Nhiều người đang nổi lên như "ngôi sao" bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, năng nổ đẩy hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam qua các phiên livestream - phát trực tuyến. Bao gồm cả người Việt sống tại Trung Quốc, một số khác nhận lời mời đến Trung Quốc để quảng cáo, bán hàng và kiếm hoa hồng.
Hàng Trung Quốc liên tục được ngôi sao mạng lăng xê, khách 'giành giựt' chốt đơn
"Hết táo rồi hả? 50 tấn hết rồi hả? Thiệt á? Trời ơi. Sợ vậy", Hằng Du Mục (tên thật Nguyễn Thị Thái Hằng) thảng thốt trong chính phiên livestream của mình, diễn ra mới đây ở nền tảng TikTok. Cô nhanh chóng bán hết vèo 50 tấn táo đỏ Tân Cương (Trung Quốc)
Trước đó, nhờ video tới tận Tân Cương để quay vườn táo đỏ, nhiều người bắt đầu biết đến sản phẩm và tìm đến kênh của cô để mua hàng. Kỷ lục đầu tiên cô bán hết 2 tấn táo đỏ chưa đầy một phút livestream, tiếp đến 30 tấn trong vài phút, gần nhất là 50 tấn trong chớp nhoáng.
"Canh săn mua táo cực kỳ khó. Có lúc vài chục giây đã hết hàng rồi. Rất nhiều người mua", chị Hương nói về trải nghiệm mua hàng. Để mua táo, khách phải canh một số khung giờ nhất định. Sự khan hiếm này khiến nhiều người càng tò mò.
Theo nhận định từ hãng thống kê dữ liệu Metric, việc liên tục cháy hàng trong những phiên livestream của Hằng Du Mục "cũng giúp các sản phẩm táo đỏ Tân Cương nói chung được khách hàng tò mò và săn đón nhiều hơn". Trong nửa đầu năm nay, có gần 583.700 sản phẩm này được bán ra trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop.
Với sức nóng truyền thông, nhiều mặt hàng Trung Quốc khác cũng được Hằng Du Mục bán mạnh, bao gồm: tã trẻ em, bánh kẹo, đồng hồ, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Trên thị trường, nhiều "ngôi sao" mạng cũng tới trực tiếp Trung Quốc để thăm công ty hay nhà xưởng, quay video chứng minh độ tin cậy, sau đó mở các phiên livestream rầm rộ bán kèm hàng Trung Quốc, nổi bật như: Võ Hà Linh, Call Me Duy (Vũ Duy), Trương Nhã Dinh...
Trong chuyến công tác tại đất nước tỉ dân vừa diễn ra, Diệp Lê (hơn 1 triệu tài khoản theo dõi trên mạng) đã hợp tác 70 nhãn hàng, mở phiên livestream có tên "Brand Trung Hoa - Deal Tinh Hoa", tung ưu đãi lớn.
Vào trung tâm thương mại lớn livestream đẩy hàng về Việt Nam
"Xin chào, mình là Zhuzhu. Mình là người Việt Nam, đang sinh sống tại Hàng Châu, Trung Quốc", Chu Thị Hiền giới thiệu về mình trên Facebook. Ở TikTok, cô được 1,3 triệu tài khoản theo dõi và 23,4 triệu lượt thích.
Đáng chú ý, mới đây cô khiến không ít người trong giới kinh doanh phải quan tâm, khi được mời cô vào trong một trung tâm thương mại lớn ở Hàng Châu để livestream cho hàng chục thương hiệu, bán cho khách hàng tại Việt Nam.
Sản phẩm được bán rất đa dạng gồm: bàn chải đánh răng, dép, dù, tai nghe nhạc, túi xách, bình giữ nhiệt, máy cạo râu, mặt nạ dưỡng da, nước hoa...
Đối với nhiều khách hàng, mua sản phẩm vì phiên livestream hấp dẫn và giá rẻ. Còn vấn đề bảo hành lại dựa vào niềm tin.
"Ví dụ một năm sau brand (nhãn hàng) không làm nữa, shop (cửa hàng) này người ta đóng thì sao? Zhu sẽ đứng ra bảo hành cho mọi người. Trong một năm có vấn đề gì liên hệ với Zhu. Kể cả đại lý này chạy đi mất tiêu, Zhu sẽ là người đứng ra bảo hành cho mọi người", người bán hàng tuyên bố khi đang giới thiệu chiếc tai nghe.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong phóng sự Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam, với sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, kèm cách bán hàng và hệ thống logistics bài bản, nhiều mặt hàng Trung Quốc được đặt sẵn ở kho biên giới và cả những kho tại Việt Nam, giao nhanh chóng.
Cần nhanh chóng tiếp sức hàng Việt
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) - nhận định hiện nay người Việt đang có xu hướng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt giới trẻ.
Nhà bán hàng Trung Quốc tận dụng môi trường mạng để truyền thông, tạo xu hướng, đổ hàng về. Chiến lược rất thành công.
Các mắt xích gồm: nhà sản xuất, nền tảng thương mại điện tử để bán hàng, đơn vị vận chuyển... đều đến từ Trung Quốc. Người Việt giữ vai trò chi tiền.
Mặc dù khách hàng mua được sản phẩm giá rẻ, nhưng nhiều thách thức đặt ra. Đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam dần đuối sức. Không loại trừ khả năng trong tương lai ngành bán lẻ có thể bị thâu tóm.
Theo nhiều chuyên gia, hàng Việt cần được tiếp sức mạnh mẽ, tạo thế cân bằng hơn, trong đó có việc thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, ngăn chặn và xử lý hàng nhập lậu, kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của việc bán trên sàn online, hỗ trợ hệ thống logistics...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận