07/09/2013 07:05 GMT+7

Giáo dục "cất cánh" mới nâng được nội lực

L.KIÊN - N.HÀ - M.HƯƠNG ghi
L.KIÊN - N.HÀ - M.HƯƠNG ghi

TT- Câu chuyện “Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền” trên Tuổi Trẻ những ngày qua tiếp tục thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu thêm hai ý kiến nhìn từ nền giáo dục nước nhà.

LuWCkxks.jpgPhóng to
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - Ảnh: VIiệt Dũng

* GS.TSKH HOÀNG XUÂN SÍNH(phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN, chủ tịch HĐQT Trường đại học Thăng Long):

Cần rộng cửa cho đầu tư giáo dục

Thực tế phát triển trên thế giới cho thấy để phát huy nội lực một quốc gia, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Chất lượng nguồn nhân lực lại phụ thuộc chất lượng của một nền giáo dục - đào tạo. Trong khi đó, nền giáo dục nước ta đã thiếu tiền đầu tư lại vắng cả triết lý nên không thể cất cánh được.

Tôi là một người làm công việc ở một cơ sở đào tạo cụ thể, nên tôi nghĩ rằng để có một nền giáo dục tốt thì phải có những cơ sở giáo dục tốt. Hướng đến một cơ sở giáo dục tốt, thu hút người học thì luôn cần ba yếu tố cốt lõi: cơ sở vật chất tốt, giáo dục tốt và quản lý tốt. Để có những cơ sở giáo dục tốt như vậy thì cần phải có tiền để đầu tư, cần rất nhiều tiền. Việt Nam lại đang thiếu tiền trầm trọng nên ngân sách dành cho giáo dục không nhiều. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - ủy viên hội đồng lý luận trung ương - đã chỉ ra bốn trọng bệnh của nền giáo dục Việt Nam: bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng và bệnh gian dối. Các bệnh đó là hệ lụy của ngân sách quá ít ỏi và chúng đang hủy hoại nền giáo dục.

Giải pháp duy nhất để có tiền đầu tư cho giáo dục mà nhiều nước đã làm là xã hội hóa. Nhưng rất lạ là Việt Nam loay hoay mãi mà chưa làm được. Chủ trương kiến tạo một nền giáo dục đang không có sự thống nhất. Một mặt hô hào xã hội hóa, nhưng mặt khác nhiều năm liền lại ồ ạt mở thêm các trường công. Đáng lẽ số lượng trường công phải thu hẹp để số tiền đầu tư cho các trường này lớn lên, nó mới ra tấm ra món. Tức là đang có những chủ trương rất mâu thuẫn, cái nọ phá hỏng cái kia.

Mở trường tư ở các nước rất dễ dàng. Quy chế mở trường tư của Pháp rất đơn giản: Nếu là công dân Pháp và công dân Liên minh châu Âu (EU) muốn mở trường thì chỉ cần tuyên bố với đại diện giáo dục rằng thời gian đó tôi sẽ mở trường. Còn những người sống trong không gian kinh tế EU muốn mở trường phải làm đơn. Các trường mời bộ giáo dục xem quy mô đất đai, giáo sư... nếu phù hợp thì sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền hằng năm.

Đằng này, ở nước ta, các văn bản của Bộ Giáo dục - đào tạo khó đến mức nhiều lúc chúng tôi cảm tưởng trường tư sẽ không sống nổi. Bộ bắt đầu buộc chuyển đổi trường dân lập từ dân lập sang tư thục từ năm 2006, với mục tiêu 2007 sẽ hoàn thành (nhưng thực tế đến nay chỉ có bốn trường chuyển đổi). Quy trình chuyển đổi của bộ là cho tổng kiểm toán, trình bộ xem trường có bao nhiêu tiền thông qua tài sản, nếu trường được 100 tỉ thì bộ xác định 95% là tài sản chung không phân chia, còn 5% là của hội đồng quản trị và sáng lập viên. Rồi sau đó sẽ có ban đại diện để kiểm soát 95%, tức là ban này có tiếng nói quyết định cho mọi chuyện, còn người sáng lập và đầu tư bị văng ra ngoài với vỏn vẹn 5%. Những văn bản trái khoáy nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi. Chưa hết, các trường tư thục còn sắp phải chịu một quy định mới là xác định tài sản chung không phân chia. Các trường đó đang lỗ rồi, họ phải bỏ tiền túi ra hằng tháng để bù lỗ. Liệu bộ có chịu lỗ chung với họ không?

Với tư duy và cung cách quản lý như vậy thì còn ai dám bỏ tiền đầu tư cho giáo dục?

* Hoàng Minh Thông(giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Đừng lãng phí nội lực của người trẻ

ShEHoQOM.jpg
Giảng viên Hoàng Minh Thông Ảnh: M.Lâm
Năm học lớp 12, tôi đã từng tự hỏi tại sao thầy cô khi giảng về tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu cứ giảng theo hướng bắt chúng tôi phải nhìn ra vẻ đẹp của tình yêu trong chiến tranh, phải lồng ghép tình yêu cách mạng vào đó, trong khi tôi thấy tự thân tình yêu của các nhân vật trong truyện đã rất đẹp rồi. Theo lý luận, cũng do thầy cô dạy, thì văn học là sự cảm nhận của người đọc, tùy vào khả năng, trình độ, tính cách... của họ. Tại sao phải cố áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác?

Tôi đang kèm một lớp tiếng Anh cho các em sinh viên năm 2 và cảm thấy rất buồn vì hầu như các em đều mất căn bản, dù tính cả thời gian học tiếng Anh ở trường phổ thông và hai năm đại học là đã gần 10 năm. Trong khi theo nghiên cứu về ngôn ngữ học, một người bình thường chỉ cần mất 4-7 năm để vươn từ trình độ vỡ lòng lên trình độ chuyên nghiệp khi học một ngoại ngữ đúng phương pháp. Tôi có cảm giác cách dạy và học trong nhà trường của chúng ta đã làm hao phí thời gian, công sức và cả niềm đam mê - lý ra sẽ có đối với môn học nếu được dạy đúng cách - của học sinh, sinh viên.

Người trẻ có rất nhiều thứ: thời gian, sức trẻ, năng lực, lý tưởng, đam mê... nhưng điều kiện quan trọng là phải tạo được môi trường tốt để họ phát huy hết cái mà họ có.

Là một giảng viên, tôi đang hướng dẫn cho sinh viên của mình con đường, phương pháp và động lực để tự học và chủ động trong suy nghĩ. Giống như mình là người đã đi con đường đó rồi, mình biết con đường đó chỗ nào có ổ gà, ổ trâu thì mình nói để các em khỏi vấp ngã khi tự đi, chứ không cõng hay cầm tay các em dắt đi. Để nền giáo dục trong nước có bước chuyển dĩ nhiên không thể từ những nỗ lực riêng lẻ của từng giảng viên trẻ như chúng tôi, mà cần thiết phải có sự tác động chung từ chính sách và sự đồng lòng, quyết tâm của thầy, của trò và của toàn xã hội.

____________

Tin tức liên quan:

L.KIÊN - N.HÀ - M.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên