Giám thị tại Trường THPT Đống Đa, Hà Nội kiểm tra giấy dự thi và đồ dùng của thí sinh trước khi vào phòng thi - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2019 cơ bản đã thành công.
Kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như lịch sử, tiếng Anh.
“Hướng đi tiếp theo có thể sẽ cho phép thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Các trường ĐH có thể sử dụng kết quả của các trung tâm này để tuyển sinh vài lần trong năm. Khi đó kỳ thi THPT quốc gia sẽ điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết năm nay tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất.
Theo ông Nhạ, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD-ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, lý giải nguyên nhân vì sao môn này môn kia thấp, mổ xẻ rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo. "Các cơ sở đào tạo dần dần hướng tới tự chủ tuyển sinh chứ không lệ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia" - ông Nhạ chia sẻ quan điểm.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tự chủ tuyển sinh cũng đã được giao cho các trường ĐH thực hiện, trong đó có việc nhiều trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, đánh giá năng lực phải đúng nghĩa và chuẩn hóa trong khâu xây dựng đề thi để đánh giá đúng năng lực chứ không phải chỉ là các câu hỏi trắc nghiệm.
Trường điều kiện thấp không nên tổ chức đánh giá năng lực bởi đôi khi hiểu chưa đúng về đánh giá năng lực, tổ chức đánh giá không đúng năng lực người học.
Các thí sinh sau khi hoàn thành phần thi tổ hợp lý, hóa, sinh tại điểm thi Trường Lê Quý Đôn, Q.Đống Đa, Hà Nội trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NAM TRẦN
Chăm chăm tuyển sinh đầu vào
Đối với công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhiều trường hiện nay vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển, trong khi quá trình đào tạo và đầu ra rất quan trọng.
Các trường phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường, để trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa, để trong hệ thống ĐH các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội, người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.
"Chúng ta cần xây dựng nền giáo dục ĐH chất lượng và trung thực. Chất lượng đến đâu, trường công bố đến đó, tránh trường hợp "áo thường" lại dán "hàng hiệu".
Hằng năm chúng ta có gần 1 triệu học sinh thi THPT quốc gia, do vậy không sợ thiếu người học mà chỉ sợ thiếu chất lượng và không trung thực khi công bố chất lượng. Đã tuyên bố thế nào phải thực hiện như vậy.
Chẳng hạn vấn đề giảng viên, các trường đừng dùng kỹ thuật tính toán không đúng thực chất. Học phí cũng cần tuyên bố rõ ràng, đừng công bố lập lờ" - ông Nhạ lưu ý thêm.
Nói về tự chủ ĐH, ông Nhạ cho rằng tự chủ ĐH là trục xuyên suốt mà tuyển sinh chỉ là một khâu, một ĐH phát triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng.
"Chúng ta phải quan niệm lấy người sử dụng lao động làm trung tâm để tạo ra sản phẩm, đưa ra sản phẩm người sử dụng không ưng, người ta phải bỏ tiền thêm ra đào tạo lại là không thành công. Sản phẩm đào tạo dù điểm giỏi, dù thủ khoa mà xã hội không dùng chính người học cũng sẽ chán nản. Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ" - ông Nhạ nói.
Đồ họa: TUẤN ANH
Lo vì nhiều kênh xét tuyển
Việc tuyển sinh hiện nay được giao cho các trường tự chủ với các phương thức khác nhau. Trong số các phương thức xét tuyển, đáng chú ý là phương thức xét học bạ. Có những trường mở rộng tỉ lệ tuyển thẳng đến 30%. Có trường sử dụng phương thức xét học bạ công bố kết quả trúng tuyển khi các địa phương còn chưa công bố kết quả công nhận tốt nghiệp THPT.
GS.TS Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - nhận xét thẳng về việc các trường tốp trên ít sử dụng phương thức xét học bạ do thiếu tin tưởng, trong khi nhiều trường khác đang sử dụng hình thức xét học bạ. Ông Đức đề nghị Bộ
GD-ĐT cần có cách phân tích, thống kê để đánh giá chất lượng đầu vào giữa hình thức "xét học bạ" và "sử dụng kết quả tuyển sinh" để xem kết quả có bị vênh không, chất lượng tuyển sinh giữa các kênh xét tuyển như thế nào.
Về các ý kiến này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng các cơ sở đào tạo cần chủ động trong việc phân tích để đánh giá chất lượng tuyển sinh giữa các phương thức. Ngoài ra phải đánh giá kết quả học tập của sinh viên, kết quả tốt nghiệp và việc làm của sinh viên được tuyển sinh bằng các phương thức khác nhau để làm cơ sở điều chỉnh nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu.
"Các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển cần xác định chỉ tiêu với tỉ lệ hợp lý giữa các phương thức" - bà Phụng đề nghị.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi tổ hợp KHTN tại điểm thi Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Rối với tổ hợp xét tuyển
Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 400 cơ sở đào tạo tuyển sinh với 133 tổ hợp. Nhưng có đến 90% thí sinh đăng ký vào 5 tổ hợp truyền thống, chỉ có chưa đến 10% số thí sinh đăng ký vào hơn 100 tổ hợp còn lại.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Tự chủ không chỉ thu học phí cao
Mục tiêu chính của tự chủ ĐH để nâng cao chất lượng chứ không phải để thu học phí cao. Với học phí cao, không ít sinh viên không kham nổi phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải chuyện học mà việc này lại tác động ngược lại chất lượng đào tạo. Các em không tập trung hoàn toàn vào việc học sẽ mâu thuẫn với mục tiêu nâng cao chất lượng của tự chủ ĐH.
GS.TS Nguyễn Thanh Phương (chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ):
Sớm ban hành nghị định
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH đã có hiệu lực nhưng nghị định hướng dẫn thực hiện vẫn chưa có, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các trường. Các trường rất trông chờ, bộ cần thúc đẩy để sớm có nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường triển khai thực hiện.
PGS.TS Trần Hoàng HảI (phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM):
Luật mâu thuẫn nhau
Tự chủ tuyển sinh của trường đang gặp nhiều khó khăn. Năm trước trường tổ chức kiểm tra năng lực buổi sáng, buổi chiều có thể công bố ngay kết quả trúng tuyển. Năm nay trường tổ chức xong vẫn còn phải chờ bộ lọc ảo theo quy chế nên chưa thể công bố được...
Từ ngày 1-7, hội đồng trường của các trường không hoạt động theo luật nào cả bởi quy định cũ hết hiệu lực trong khi quy định mới chưa có. Một điểm nữa cần lưu ý là Luật giáo dục ĐH mâu thuẫn với Luật quản lý sử dụng tài sản công. Phải sửa Luật quản lý sử dụng tài sản công các trường mới có thể thực hiện quyền tự chủ theo Luật giáo dục ĐH.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận