Giáo án thì phải... viết tay!

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - “Để nâng cao chất lượng dạy học, phòng GD-ĐT huyện đã ban hành quy định giáo viên phải soạn giáo án viết tay chứ không đánh máy, in ấn như trước”.

Đây là thông tin từ một giáo viên ở một huyện tại Thanh Hóa. Quy định này thật lạ trong thời đại mà công nghệ thông tin luôn được khích lệ ứng dụng vào giáo dục.

Đem chuyện này trao đổi với một số hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông ở Hà Nội mới vỡ lẽ: quy định ở huyện trên không phải là hi hữu.

Ngay giữa Hà Nội, vẫn có nhiều trường cũng đưa ra các yêu cầu nội bộ như vậy đối với giáo viên.

“Cách đây năm năm, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên phải soạn giáo án điện tử. Vì với giáo án điện tử giáo viên có thể thiết kế, thực hiện bài dạy bằng thiết bị trình chiếu Powerpoint. Nhưng giờ lại thay đổi, yêu cầu chúng tôi phải viết tay” - một giáo viên THCS ở Hà Nội bức xúc cho biết.

Giải thích về điều này, vị hiệu trưởng cho biết: “Từ khi soạn giáo án điện tử, chúng tôi phát hiện nhiều giáo viên không tự soạn mà sao chép của người khác cho nhanh. Nếu giáo viên không tự tay thiết kế giáo án dạy học, mà dùng giáo án của người khác thì không thể đảm bảo chất lượng”.

Có lẽ đây cũng là lý do chính khiến phòng GD-ĐT ở huyện trên và nhiều nơi khác đưa ra yêu cầu đi ngược xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc như hiện nay.

Để chữa “bệnh cắt-dán”, giải pháp buộc giáo viên phải viết tay giáo án được xem như cách để “nâng chất lượng giáo dục”!

Tuy có thể chia sẻ với các nhà quản lý giáo dục về giải pháp tình thế trên, nhưng nhìn vào điều này không khỏi thấy buồn.

Một số giáo viên phổ thông ở Hải Phòng từng tâm sự với chúng tôi: “Dạy không sợ, nhưng kinh hãi nhất là tới kỳ thanh tra chuyên môn về kiểm tra giáo án”.

Ngày mai thanh tra đến trường thì 1-2 hôm trước, vô khối thầy cô giáo thức trắng đêm để... chép giáo án!

Việc quy định cứng nhắc về giáo án, trong đó nhiều nơi quy định chi tiết giáo án gồm bao nhiêu mục, hình thức mỗi bài soạn như thế nào... khiến giáo viên mệt mỏi, vì họ không cần dùng những giáo án đối phó như thế vào việc giảng dạy.

Giáo án, với nhiều giáo viên, từ lâu đã trở thành một trong những thứ phải làm để đối phó chứ không phải làm để dạy tốt, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cũng bởi vậy, khi các nhà trường mở ra việc “soạn giáo án điện tử”, nhiều giáo viên thấy như được cởi trói!

Chuyện mệt mỏi đối phó với giáo án giờ đã có cách giải quyết: đi xin, đi copy... Không xin được trong trường thì xin của trường bạn trong cùng huyện, cùng tỉnh, thậm chí xin người ở tỉnh khác cho chắc ăn!

Việc chia sẻ tài liệu, bài giảng trên các thư viện điện tử, nhất là khi Bộ GD-ĐT mở ra “trường học kết nối”, là việc nên làm để bổ sung kinh nghiệm, nguồn tư liệu giảng dạy.

Nhưng điều này chỉ có tác dụng khi giáo viên biết sử dụng nguồn tư liệu được chia sẻ kết hợp với kiến thức, nghiệp vụ cá nhân để tự xây dựng bài giảng phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh của mình.

Điều này tùy thuộc vào từng giáo viên và vào sự đổi mới trong quản lý chuyên môn ở mỗi nhà trường, mỗi sở GD-ĐT. Nếu quản lý, kiểm tra cứng nhắc, hình thức thì sẽ được đáp lại bằng cách làm đối phó hình thức.

Thực tế đã có nhiều thầy cô giáo lên lớp với những bài giảng sinh động, cuốn hút mà không cần dùng đến giáo án theo mẫu.

Họ có cách chuẩn bị riêng cho bài dạy, có kế hoạch, ý tưởng và biết kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau.

Tuy nhiên, những giáo viên thật sự nâng chất lượng dạy học này lại rất dễ bị xử lý vi phạm nếu thanh tra giáo dục phát hiện họ không có giáo án đúng quy định!

Rõ ràng quy định giáo án viết tay hay giáo án điện tử cũng không thể thay đổi được chất lượng giáo dục. Vì giải pháp cho chất lượng phải bắt đầu từ sự đổi mới tư duy quản lý giáo dục.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên