TTCT - Nạn lạm thu chỉ là vấn đề trên ngọn của nền giáo dục. Xã hội Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn lực lẫn quyết tâm đầu tư cho giáo dục, vấn đề là Nhà nước cần phải có cơ chế để những nguồn lực đấy tới đúng chỗ. Giáo dục phổ thông là dịch vụ công phổ quát, tức miễn phí, của tất cả các nhà nước, quốc gia trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế, trình độ phát triển. Do là nhu cầu căn bản được nhà nước bao cấp cho toàn dân nên việc xác định thế nào là "nhu cầu căn bản" phù hợp với phần đông dân chúng, và cũng phù hợp với ngân khố của quốc gia, bao giờ cũng cho ra một con số không thể nào thỏa mãn được một số đối tượng phụ huynh hay một số khu vực thành thị.Con số tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục - vốn luôn được coi là quốc sách - ở Việt Nam khoảng 4,3% tổng GDP hằng năm, tương đương 18% tổng ngân sách, cao hơn số trung bình của thế giới và so với khu vực Đông Nam Á cũng không hề thấp (Malaysia 17% và Indonesia 13%). Tức xét con số thuần túy, tạm khoan đề cập đến hiệu quả chi và thất thoát, cho thấy nhà nước đã làm tốt nhất có thể cho ngành giáo dục.Ngân sách không thể theo kịp nhu cầuDo đó dù có tai tiếng, dù có rất nhiều than phiền lẫn các quy định, khuyến cáo của các sở giáo dục được ban hành mỗi đầu năm học, việc phát sinh các khoản thu lạ, việc ban đại diện phụ huynh biến đồng thuận đa số thành đồng thuận tuyệt đối để mua ti vi, bảng tương tác thông minh, máy lạnh... ở các trường công lập không khá giả sẽ khó mà chấm dứt hay giảm bớt, thậm chí sẽ còn tăng trong tương lai, nếu đời sống ngày một cải thiện hơn.Ảnh: The New York TimesVì ngân sách nhà nước sẽ chẳng khi nào tăng kịp với nhu cầu học tập ngày càng cao hơn, nhiều hơn của học sinh và nhất là của... phụ huynh, trong khi bản thân hiệu trưởng trường học, có muốn vận động xã hội hóa để trường có thêm kinh phí cho lớp học khang trang đầy đủ hơn, học sinh được thoải mái trong giờ học hơn, cũng sẽ chùn bước trước những quy định mà mục đích là ưu tiên tính minh bạch hơn là khuyến khích sự hỗ trợ của xã hội.Mỗi trường phổ thông sẽ được cấp một khoản kinh phí hằng năm, căn cứ vào số học phí thu được, cho các hoạt động liên quan duy trì cơ sở vật chất. (Các khoản đầu tư xây mới, sửa chữa lớn cho đầu năm học, trang cấp máy móc thiết bị phục vụ dạy học thì do sở và chính quyền quản lý). Khoản này, nếu tiêu hết khi phát sinh các chi phí thuộc hạng mục nhà trường quản lý, hiệu trưởng và hội đồng trường phải xoay xở từ các nguồn khác.Các trường lớn, ở trung tâm sẽ xông xênh hơn nhờ các khoản tài trợ ủng hộ của nhiều thành phần, ví dụ học trò cũ thành đạt chẳng hạn. Với các trường vùng sâu vùng xa, miền núi, thường nhờ cậy các chương trình, tổ chức từ thiện cá nhân. Còn ở mức trung trung, kinh phí này có được thường phải nhờ ban đại diện phụ huynh. Khoản thu này, vì hàng chục lý do khác nhau, trở thành sự ngại ngùng của toàn xã hội mỗi khi nhắc đến.Nhưng dù có ngại ngùng, dù có lạm thu, thậm chí có cả nhũng lạm, chúng ta buộc phải thừa nhận những khoản thu này sẽ vẫn tồn tại, nếu chúng ta muốn con cái mình được học hành tốt hơn mức "nhu cầu căn bản" mà nhà nước có thể bao cấp, vốn là quy định cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải một hai vùng đô thị khá giả nhất. Sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào giáo dục công lập không phải là một lựa chọn. Trong một nền kinh tế thị trường bình thường, giáo dục công lập không thể tồn tại nếu thiếu lĩnh vực tư nhân.Tình trạng lạm thu ở các trường công lập thời gian qua gây nhiều bức xúc trong xã hội, và đặc điểm chung của hầu hết các khoản thu "ngoài luồng" là để phục vụ các dịch vụ cộng thêm do lĩnh vực tư nhân cung cấp. Dù là các khóa học nâng cấp (STEM, tiếng Anh tích hợp, ngoại khóa...) hay cơ sở vật chất đặc biệt hơn (máy lạnh, máy chiếu, ti vi...), thì đó đều là những dịch vụ nằm ngoài khả năng chi trả của ngân sách.Nhưng ngay cả ở mức độ dịch vụ cơ bản, thực tế không thể phủ nhận là nền giáo dục công lập hiện đã có sự tham gia rộng khắp của lĩnh vực tư nhân. Ở các trường công lập, suất ăn bán trú, dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe buýt, các lớp ngoại khóa tổ chức tại trường... đều do tư nhân hoặc cá nhân cung cấp. Tương tự, cơ sở hạ tầng của trường, dụng cụ học tập, phòng thí nghiệm... đều phải dựa vào những hoạt động thị trường thuần túy - thuận mua vừa bán.Chi tiết những số liệu này ở Việt Nam thật khó tìm nhưng vẫn có thể mường tượng đại khái qua thống kê ở Mỹ. Nước này dành ra 751,7 tỉ USD cho giáo dục mẫu giáo đến lớp 12 công lập năm 2021, tuyệt đại đa số các khoản chi đó là cho hàng hóa và dịch vụ tư nhân cung cấp. Một vài ví dụ: các trường công ở Mỹ trả 27 tỉ USD mỗi năm cho dịch vụ đưa đón học sinh. 1/3 các tiểu khu giáo dục thuê dịch vụ xe buýt tư nhân, giúp họ tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi năm so với tự trang bị xe.