Khán giả mong muốn đến rạp để xem một bộ phim đúng nghĩa - Ảnh: Hữu Khoa |
Bộ phim gánh chịu một bất lợi ngay từ đầu khi không tìm được tiếng nói chung với hệ thống rạp lớn nhất VN hiện nay là CGV, nhưng có vẻ như Tấm Cám đang có được những lợi thế mà không phải phim Việt nào cũng có trong thời buổi phim ảnh đang mùa bết bát của năm 2016 này.
Khi ai cũng trở thành nhà phê bình điện ảnh
Theo các chuyên gia phân tích thị trường điện ảnh trên trang box office mojo (bảng xếp hạng doanh thu toàn cầu), doanh thu ba ngày đầu tiên luôn là thước đo quan trọng nhất cho sức hút của một bộ phim, quyết định sự thành hay bại của bộ phim và đó cũng là cơ sở để dự báo doanh thu các tuần tiếp theo.
Thị trường điện ảnh Việt Nam chưa công bố con số doanh thu trên trang box office mojo, nên những con số được đưa ra hoàn toàn dựa theo thông cáo báo chí mà nhà sản xuất cung cấp. Nhưng với những người nghiên cứu thị trường rạp chiếu thì có thể biết được con số đó chính xác như thế nào, dựa vào hệ thống suất chiếu và tỉ lệ đầy rạp.
Trên thực tế, dù không được chiếu tại CGV, Tấm Cám đã phát huy tối đa cụm rạp chiếu của BHD, Galaxy, Lotte và các hệ thống rạp chiếu nhỏ khác và tăng suất chiếu theo từng ngày.
Chúng ta có thể lý giải về mức độ “viral” (lan truyền) trên mạng xã hội của bộ phim này ngay từ khi phim tung teaser đầu tiên cho đến ngày ra rạp và chưa bao giờ hết “nóng”. Dù bộ phim chia rẽ khán giả và nhận khá nhiều chỉ trích của người xem, nhưng rất nhiều người xem đều bình luận và phân tích về mặt được và chưa được của Tấm Cám.
“Ai cũng trở thành nhà phê bình điện ảnh sau khi xem Tấm Cám”, đó là một câu nói đùa, nhưng thực ra, đó là một tín hiệu vui, khi một bộ phim Việt kích thích được người xem, khiến người xem hào hứng bình phẩm, khen chê.
Nó cũng chứng tỏ khán giả Việt luôn ưu ái và dành sự quan tâm cho điện ảnh nội địa. Mà lại là bộ phim đầu tay đầy tâm huyết và tham vọng của một đạo diễn nữ vốn xuất thân là diễn viên thì cũng nên xem cho biết. Sự mới lạ của thể loại (cổ tích thần thoại, hành động giả tưởng) và kỹ xảo CGI được tạo ra bởi một ê kíp Việt 100% cũng khiến người xem tò mò.
Tất cả những điều đó khiến Tấm Cám - dù là một bộ phim chưa hoàn hảo, dù trong mắt một số người nó là một bộ phim... hài, nhưng tính giải trí cao và sự hiếu kỳ đã lôi kéo người xem đến rạp.
Từ bảo hộ điện ảnh đến cạnh tranh sòng phẳng
Điện ảnh Trung Quốc từng có chính sách bảo hộ cho điện ảnh nội địa cực kỳ nghiêm ngặt khi mỗi năm họ chỉ cho nhập 20 phim bom tấn của Hollywood, trước khi họ mở rộng như hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo cho điện ảnh nội địa tiếp cận với khán giả.
Sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ với chính sách bảo hộ ngày chiếu. Năm 2006, khi “quota” (hạn mức) ngày chiếu dành cho điện ảnh Hàn Quốc giảm xuống gần như một nửa (còn 76 ngày), giới điện ảnh nước này đã biểu tình rầm rộ để yêu cầu chính phủ tiếp tục bảo hộ cho giới làm phim trong nước.
Đạo diễn Park Chan-Wook từng đưa cao tấm biển trong cuộc biểu tình thu hút đến 3000 người trong giới làm phim: “Không có bảo hộ điện ảnh, sẽ không có Old boy”. Old boy - như đã biết - là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, từng đoạt giải thưởng Lớn tại LHP Cannes và được xem là niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc.
Điện ảnh Việt hầu như không có chính sách bảo hộ cho điện ảnh nội địa, và giờ đây đã quá muộn khi chúng ta đã gia nhập WTO với những thỏa thuận thương mại tự do song phương. Không còn con đường nào khác, những nhà làm phim Việt phải trưởng thành để cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ từ nước ngoài để giành lại những chiếc vé xem phim từ khán giả nhà.
Cuộc “đại chiến” giữa hai hệ thống rạp chiếu phim CGV và BHD quanh việc phát hành hay không phát hành bộ phim Tấm Cám chính là giọt nước tràn li của câu chuyện phân chia thị phần tại thị trường điện ảnh Việt đang nở nồi vài năm gần đây và chắc chắn còn phát triển mạnh trong vài năm sắp tới...
Chỉ mong khi cuộc đại chiến đi qua, các bên "tham chiến" lại ngồi với nhau để đàm phán, tìm ra giải pháp hợp lý nhất vì mục đích chung là quyền lợi của khán giả - những người đang bỏ tiền để ủng hộ nồi cơm của họ.
Với những nhà làm phim Việt, chúng ta có thể tin rằng, khi một bộ phim đánh trúng thị hiếu và được khán giả quan tâm, không cần sự bảo hộ, thậm chí bị hạn chế rạp chiếu, bộ phim vẫn chiến thắng, như những chiến thắng doanh thu của nhiều bộ phim Việt mà chúng ta đã từng thấy và có thể kể ra như Tèo em, Để Mai tính 1 &2, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh... Và với chiến thắng tạm thời của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, niềm tin đó một lần nữa được xác lập.
Muốn giành lại những chiếc vé từ khán giả cho phim nội, chỉ có cách phải thực sự hiểu được thị hiếu khán giả và làm những bộ phim nghiêm túc.
Với những người quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Việt, họ luôn mong một môi trường điện ảnh trong sạch, lành mạnh và cạnh tranh theo tinh thần “fair play”, để người xem phim quyết định lựa chọn một bộ phim, một rạp chiếu bằng sự yêu thích thực sự hay túi tiền của họ, chứ không phải bị thúc ép bởi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tất nhiên, cũng không phải vì sự chèn ép, cá lớn nuốt cá bé hay cả vú lấp miệng em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận