03/06/2015 08:04 GMT+7

Giáo dục công dân đã được xem trọng

NGUYỄN MINH THANH
NGUYỄN MINH THANH

TT - Dễ nhận thấy có một môn thi mà suốt 13 năm qua chưa bao giờ được đem vào tổ chức thi cử ở cấp độ tuyển sinh ĐH, kể cả tốt nghiệp THPT, đó là môn giáo dục công dân.


Các thí sinh trao đổi về bài làm sau khi hoàn thành môn thi ngoại ngữ tại ĐHQG Hà Nội ngày 30-5-2015 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội trải qua đề thi đánh giá năng lực bao gồm hai phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn.

Phần bắt buộc gồm hai phần: tư duy định lượng (kiến thức toán) và tư duy định tính (kiến thức ngữ văn). Ở phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung: kiến thức khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) hoặc kiến thức khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Dễ nhận thấy có một môn thi mà suốt 13 năm qua chưa bao giờ được đem vào tổ chức thi cử ở cấp độ tuyển sinh ĐH, kể cả tốt nghiệp THPT, đó là môn giáo dục công dân.

Mặc dù nằm chung trong nội dung kiến thức xã hội cùng với lịch sử, địa lý nhưng với sự xuất hiện của môn giáo dục công dân, dường như ĐHQG Hà Nội đã có sự quan tâm mà theo tôi là đầy đủ về sự học của người học.

Nếu chỉ mang nội dung của môn giáo dục công dân được giới thiệu và trình bày giống hệt trong sách giáo khoa - với những bài lý thuyết suông, những định nghĩa,  khái niệm, những "tư tưởng triết học"... - vào bài thi ắt sẽ dẫn đến cách học đối phó với kỳ thi. Nhưng đề thi vừa qua ĐHQG Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới và có cách ra đề phù hợp.

Những câu hỏi yêu cầu thí sinh nhận định về một vấn đề xã hội, thể hiện xu hướng bản thân bằng lựa chọn đáp án cho sẵn.

Ví dụ, trong đề thi có một tình huống được đặt ra là: "Có người lập Facebook với mục đích nói xấu người khác, đưa những hình ảnh không tốt, có tính chất bôi nhọ người khác lên Facebook. Khi biết xuất hiện Facebook này và bị mọi người bàn tán, người bị bôi nhọ đó đã có ý định tự tử, nhưng may mắn gia đình phát hiện kịp thời ngăn lại được. Người mẹ muốn kiện ra tòa thì cần xác định hành vi của những người lập Facebook với dụng ý xấu, bôi nhọ người khác là vi phạm quyền gì...".

Đây là dạng câu hỏi nhận định và thể hiện cách hành động đáp trả với một vấn đề xảy ra, đòi hỏi thí sinh lựa chọn câu trả lời dựa trên quan điểm và lối suy nghĩ, hiểu biết cá nhân.

Thông qua cách thi đó, những bài dạy lý thuyết sẽ được các thầy cô ở trường phổ thông dạy theo hướng hiện đại và rộng hơn. Giáo viên sẽ thường xuyên trao đổi những vụ việc nổi cộm về văn hóa, đạo đức, hành vi ứng xử, chuẩn mực giao tiếp... để cùng học sinh nhận diện, nhận định vấn đề.

Qua đó, học sinh thể hiện quan điểm riêng, và giáo viên lắng nghe ý kiến của các em, trao đổi lại... Đối với những hoạt động hằng ngày gắn liền với học sinh, các em sẽ bộc lộ nhiều hơn suy nghĩ của mình. 

Theo cách dạy trước đây giáo viên thấy điều gì không phù hợp sẽ cấm đoán, học sinh không được thế này không được thế kia... làm các em im lặng lắng nghe và "làm theo ý riêng" của mình.

Lắng nghe học sinh mình bày tỏ thái độ thì giáo viên sẽ có thêm cơ hội hướng dẫn, dẫn dắt các em có hành vi phù hợp khi giao tiếp và tạo lập mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống...

NGUYỄN MINH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên