TTCT - Vẫn là vị giáo sư ấy, thế mà khi lên làm trưởng khoa lại như hóa thân vào một ác thần? Mối quan hệ giảng viên - nhà quản lý trong các đại học luôn bị thử thách, và nay rất cần tới một cách nhìn khác. Trong một bài viết đăng trên Inside Higher ED - một website chuyên cung cấp thông tin về giáo dục đại học, cơ hội việc làm cho các giảng viên và các nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học, hai tác giả George Justice và Carolyn Dever đã kể lại một tình huống: Một giảng viên khi trao đổi thân tình với một đồng nghiệp vừa lên làm trưởng khoa đã đùa rằng: “Vậy là anh chuẩn bị sang bên phe đen tối rồi đó”. Hai vị Thiện - Ác Theo Justice và Dever, tình huống này phản ánh mối quan hệ hai chiều giữa đội ngũ giảng viên và đội ngũ quản lý trong các trường cao đẳng, đại học, với hàm ý rằng một bên là tốt và một bên thì xấu. Trong các đại học Mỹ, đội ngũ giảng viên thường có văn hóa đoàn kết gắn bó đến mức tách biệt với đội ngũ quản lý, đến độ ngay cả với những giảng viên giỏi và tâm huyết một khi đã chuyển sang làm quản lý cũng bị loại khỏi mối quan hệ vốn có với giảng viên. Ông Justice là một trưởng khoa ở Đại học Missouri và Đại học bang Arizona, còn bà Dever là trưởng khoa ở Vanderbilt và trưởng phân hiệu ở Dartmouth. Nhưng trước khi làm quản lý giáo dục thì cả hai từng là giảng viên, nên bài viết của họ có những góc nhìn đa chiều và sâu sắc. Họ ghi nhận một tình trạng phổ biến ở các đại học là rất nhiều giảng viên tin chắc rằng các trường đang đi sai đường và đang bị ràng buộc với các lợi ích doanh nghiệp, lợi ích tài chính và chính trị, những thứ có nguy cơ làm suy giảm bản chất giáo dục và nghiên cứu của các đại học và cao đẳng. Những năm làm công tác giảng dạy đã giúp các tác giả hiểu rằng các giảng viên thường thấy quyền tự chủ của họ đang bị bó buộc, còn các quy trình quản lý giảng dạy nghiên cứu hay các thủ tục hành chính tài vụ phục vụ sứ mệnh giảng dạy và nghiên cứu của trường mình thì đang được quản lý bởi những người đã hay đang mong muốn biến trường học thành các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận và không màng đến các nguyên tắc, kỷ cương giáo dục. Với các giảng viên chuyển lên làm quản lý, các giảng viên khác thường đặt câu hỏi về động cơ chuyển hướng của họ, hoặc cho rằng họ là những người đã “bỏ mặc” công trình nghiên cứu và các sinh viên của mình để tìm kiếm thăng tiến cho bản thân. Nhưng từ góc nhìn của các nhà quản lý, Justice và Dever chỉ thẳng rằng nếu một người nắm giữ tài chính của các đại học cao đẳng mà cũng nghĩ như các giảng viên về các thủ tục hành chính tài vụ, thì họ sẽ không thể duy trì được hoạt động của trường đại học. Và các suy nghĩ như trên của đội ngũ giảng viên chỉ là các “giả định” đang góp phần làm gia tăng sự đối lập giữa một bên là các giảng viên và một bên là các nhà quản lý giáo dục. Kết quả của điều này chỉ là sự xói mòn các nguyên tắc quan trọng về cùng nhau quản trị trong các tổ chức giáo dục đại học. Nhiều năm làm giáo dục, hai tác giả ghi nhận việc có rất nhiều nhà quản lý giáo dục thành công trước đó từng làm công việc giảng dạy, rồi từ một giai đoạn kiêm nhiệm hay làm giáo vụ tạm thời nào đó, họ lại chuyển hướng sự nghiệp hoàn toàn sang làm công tác quản lý. Đó hoàn toàn không phải là từ bỏ công việc giảng dạy và các sinh viên như các giảng viên thường nghĩ, Justice và Dever cho rằng đó không phải là hoàn toàn từ bỏ, mà chỉ là chuyển sang một vai trò khác - với một góc nhìn khác - trong công việc. Mặt khác, sự phát triển các kỹ năng quản lý của giảng viên có thể giúp tăng cường sự tự chủ cho khoa của họ. Để cân bằng được các khác biệt giữa hai đội ngũ này, hai tác giả đánh giá mối quan hệ của đội ngũ giảng viên và đội ngũ quản lý theo cặp khái niệm bên thực hiện công việc và bên người quản trị hoạt động. Theo kinh nghiệm của họ, mối quan hệ này lâu nay thường được mặc định rằng bên thực hiện, đội ngũ giảng viên là “người tốt” và bên quản trị là “kẻ ác”. Bên thực hiện là phía khổ hạnh đầy vị tha và không được tưởng thưởng xứng đáng - thường là phụ nữ hay người da màu, những người thấy mình phải làm đủ thứ việc từ dạy dỗ, trình diễn trên lớp đến lập sổ sách, thủ tục hành chính. Bên quản trị lại thuộc phía quyền lực, ăn trên ngồi trốc, những người đặt bản thân lên trên sứ mệnh trồng người và tách biệt khỏi các hoạt động của trường học - thường là nam và thường là da trắng. Thế mà cả hai bên đều tham gia vào việc vận hành guồng máy trường học và kỳ lạ thay, dù cả bên thực hiện và bên quản trị đều phải làm việc trên cùng một quy trình để cho một tổ chức như đại học - cao đẳng hoạt động, giữa hai phía có rất ít sự trao đổi, chuyển giao. Bồ câu, rồng lửa và nhà ngoại giao Những nhà quản lý như Justice và Dever ghi nhận các giảng viên thường than phiền về các thiếu sót nghiêm trọng của phía quản trị giáo vụ rằng họ thiếu năng lực, thiếu đa dạng, thiếu tìm tòi. Nhưng từng có sáu năm làm quản lý ở vị trí sáng lập và lãnh đạo khoa giáo dục và chính sách xã hội của Đại học Merrimack trước khi về lại làm giảng viên, tác giả Dan Butin của bài viết “Vậy anh muốn làm trưởng khoa?” (So You Want to Be a Dean?) trên trang Tin Tức Đại Học (The chronicle of higher education) cho biết vị trí này không hề dễ dàng như các giảng viên nghĩ. Ông Butin từng phụ trách tuyển dụng 17 giảng viên, tổ chức 7 chương trình đại học, làm việc với 2 chủ tịch của trường, 4 trưởng phân hiệu và 8 trưởng khoa khác. Công việc của một người quản lý giáo dục được ông ví như là “bồ câu, rồng lửa và nhà ngoại giao”, một công việc không hẳn là giáo sư thuần túy, cũng không hoàn toàn là nhà quản lý như ở doanh nghiệp. Một nghiên cứu nhân sự công bố trên tạp chí quản trị giáo dục Restoration Quarterly số 45 đã ghi nhận rằng một vị trưởng khoa như Butin thường phải thực hiện đến 168 nhiệm vụ khác nhau. Justice và Dever đề xuất việc cải thiện quan hệ giữa hai phía thực hiện và quản trị bằng cách tăng cường kết nối giữa đội ngũ giảng dạy và đội ngũ quản lý, hướng đến việc tạo ra các con đường để giảng viên có kỹ năng quản lý trở thành các nhà lãnh đạo trong các trường đại học - cao đẳng. Những nhà quản lý này sẽ biết tôn vinh, đề cao công việc giảng dạy và làm dịu đi sự căng thẳng vốn có lâu nay giữa hai phía. Để các giáo sư, trưởng khoa, trưởng phân hiệu và chủ tịch đại diện cho cả nguyện vọng và nhu cầu cụ thể của đội ngũ giảng viên và được đội ngũ này tôn trọng, Justice và Dever gợi ý rằng chỉ cần hai bên phá vỡ các định kiến để cùng nhau làm việc vì các sứ mệnh giảng dạy và nghiên cứu của các đại học và cao đẳng. Và trong tình trạng hiện nay của các trường đại học - cao đẳng, với nhiều thách thức về mặt tài chính và chính trị đang khiến các trường phải định hình lại, cả hai phía phải gắn bó với nhau một cách xây dựng hơn. Trong khi các giảng viên sẽ luôn phải phản biện về những cách tốt nhất để giảng dạy và nghiên cứu, các nhà quản trị sẽ luôn phải tiếp nhận các phê bình hay các ý kiến trái chiều nhưng có tính xây dựng. Đó là điều cần thiết để duy trì mô hình đồng quản trị, bản chất của sự vận hành một mô hình đại học hiện đại.■ Tags: Giảng viênXung độtTài chínhBất đồngNhà quản lý giáo dụcQuản trị đại học
Cuộc 'lột xác' ngoạn mục bờ Thủ Thiêm sông Sài Gòn chỉ sau một năm LÊ PHAN 26/01/2025 Chỉ hơn một năm trước, đôi bờ sông Sài Gòn qua trung tâm TP.HCM vẫn còn bên hiện đại, bên bờ lau lách mà giờ đây hoa đã nở, đèn rực sáng, nhạc đã hòa ca đón xuân về.
Elon Musk sẽ phá vỡ quy tắc vàng khi mua Liverpool thay vì Manchester United QUỐC THẮNG 26/01/2025 Tỷ phú công nghệ Elon Musk sẽ phá vỡ nguyên tắc vàng nếu ông quyết định mua CLB Liverpool thay vì Manchester United.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.