14/10/2011 04:06 GMT+7

"Giáo dục đại học đang lạc đường"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Dự thảo Luật giáo dục đại học tiếp tục nhận được những phản biện quyết liệt của các nhà khoa học, trí thức Việt Nam trong buổi hội thảo lấy ý kiến về dự thảo được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức hôm 13-10 tại Hà Nội.

Nói về bức tranh toàn cảnh của giáo dục đại học VN hiện nay, GS Hoàng Tụy khẳng định: “Giáo dục đại học đang lạc đường”. Theo GS Hoàng Tụy, toàn bộ dự thảo luật không giúp giải quyết được vấn đề cấp bách của giáo dục: “Yếu kém nhất của đại học là đang đi lạc khỏi con đường chung của thế giới. Nếu lạc hậu thì cải tiến cũng sẽ khắc phục được, nhưng lạc đường thì không có cách nào đuổi kịp được”.

Trao đổi bên lề hội nghị, GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng - người có thâm niên giảng dạy và nghiên cứu 40 năm tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) - cho rằng luật nói hội nhập nhưng lại ngó lơ những cuộc cách mạng giáo dục thành công ở nước ngoài. Trong khi các nước tiên tiến hệ cử nhân chỉ ba năm thì VN kéo dài các chương trình lên bốn năm, hệ kỹ sư bốn năm rưỡi, trong khi nước ngoài năm năm đã nhận bằng thạc sĩ.

“Điều rất bức xúc là không nước nào trên thế giới có nhiều hệ đào tạo như nước ta: hệ chính quy, hệ tại chức, hệ cộng đồng... Ở hệ tại chức, nhiều người học chơi chơi rồi ra trường cũng có bằng như chính quy. Theo tôi, nên thống nhất các hệ đào tạo thành một hệ đào tạo chính quy. Không thể có chuyện người ta học ba năm, anh chỉ học ba tháng cũng ung dung cầm tấm bằng đại học như nhau được. Người học có thể học hè, học tối, nhưng phải bảo đảm theo đủ chương trình của hệ chính quy. Có vậy mới bảo đảm tính công bằng với tất cả người học được cấp bằng” - GS Hưng đề nghị.

Trong bản dự thảo lần này, vấn đề tự chủ đại học được đặt ra ở nhiều hoạt động tổ chức trong nhà trường: hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học - công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế... nhưng theo các nhà khoa học, đằng sau nó vẫn còn ngự trị đậm nét sự quản lý ôm đồm của bộ chủ quản.

GS Hoàng Tụy thẳng thắn: “Trong dự thảo, phần trên thì nói khơi khơi các trường được quyền tự chủ, nhưng lác đác trong nội dung các chương 3, 4, 5 vẫn thấy những phần việc đáng lẽ để trường tự làm thì bộ lại vơ vào. Quy định bộ tổ chức biên soạn giáo trình sử dụng chung, làm tài liệu học tập chính thức cho tất cả các trường là cực kỳ phi lý, lạc hậu”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên