11/08/2024 11:52 GMT+7

Giành huy chương Olympic: Không thể trông vào giây phút xuất thần!

Năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt 1 HCV, 1 HCB Olympic trong sự ngỡ ngàng của cả làng thể thao thế giới. Đồng thời vẽ nên viễn cảnh đưa bắn súng trở thành một môn thể thao được ưa chuộng tại Việt Nam.

Giành huy chương Olympic: Không thể trông vào giây phút xuất thần!- Ảnh 1.

Điều kiện của Thùy Linh không thể so với các tay vợt Đông Nam Á - Ảnh: REUTERS

Nhưng rồi sau 8 năm, cũng chính Hoàng Xuân Vinh đã thừa nhận với Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây (Tuổi Trẻ 10-8) những thực trạng đáng buồn của bộ môn bắn súng như thiếu đạn, thiếu trang thiết bị tập luyện, thiếu cả các CLB phong trào… vẫn tồn tại.

Vì sao lại trông mong vào bắn súng?

Bắn súng là môn đầu tiên mang về HCV cho Việt Nam ở Olympic, cũng là môn giải cơn khát vàng ở Asiad Hàng Châu mới đây. Và khi bước vào Olympic Paris, cũng chỉ mỗi bắn súng dám mơ đến việc giành huy chương. Trên thực tế, Trịnh Thu Vinh chỉ cách mục tiêu này một phát đạn, khi xếp hạng 4 chung kết 10m súng ngắn hơi nữ.

Sau nhiều năm, bắn súng vẫn là hy vọng số 1 của Việt Nam ở các kỳ đại hội lớn. Vì sao ? Câu trả lời có thể hơi phũ phàng: vì đây là môn thể thao thường xuất hiện kỳ tích nhất.

Cụ thể, trong vòng loại 10m súng ngắn hơi nữ, cả 3 xạ thủ đứng đầu bảng xếp hạng thế giới là Arunovic (Serbia), Steiner (Áo) và Sangwan (Ấn Độ) đều dừng bước. Bắn súng gần như là môn duy nhất ở Olympic xuất hiện tình trạng đó, khi các xạ thủ tốp đầu thế giới có thể "rớt" ngay từ vòng loại. Còn những người trong top 30, 40 vẫn có thể cạnh tranh ngôi đầu… 

Nhưng thể thao Việt mãi không thể trông vào dấu ấn cá nhân vì bất ngờ có thể xảy ra từ cả hai chiều. Ngay sau kỳ tích HCV Olympic, Hoàng Xuân Vinh lại chỉ giành HCB ở… SEA Games 2017, rồi tiếp tục trắng tay ở Asiad 2018.

Trịnh Thu Vinh đã có màn thi đấu xuất thần ở Paris 2024. Nhưng kể cả khi cô tiến bộ hơn nữa, vươn lên tốp đầu thế giới trong tương lai, bắn súng Việt Nam vẫn có thể trắng tay ở Olympic. Và khi đó, một nền thể thao chỉ biết trông đợi vào một vài khoảnh khắc ngắm bắn kỳ diệu khó lòng có thể tự hào.

Bất ngờ nói chung đều xuất hiện trên một nền tảng vững chắc nhất định. Ví dụ như Hàn Quốc là một thế lực mới nổi của bắn súng đẳng cấp thế giới. Ở Olympic, họ đoạt 3 HCV, 3 HCB, và hầu như đều có VĐV góp mặt ở chung kết của từng nội dung. Đó là thành quả của phong trào bắn súng bùng nổ ở Hàn Quốc trong khoảng 2 thập niên trở lại đây. 

Cụ thể, chỉ tại Seoul đã có hàng chục CLB bắn súng đặt ở các trung tâm giải trí trong nội thành cho đến trường bắn ở ngoại thành. Với người dân Hàn Quốc, đi bắn súng giải trí sau một ngày làm việc đã trở thành thói quen. Kết quả là đến Olympic 2024, đội tuyển bắn súng Hàn Quốc có tận 16 xạ thủ, chỉ kém một chút so với Mỹ và Trung Quốc - 2 đại gia của thể thao thế giới.

Nếu Trịnh Thu Vinh may mắn hơn một chút - đoạt được huy chương Olympic, phong trào bắn súng của Việt Nam sẽ thế nào?

Xạ thủ huyền thoại Hoàng Xuân Vinh đã đưa ra câu trả lời trên số báo Tuổi Trẻ ngày 10-8: "Hiện chỉ có các đơn vị của Nhà nước mới có thể tuyển chọn, đào tạo VĐV bắn súng. Người thường muốn tiếp cận, tập bắn súng thì không có nơi để tập. Vì không có nơi tập luyện, việc phát triển phong trào rất khó. Lực lượng VĐV cho đội tuyển quốc gia vì thế mỏng, ít tài năng".

Đừng quá nặng lòng với việc tìm kiếm một vài huy chương Olympic. Phong trào Olympic, hay phong trào tập luyện thể thao mới là điều một dân tộc nên có.
Trích lời của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, theo ký giả người Anh Alex Josey, trong một lần hiếm hoi ông nói đến thể thao.
Giành huy chương Olympic: Không thể trông vào giây phút xuất thần!- Ảnh 3.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nêu tình trạng bắn súng triền miên thiếu đạn trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ ngày 10-8-2024 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phong trào cũng có, nhưng chỉ mơ hồ

Bắn súng không có phong trào nhưng vẫn mơ được về Olympic. Vậy những môn thể thao phát triển phong trào mạnh ở Việt Nam thì sao? Ví dụ cầu lông, người chơi rất khó đặt được một sân đấu vào buổi tối ở khu vực nội thành TP.HCM. Nó cho thấy nhu cầu chơi cầu lông là rất lớn. Nhưng chơi nhiều là một chuyện, có bao nhiêu phụ huynh sẵn sàng cho con theo nghiệp VĐV cầu lông chuyên nghiệp?

Ông Mai Bá Hùng, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, từng than thở về vấn đề này, cho biết có rất nhiều VĐV trẻ giàu tiềm năng. Nhưng khi bước vào tuổi 14-15, các em lại không được cha mẹ cho theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Vấn đề này tồn tại ở hầu hết các môn, từ cầu lông, bóng bàn cho đến quần vợt...

Trong bối cảnh Đông Nam Á là nhóm cường quốc môn cầu lông, Việt Nam tụt lại hoàn toàn so với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Dù xét về phong trào, Việt Nam chưa chắc đã ít người chơi cầu lông hơn nhóm các quốc gia có huy chương Olympic này.

Nhưng chơi cầu lông là một chuyện, cho con đi theo nghiệp VĐV là một chuyện khác. Không ít phụ huynh thở dài lắc đầu khi nghĩ về cuộc đời VĐV chuyên nghiệp. Câu chuyện HLV người Thái Lan hỗ trợ tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh khi thi đấu giải quốc tế ở Phần Lan hồi năm ngoái là một ví dụ. Chỉ so với các nước trong khu vực, điều kiện của các tay vợt Việt Nam đã kém xa.

Câu chuyện tương tự xuất hiện ở các môn bóng bàn, quần vợt, cho đến điền kinh, bơi lội, xe đạp, thể dục dụng cụ… Người Việt không chỉ gặp khó khi muốn chơi thể thao, họ còn gặp khó khi cho con em theo nghiệp thể thao. Phong trào vì vậy chỉ tồn tại một cách mơ hồ.

Khi nhìn vào bảng xếp hạng Olympic, chúng ta thấp thoáng thấy được sự tương đồng với bảng xếp hạng các nền kinh tế. Bài toán phát triển thể thao vì thế cũng là một bài toán vĩ mô, và nhìn chung, huy chương chỉ là kết quả của một quá trình dài. Quá trình đó, như cách mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã gọi suốt cả trăm năm qua, là "phong trào Olympic".

Giành huy chương Olympic: Không thể trông vào giây phút xuất thần!- Ảnh 4.

Đô cử Trịnh Văn Vinh để lại tiếc nuối lớn khi thi đấu không thành công ở hạng cân 61kg nam môn cử tạ Olympic 2024- Ảnh: REUTERS

Chuyện phong trào ở các nước láng giềng

Trong khi đó, ở một số thành phố tại Trung Quốc, bàn bóng bàn được đặt khắp các công viên, để bất kỳ ai cũng có thể chơi bóng bàn mỗi khi họ thích. Ở Philippines hay Singapore, các trường học có nhiều sân tập thể thao.

Và đôi khi giải đấu thể thao giữa các trường diễn ra hấp dẫn chẳng kém giải vô địch toàn quốc. Thành công của chàng trai nhỏ thó Carlos Yulo - người đoạt 2 HCV Olympic cho Philippines mới đây - là ví dụ.

Ở Thái Lan hay Indonesia, các VĐV trẻ được từng liên đoàn quốc gia đứng ra vận động, tìm kiếm nhà tài trợ để đài thọ chuyện tập huấn, du đấu… Đổi lại là những quyền lợi đáng kể, trong một kế hoạch phát triển thể thao gắn liền với những mảng khác.

Như Veddriq Leonardo, VĐV leo núi thể thao vừa mang về HCV lịch sử cho Indonesia. Đó là kết quả từ một sách lược kéo dài cả thập niên qua của Indonesia, gắn liền môn leo núi với các địa điểm du lịch thiên nhiên…

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tập Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tập 'chay', bắn súng Việt Nam không thể phát triển mạnh

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - huy chương vàng bắn súng Olympic 2016 - cho biết dù chưa thể giành huy chương tại Olympic 2024, nhưng với những VĐV tài năng hiện có, bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic nếu được đầu tư tổng lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên