích, về màu sắc mà em thích dùng, những công việc mà bố (như đại diện cho tính nam) hay làm hằng ngày, những công việc mà mẹ (như đại diện cho tính nữ) hay làm thường ngày và em quan tâm đến công việc nào, thích làm việc nào hơn cả. Trẻ đồng thời cũng cần được biết cảm xúc yêu quý có thể có giữa nam và nữ, được biết vai trò của bố và mẹ như thế nào trong việc tạo dựng một gia đình và việc một đứa trẻ ra đời. Ở đây chỉ cần một chút khoa học và một chút tưởng tượng, bạn hoàn toàn có thể giải thích cho trẻ quá trình hình thành em bé như thế nào. Ngoài ra, khi chúng ta hay nói đến việc chống kỳ thị những người đồng tính, thì việc cho các em biết về giới này cũng là một việc cần làm - cũng với thái độ bình thản, giản dị, để trẻ có thể tôn trọng sự khác biệt về giới tính của người khác như là tiếp nhận một hiện tượng xã hội hoàn toàn bình thường và đúng quy luật của tự nhiên. Chính những thông tin hoặc tín hiệu ẩn chứa nhiều thông tin như thế được đưa đến từ các nguồn tin an toàn là bố mẹ, thầy cô... sẽ dần tạo nên khái niệm về giới tính một cách đúng đắn ở đứa trẻ, dựa trên sự tiếp nhận về các giá trị quan trọng trong quan hệ xã hội như tình bạn, tình yêu - sẽ tránh được các phức tạp thường có khi trẻ đến tuổi dậy thì. Giáo dục giới tính không thể đơn giản là một môn học tách biệt, mà trẻ phải được chuẩn bị để học môn học ấy bằng cách xây dựng một “phông” về cảm xúc, văn hóa, tri thức... từ khi còn nhỏ nhờ gia đình và xã hội, và cả từ thiên nhiên thông qua những bản năng vốn có của con người, sự tiếp nhận các vấn đề về giới tính qua việc bắt chước những người trong gia đình... Điều này chúng ta thấy rõ mỗi khi quan sát trẻ mẫu giáo chơi đồ hàng - trò vợ chồng, trò bố mẹ và con cái... Giúp trẻ tự bảo vệ mình Tuy nhiên nói đến vấn đề giới tính, chúng ta cũng không thể không nói đến những nguy hiểm đến từ bên ngoài ảnh hưởng tới trẻ với vấn đề tính dục. Những thông tin về trẻ em bị lợi dụng tình dục đã rung hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và các nhà sư phạm - cần phải dạy trẻ điều gì để trẻ nhận biết các tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình? Đây là một việc khó, nhất là khi nói chuyện với trẻ lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, bởi nếu không khéo chúng ta có thể làm mất đi sự trong trẻo, hồn nhiên vốn có khi trẻ nhìn thế giới và con người. Vậy có lẽ quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình, rằng “không ai, ngoài con, được quyền va chạm vào cơ thể của con vì người khác có thể làm con đau”. Với trẻ ở tuổi dậy thì, các con cần được học khái niệm “lợi dụng tình dục” trong các giờ học chính khóa, cùng với các vấn đề về sinh trưởng của con người: những biểu hiện của nguy hiểm từ bên ngoài, đến từ một người khác và những hậu quả mang tới. Tiếp đó mới là các bài tập phòng tránh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, các bài tập lựa chọn tình huống để trẻ có thể biết cách tự bảo vệ mình ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên gợi lo lắng, chứ không phải đợi đến khi tình huống xảy ra đã quá rõ ràng và khó có lối thoát. Ở đây, vai trò của bố mẹ hoặc giáo viên rất quan trọng. Họ phải vượt qua được cảm giác ngại ngùng khi bàn vấn đề này với trẻ và tỏ ra rất bình thản, đúng mực, không hoảng hốt. Thái độ đó khiến trẻ nhìn vấn đề một cách khoa học hơn và cũng không quá lo sợ khi nhìn ra thế giới. Thêm vào đó, người lớn phải có thái độ chấp nhận và đối mặt với bất kỳ vấn đề gì trẻ nêu ra, cũng lại một cách bình thản, để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, chân thành, không e ngại, cũng không tự đánh lừa mình rằng “con/học trò của mình còn quá bé, chưa biết đến điều này đâu”! Thái độ tôn trọng, bình tĩnh, tiếp nhận vấn đề và sẵn sàng cùng giải quyết bất kỳ vấn đề nào của trẻ là thái độ cần có trong giáo dục giới tính. EU làm như thế nào? Ở Hà Lan, hầu như mọi trường cấp II đều có các bài giảng về giáo dục giới tính - một phần của môn sinh học, hơn một nửa trường tiểu học có thảo luận về tình dục và tránh thai. Truyền thông đã khuyến khích đối thoại công khai và chương trình chăm sóc sức khỏe đảm bảo một cách tiếp cận bí mật và không phán xét. Hà Lan có tỉ lệ mang thai vị thành niên ở hàng thấp nhất thế giới, và cách tiếp cận của Hà Lan thường được các nước khác coi là hình mẫu. Ở Thụy Điển, giáo dục giới tính trở thành chương trình bắt buộc trong giáo dục học đường từ năm 1956. Môn học được bắt đầu từ tuổi lên 7-10 và tiếp tục ở những lớp cao hơn, có liên hệ chặt chẽ với những môn như sinh học và lịch sử. Ở Anh và Xứ Wales, giáo dục giới tính trong trường học không phải là môn bắt buộc do có nhiều bậc cha mẹ e ngại không muốn cho con tham gia. Chương trình nhắm vào việc giảng dạy hệ thống sinh sản, sự phát triển của bào thai và những thay đổi tâm sinh lý của tuổi thiếu niên, trong khi thông tin về việc ngừa thai và an toàn tình dục thì tùy ý và việc thảo luận về quan hệ tình dục thường được bỏ qua. Anh hiện là nước có mức có thai tuổi thiếu niên cao nhất châu Âu và giáo dục giới tính là vấn đề nóng bỏng trong chính phủ cũng như các báo cáo y tế. Năm 2000, theo một nghiên cứu của Đại học Brighton, nhiều thiếu niên 14-15 tuổi thất vọng với nội dung các bài học giáo dục giới tính. Giới trẻ cảm thấy việc thiếu tin cậy đã ngăn cản họ đặt những câu hỏi cho thầy cô giáo về vấn đề phòng tránh thai. Một nghiên cứu năm 2008 của chương trình YouGov cho kênh 4 truyền hình cho biết: 3 trong 10 thiếu niên nói họ cần nhiều hơn kiến thức về tình dục và giáo dục giới tính. Tags: Giới tínhGiáo dục giới tínhCâu chuyện cuộc sống
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.