Điều đó đồng nghĩa để hỗ trợ giáo dục công lập, lĩnh vực tư nhân sẽ có vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định. Vấn đề của nhà nước ở đây chỉ là làm sao để những nguồn lực đấy có thể được tận dụng tốt nhất phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là dịch vụ giáo dục chất lượng tốt cho người học. Một vài ví dụ là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp "phụ trợ" của lĩnh vực giáo dục; kêu gọi và mở đường cho đóng góp tư nhân - cả lợi nhuận và phi lợi nhuận; mở rộng quyền xoay xở và tự quyết cho nhà trường; và cả hỗ trợ để các hội phụ huynh hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn, thay vì tìm cách cấm đoán hay cào bằng để tạo ra một tình trạng bình đẳng hình thức. Nếu so sánh với trường tư, các khoản thu của họ thường rất ít gạch đầu dòng, nhưng mỗi khoản đều phải bảy con số trở lên và được thông báo một lần từ rất sớm. Đấy là quan hệ mua bán, có đắt có rẻ nhưng sòng phẳng, minh bạch và tệp khách hàng là khá tương đồng về khả năng chi trả. Trường tư, về bản chất là kinh doanh giáo dục, dù được gọi dưới bất cứ cái tên nhân văn mỹ miều gì. Trong khi đó, đặc điểm của trường công là dịch vụ công, phi lợi nhuận, nhưng do phổ thu nhập của gia đình học sinh quá rộng, khó có bất cứ khoản thu phát sinh thêm nào có thể nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của phụ huynh, mà giải pháp ai có thể đóng bao nhiêu thì đóng, không cào bằng ít khi thành công vì nhiều lý do.Cởi trói cho một nguồn lực dồi dàoGiải pháp khả thi nhất được các hiệu trưởng mong muốn là thu hút các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Hiện quy định về kiểm soát nguồn thu này (thông tư 16-BGDĐT) rất rõ ràng, đến mức các hiệu trưởng sẽ chỉ muốn nhận tài trợ dưới dạng hiện vật hay công trình chìa khóa trao tay, thay vì tiền mặt để khỏi mất thời gian, công sức giải trình.Việc xác định một khoản chi ủng hộ trường học "là chi phí hợp lý" là một quá trình nhiêu khê mà thông thường doanh nghiệp hay cá nhân sẽ ủy quyền cho một doanh nghiệp chuyên về sách thiết bị trường học mua và tặng lại cho trường thứ gì trường thiếu. Tính hiệu quả của giải pháp này không cao vì thường rơi vào trường hợp doanh nghiệp đang muốn bán sản phẩm gì đó hơn là học sinh đang cần thứ gì.Cái hội đồng trường cần và xã hội vẫn có thể cho, là tiền mặt để sử dụng được vào các mục đích hợp lý khác nhau, nhưng giải pháp cho tặng tiền mặt lại bị hạn chế vì các quy định rất nhiêu khê, mang tính kiểm soát hơn là khuyến khích hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trường học. "Không phải là nhiêu khê, mà là quá nhiêu khê" là lời ta thán không chỉ của một vài hiệu trưởng khi nói tới chuyện huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ nhà trường.Sự nhiêu khê đấy dần dà được đẩy qua cho ban phụ huynh, và có thể tiếp theo là sự buông xuôi, nản lòng của những người có tâm huyết với công tác xã hội hóa phi lợi nhuận cho các trường công. Các quỹ từ thiện giáo dục hay tổ chức khuyến học của dòng họ ở một đất nước hiếu học như Việt Nam chưa bao giờ thiếu tiền, ngay cả ở những vùng quê xa xôi. Thế thì tại sao việc tạo quỹ cho trường học lại vừa khó về quy định vừa không được sự đồng thuận của toàn xã hội như vậy?Trong bối cảnh này, vấn đề không nằm ở chỗ có tiền không, mà là làm sao để tiền đến được dễ dàng và khuyến khích nó được sử dụng có ích. Với cách nhìn đấy chúng ta cần phải duy trì được một niềm tin rằng giáo viên và hiệu trưởng phải là những người đáng được tin tưởng nhất trong xã hội. Bằng không thiệt thòi thuộc về trẻ con, những người đang đi học.■ Tags: Giáo dục công lậpGiáo dục phổ thôngDịch vụ côngNgành giáo dụcNgân sách nhà nướcTrường công lậpCơ sở vật chấtTình trạng lạm thuSở Giáo dụcHội phụ huynh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?