TTCT - Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là mảnh ghép cuối cùng của giáo dục cá nhân hóa, trong đó mỗi học sinh được trao quyền để phát triển tối đa theo khả năng của mình. Minh họa do Midjourney vẽCá nhân hóa việc học tập là mục tiêu của một nền giáo dục năng động nhưng gần như rất khó đạt được trong các điều kiện trước đây. Giáo viên đứng lớp bị giới hạn bởi nguồn lực hạn chế và chương trình giảng dạy tiêu chuẩn, và thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.Công nghệ đã nhiều lần hứa hẹn sẽ lấp đầy khoảng trống đó nhưng đến nay vẫn là một mục tiêu dang dở. Khi AI có những bước tiến lớn cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của hàng loạt công ty công nghệ tầm cỡ, người ta lại dám nghĩ về một kỷ nguyên mới của giáo dục cá nhân hóa.Nay đã khác xưa"Tôi tin rằng xã hội có thể đang ở giai đoạn đầu của một thời khắc chuyển đổi, tương tự như sự ra đời của trình duyệt web và điện thoại thông minh" - John Bailey, thành viên tổ chức Sáng kiến Chan Zuckerberg, viết cho trang Fast Company.Theo Bailey, dù các AI hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, chúng cung cấp một lát cắt về những gì có thể thành hiện thực trong tương lai rất gần khi mà các trợ lý AI sẽ giải phóng giáo viên khỏi những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại, cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho học sinh. Và điều này rất có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên học tập cá nhân hóa, trao quyền cho tất cả học sinh phát huy hết tiềm năng của mình và thúc đẩy trải nghiệm giáo dục công bằng và hiệu quả hơn.Có nhiều lý do vì sao thế hệ công cụ AI hiện nay có khả năng thành công cao hơn so với những công nghệ giáo dục từng được kỳ vọng rồi thất bại trước đây. Đầu tiên là khả năng của chúng rõ ràng đã vượt trội hơn xưa: các hệ thống AI ngày nay có thể vượt qua những bài kiểm tra chuẩn hóa từ cấp trung học cho đến cao học và chuyên nghiệp ở các lĩnh vực đa dạng bao gồm toán học, khoa học, lập trình, lịch sử, luật và văn học.Ví dụ, công cụ Med-PaLM do Google phát triển chuyên sâu cho lĩnh vực y học đã đạt điểm số tương đương trình độ bác sĩ "chuyên gia" khi trả lời các câu hỏi mô phỏng kỳ thi cấp phép y tế của Mỹ, theo CNBC. AI này không chỉ trả lời chính xác lên đến 85% các câu hỏi mà còn lập luận mạch lạc về cơ sở cho các câu trả lời của mình.Không chỉ giỏi, các công cụ AI còn đang tiến bộ chóng mặt. Trong vòng 4 tháng kể từ lúc mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5 trượt kỳ thi sát hạch hành nghề luật sư, phiên bản cải tiến GPT-4 đã đủ khả năng đạt điểm số cao hơn 90% người dự thi thực tế, theo nhà phát triển OpenAI. GPT-4 cũng nằm trong top 7% điểm thi SAT đọc và viết, top 12% bài thi LSAT, và xếp loại cao nhất (5/5) trong kỳ thi AP, theo Fast Company.Các mô hình AI như GPT-4 của OpenAI, Bing Chat của Microsoft hay Bard của Google không chỉ là những cái kho kiến thức mà đã phát triển thành các công cụ suy luận tinh vi có thể đặt dữ kiện được cung cấp vào trong bối cảnh để suy ra thông tin "ẩn" tương tự như cách con người suy nghĩ.Nếu ví các công cụ tìm kiếm truyền thống giống như thủ thư hướng dẫn học sinh và giáo viên tới các tài liệu liên quan để họ tự tìm hiểu thì thế hệ công cụ AI mới đóng vai trò như một trợ giảng lành nghề để đồng hành đánh giá tài liệu, phân tích dữ liệu, tổng hợp các phát hiện và tạo ra nội dung bài học hoặc lên giáo án.Trợ giảng thông minh này có thể tự điều chỉnh dựa trên phản hồi của người dùng: một học sinh cảm thấy giải thích của AI quá khó hiểu có thể yêu cầu diễn đạt lại theo cách khác hoặc cung cấp thêm ví dụ và nhận lại câu trả lời trong nháy mắt.AI vào lớp họcNhững khả năng trên của AI đang được tích hợp vào lớp học thông qua những thử nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn. Một số nền tảng đã ra mắt tính năng gia sư thông minh dựa trên việc huấn luyện mô hình GPT-4 bằng dữ liệu của riêng họ."Bằng cách nhấp vào một nút sau một số loại bài tập nhất định, người học có thể tham gia trò chuyện với Duo để nhận được lời giải thích đơn giản về lý do tại sao câu trả lời của họ là đúng hoặc sai, sau đó có thể yêu cầu cho thêm ví dụ hoặc giải thích rõ hơn" - nền tảng học ngoại ngữ Duolingo viết trong bài blog giới thiệu tính năng mới (có trả phí).Nền tảng còn cho phép người dùng luyện tập giao tiếp bằng cách chat với các nhân vật ảo về những chủ đề mở thông qua tính năng nhập vai. "Người học có thể thảo luận về kế hoạch cho kỳ nghỉ sắp tới với Lin, gọi món tại một quán cà phê ở Paris, đi mua sắm đồ nội thất với Eddy, hoặc rủ một người bạn đi dạo" - Duolingo giải thích.Trong khi đó, trợ giảng Khanmigo - AI dựa trên GPT-4 của Tổ chức giáo dục Khan Academy - được tích hợp vào các bài tập trên lớp của giáo viên. "Học viên có thể nhờ Khanmigo trợ giúp khi làm bài tập ngay trong giờ học" - CEO Sal Khan viết trong một bài blog. Thay vì giải đáp thắc mắc một cách thụ động, Khanmigo ưu tiên tương tác qua lại, đặt câu hỏi ngược lại cho học viên để gợi mở vấn đề và khuyến khích suy nghĩ độc lập giúp người học đi đến câu trả lời đúng bằng chính hiểu biết của mình. "Giống như có một triết gia Socrates ảo đồng hành hướng dẫn học viên xuyên suốt hành trình học vấn của họ" - Khan ví von.Chính phủ Singapore hiện có chính sách hỗ trợ phát triển AI trong giáo dục với 3 trụ cột lợi ích trọng tâm là cho phép học tập thích ứng, tinh giản việc chấm điểm bài kiểm tra, và cung cấp phản hồi nâng cao về các bài tập lập trình, theo trang TechWire Asia.Theo định hướng này, Công ty công nghệ giáo dục Geniebook của Singapore đã tạo ra một nền tảng dựa trên AI giúp điều chỉnh hành trình giáo dục để phù hợp với nhu cầu và sở thích đa dạng của từng học sinh. Theo CEO Geniebook Zhizhong Neo, giáo dục truyền thống thường tuân thủ một chương trình giảng dạy thống nhất mà có thể không xét đến các điểm mạnh và lĩnh vực cần cải thiện riêng của mỗi em, dẫn đến lỗ hổng kiến thức. "Động lực chính của Geniebook là thu hẹp khoảng cách này bằng cách đáp ứng nhu cầu học tập được cá nhân hóa của từng học sinh, thường bị bỏ qua trong môi trường giáo dục truyền thống" - Techwire Asia dẫn lời Neo. Geniebook đang phối hợp với Cơ quan Khoa học, công nghệ và nghiên cứu (A*STAR) để tiếp cận cơ sở dữ liệu với hơn 300.000 câu hỏi được cập nhật liên tục để phù hợp với giáo trình mới nhất do Bộ Giáo dục Singapore quy định để tích hợp vào giải pháp AI mang tên GenieSmart. Giải pháp này có thể điều chỉnh trọng tâm và độ khó của các môn học dựa trên phân tích về thành tích của học sinh, đồng thời thay đổi độ phức tạp của các câu hỏi để khuyến khích sự tham gia mà vẫn đảm bảo học sinh dung nạp đủ kiến thức sau khi hoàn thành.Nhà giáo vẫn là chủ đạoDù những viễn cảnh mở ra đầy hứa hẹn, nhiều chuyên gia lưu ý rằng AI có thể là trợ giảng toàn năng, và chỉ nên là trợ giảng chứ không nên thay thế giáo viên. "Thay vì thay thế chuyên môn và khả năng phán đoán của giáo viên, các công cụ AI nên được sử dụng như một người ngồi ở ghế lái phụ, giúp nâng cao trải nghiệm giáo dục tổng thể" - Bailey viết.Đồng tình với ý kiến này, tỉ phú Bill Gates - người đồng sáng lập Microsoft - cho rằng các chatbot AI có thể hỗ trợ những giáo viên bị quá tải và giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục đối với các học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp trên toàn thế giới. Theo Gates, để làm được điều đó thì các chương trình gia sư AI phải nhận được phản hồi từ những giáo viên thực thụ về cách mà công nghệ này có thể hỗ trợ công việc của họ tốt nhất. "Chúng ta đều biết các thầy cô là những anh hùng và nghề giáo là một trong những công việc quan trọng và khó khăn nhất quả đất" - CNBC dẫn lời vị tỉ phú trong chương trình podcast Unconfuse Me.Neo cũng đồng suy nghĩ. "Giáo viên không chỉ đơn thuần là công cụ truyền dẫn kiến thức. Họ nuôi dưỡng, truyền cảm hứng và kích thích trí tò mò của giới trẻ, đồng thời cung cấp sự tương tác và hỗ trợ thiết yếu giữa người với người trong quá trình những người trẻ tuổi trưởng thành và định hình lối đi của họ trên thế giới. Đây là những vai trò mà AI không thể thay thế" - ông nói. Không chỉ hỗ trợ người học, AI còn là công cụ đắc lực cho các giáo viên. Quỹ thời gian của giáo viên hiện nay được dành một phần không nhỏ cho các công việc bên ngoài lớp học như soạn giáo án, tìm kiếm tài nguyên giảng dạy... Một nghiên cứu do Trung tâm EdWeek phối hợp với Đại học Merrimack (Mỹ) thực hiện năm 2022 cho thấy một giáo viên điển hình ở Mỹ làm việc trung bình 54 giờ mỗi tuần, nhưng chỉ 46% thời gian của họ ở trường được dành cho việc giảng dạy, theo công bố của nhóm tác giả. Những tác vụ này có thể được tự động hóa bằng AI, ví dụ như nhanh chóng tạo ra giáo án hoàn chỉnh theo yêu cầu, soạn bài tập và câu đố cho các hoạt động trên lớp dựa trên nội dung tiết học, hay biên dịch nội dung từ các ngoại ngữ khác. Tags: Giáo dụcCá nhân hóaTrí tuệ nhân tạoĐiện thoại thông minhAIGiáo dục cá nhân hóa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.